Giai đoạn làm đòng là giai đoạn rất quan trọng đối với cây lúa, đây là thời kỳ hình thành số hạt/bông lúa, bất kỳ một tổn thương nào tại thời điểm này cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất của lúa. Để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, bông to, nhiều hạt, cho năng suất cao, bà con nông dân cần bón phân đón đòng và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời.
* Về thời điểm bón: Nên bón phân đón đòng khi cây lúa bắt đầu hình thành tượng khối sơ khởi(đứng cái). Bón vào thời điểm này sẽ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu cho cả dảnh cái và các dảnh con trong quá trình phân hoá đòng và nuôi đòng. Thời diểm bón đón đòng giống Khang dân là 52-55 ngày sau sạ; Các giống JO2,HT1, KH1, Hà Phát 3...là 58-60 ngày sau sạ.
* Cách nhận biết: Quan sát bằng mắt thường thấy hình thái cây lúa có sự biến đổi rõ rệt như tròn khóm, thân cứng, các lá đứng và so le, hai cổ lá trên cùng bằng nhau, lá thứ hai từ trong ngọn tính ra có hiện tượng thắt eo, hoặc bóc dảnh cái thấy 3 đốt, ở đốt trên cùng có hình thành khối tế bào dài 1 - 2 mm dạng xơ bông thì bón phân ngay ở thời điểm này là chính xác nhất.
* Tác dụng của việc bón đúng thời điểm: Giai đoạn tượng khối sơ khởi (đứng cái) rất quan trọng, vì giai đoạn này có thời gian rất ngắn để bước vào phân hoá đòng, hình thành các gié, các hoa tạo nên các hạt lúa và bông lúa, quyết định số hạt lúa trên bông. Cho nên phải bón phân đúng thời điểm, để cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho quá trình phân hoá, giúp cho việc phân chia gié và hoa lúa được nhiều nhất. Tuy nhiên, bà con nông dân thường bón muộn khi đòng to (bóc dảnh cái thấy đòng đã dài), lúc này số gié và số hoa đã phân chia xong nên bón phân chỉ có tác dụng nuôi đòng. Việc bón muộn như vậy làm cho bông lúa nhỏ, ngắn và không nhiều hạt. Trong giai đoạn cây lúa từ đứng cái, làm đòng đến khi chín, cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để cây vận chuyển tích luỹ vào hạt, tạo nhiều hạt chắc. Vì vậy, bón phân đón đòng cho lúa sao cho đúng thời điểm, cho đủ lượng là rất cần thiết để có được số hoa/bông, hay số hạt/bông và số hạt chắc/bông đạt tối đa, là cơ sở cho năng suất cao.
* Lượng phân bón đón đòng: Nếu dùng phân đơn, lượng phân bón cho 1 sào (500 m2): Urê là 2-4 kg và Kali clorua từ 3 đến 4 kg, trộn đều rồi bón. Phân tổng hợp NPK tỷ lệ 15-5-20 bón cho 1 sào (500 m2): 5-6 kg. Lượng bón trên tùy theo chân đất và tình hình sinh trưởng của cây lúa.
Giai đoạn đứng cái, làm đòng - trỗ lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sinh vật gây hại, ở giai đoạn này bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời một số đối tượng như sâu Cuốn lá nhỏ, Rầy nâu, bệnh Đạo ôn, bệnh Khô vằn, Chuột … theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch nông nghiệp thị xã Hương Trà.