Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Bình Điền giàu lên nhờ phát triển kinh tế rừng
Ngày cập nhật 15/09/2014

Dọc theo quốc lộ 49 B lên xã Bình Điền, ấn tượng về những đổi thay đầu tiên của xã trung tâm miền núi Bình Điền đó là hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, càng làm cho bộ mặt đô thị đang ngày càng khởi sắc, cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao. Có được những kết quả này, đó chính là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng uỷ xã Bình Điền trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, trong đó luôn chú trọng phát triển kinh tế rừng.

Bình Điền là một trong 5 xã vùng gò đồi của thị xã Hương Trà. Có tiềm năng thế mạnh về đất đai, trong đó thích hợp với trồng các loại cây lâu năm như cao su, keo. Trong hơn 10 năm lại đây, các cấp ủy, chính quyền xã Bình Điền xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi đúng, có tác dụng tích cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân trong xã. Chính vì lẽ đó, Đảng uỷ đã chỉ đạo UBND xã, các ban ngành đoàn thể xã Bình Điền tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của kinh tế rừng đối với cuộc sống, qua tuyên truyền đã được người dân đồng tình, hưởng ứng và tham gia  tích cực, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính quyền xã đề ra. Theo thống kê, đến nay, toàn xã Bình Điền có 12.000 ha rừng, trong đó có 430 ha trồng rừng theo dự án WB3. Năm 2013-2014, với nhu cầu về đất sản xuất, được sự quan tâm của tỉnh và thị xã Hương Trà đã thu hồi 66 ha đất rừng của các lâm trường,  giao lại cho bà con nhân dân trong xã nhằm tạo mọi điều kiện cho bà con phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Mạo, một trong những hộ phát triển mạnh về nghề rừng cho biết: định cư tại xã Bình Điền sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, qua một chặng đường dài gian lao, vất vả khai hoang, vỡ đất. đến nay “Gia đình ông trồng hơn 16 ha rừng. Nếu tính bình quân mỗi ha thu lãi 60 triệu đồng thì với 16 ha rừng, sau 5 đến 6 năm trồng, chăm sóc, gia đình ông thu về trên 900 triệu đồng. Như thế trung bình mỗi năm gia đình ông cũng thu nhập gần 200 triệu từ kinh tế rừng. Đó là chưa kể 4 ha cao su, trong đó có 2 ha đang thời kỳ thu hoạch, mỗi tháng cho thu nhập hơn 4 triệu đồng.

Từ hiệu quả của việc phát triển kinh tế rừng và sự ổn định của thị trường thu mua cây lấy gỗ làm nguyên liệu giấy nên nhiều hộ gia đình không những chủ động chuyển đổi các diện tích vườn tạp sang trồng rừng kinh tế trên diện tích của mình mà còn đầu tư vốn mua từ 5-7 ha của các hộ khác để mở rộng diện tích sản xuất. Theo người dân xã Bình Điền, Hiện nay, bình quân 1 ha keo, tràm chăm sóc tốt thì chỉ sau 4-5 năm là có thể cho khai thác, năng suất bình quân đạt khoảng 120 - 150 tấn gỗ nguyên liệu, bán xong trừ các chi phí, lãi khoảng 60 triệu đến 80 triệu đồng. Riêng cây cao su, vào thời điểm được giá thì 1ha có thể cho thu nhập bình quân 300 - 500 ngàn đồng/ngày.

Cùng với các xã như Hương Bình, Bình Thành, Hương Thọ và Hồng Tiến, xã Bình Điền được coi là một trong những địa phương có phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi khá mạnh so với các địa phương khác trong toàn tỉnh. Nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, trung ương nhờ trồng rừng kinh tế, trong đó tập trung lớn nhất ở các thôn như: Bình Lộc, Vinh An, Đông Hòa... Hiện, hộ trồng ít cũng có khoảng 0,5 ha, hộ trồng nhiều lên đến cả 20 ha. Ngoài ra, trồng rừng cũng giúp giải quyết công ăn việc làm cho cả hàng trăm lao động ở địa phương Bình Điền cũng như các địa phương lân cận với thu nhập từ 150 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/ngày để trồng mới, chăm sóc cây non trong những năm đầu và khai thác khi cây đến tuổi. Các đơn vị ươm cây giống, vật tư nông nghiệp cũng thu nhập khá nhờ cung ứng dịch vụ cho trồng rừng.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Điền, ông Trần Tranh cho biết: Trước đây, đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu phát triển kinh tế là theo hình thức tự cung tự cấp, thu nhập chỉ dựa vào cây sắn, hạt lúa, hạt ngô trên nương, trên rẫy. Thiếu kinh nghiệm lẫn kỹ thuật, người dân trong xã chủ yếu tự nhân giống cây con để trồng vì thế cây khi phát triển không đảm bảo về chất lượng. Nhờ sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước và các dự án nhất là dự án WB3 tiến hành giao đất, giao rừng tập huấn kỹ thuật cũng như cung cấp giống đạt chất lượng cho bà con. Từ đây đưa trồng rừng trở thành hướng phát triển kinh tế chủ lực của người dân địa phương. Người dân ở đây còn biết thực hiện có hiệu quả phương châm “lấy ngắn nuôi dài” thông qua việc trồng các loại cây ngắn ngày xen dưới những tán rừng keo, tràm, cao su để có thêm nguồn thu nhập.

Phát triển kinh tế rừng và cây cao su, trong những năm qua ở xã Bình Điền đã phát huy hiệu quả kinh tế, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, bộ mặt của xã Trung tâm miền núi đang ngày càng khởi sắc, điều này đã khẳng định hướng phát triển kinh tế phù hợp, đúng đắn mà Đảng bộ, chính quyền xã Bình Điền đã chọn. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, người dân các lâm trường sở hữu một diện tích đất khá lớn, trong khi đó người dân trong xã lại thiếu đất sản xuất khiến một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn về kinh tế, điều này cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã Bình Điền như đã đề ra.

 

Văn Vinh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.598.283
Truy câp hiện tại 9.262