Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Đậm đà hương vị biển
Ngày cập nhật 25/12/2014

Hải Dương có lợi thế về cửa biển, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản và làm chế biến, nên nguồn nguyên liệu để chế biến các loại Mắm, nước Mắm dồi dào.

Gần 30 năm gắn bó với nghề kinh doanh chế biến thủy sản chị Lê Thị Thẻo hiện ở tại thôn Thai Dương hạ Bắc là một phụ nữ quyết giữ nghề làm mắm từ ông, bà lưu truyền lại. Những năm trước đây do chưa có đầu ra, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Năm 2012, Hội phụ nữ xã đã liên hệ với Sở Khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đăng ký và được công nhận nhãn hiệu “Mắm và nước Mắm Làng Dừa”. Cơ hội đến với chị, với bề dày kinh nghiệm trong việc chọn cá để chế biến nên các loại mắm của chị làm ra có chất lượng, giá thành rẻ được nhiều người ưa chuộng. Khi các sản phẩm có dán nhãn hiệu tăng thêm độ tin cậy cho người tiêu dùng nên nhiều nơi đặt mua sản phẩm.Thông qua các kỳ Hội chợ Festival hàng của chị bán rất chạy. Công việc ngày càng thuận lợi chị vay thêm Ngân hàng CSXH số tiền 20 triệu đồng để đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, mua sắm thêm nhiều chum, vại để chế biến đủ các loại mắm và nước mắm, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mỗi năm chị muối hơn 5 tấn cá để làm mắm và chế biến nước mắm thu nhập sau khi trừ chi phí mang lại cho gia đình trên 100 triệu đồng.

Chị Thẻo cho biết: Cá dùng để chế biến nước mắm có thể sử dụng được tất cả các loại với tất cả các kích cỡ khác nhau trừ một số loại cá có độc tố điển hình là cá nóc. Thông thường chị mua các loại như: cá nục, cá lầm, cá trích, cá cơm…để làm nước mắm. Đây là loại cá sống ở tầng nước trên và tầng nước giữa, chúng thường di chuyển theo từng đàn nên khi thuyền đánh bắt được thường là từng một loại cá. Cá nổi trên mặt nước thường rất sạch, nội tạng và mang cá ít bị nhiễm bùn, đất cát. Cá tươi có vảy cá sáng, cơ thịt cá săn chắc, mùi tanh nhẹ. Khi thu mua về rửa bằng nước sạch để ráo nước và sau đó trộn vào cá từ 25 đến 30% muối sạch, dân gian thường truyền nhau là “3 cá một muối”. Theo chị Thẻo muối dùng để ướp cá phải được mua trước từ 2 đến 3 tháng cất vào chum, vại để khi lấy ra dùng giảm đi vị chát, đắng của muối không gây vị xấu cho nước mắm thành phẩm sau này. Để có những chai nước mắm có màu cánh gián trông bắt mắt thì công đoạn đưa cá vào chum, vại, thùng ủ là rất quan trọng, phải đổ cá từ từ không vội vàng đổ cùng một lúc sẽ làm cho cá bị dập bụng thì nước mắm bị đục. Sau khi đổ đầy cá vào các dụng cụ đựng thì phải đổ lên phía trên một lớp muối khoảng 10 mm để chống sinh dòi, bọ gọi là muối mặt; đậy thùng chứa, gài ém và để yên trong vòng 5 ngày nhằm tạo thuận lợi cho quá trình lên men yếm khí. Sau đó náo đảo, giang phơi là 2 thao tác thường thực hiện kết hợp với nhau để chăm sóc cho cá chóng chin. Thông thường phải trên dưới 1 năm thì có thể dùng cụ chắt lọc để  rút nước mắm và đóng chai mang ra thị trường tiêu thụ.

Đối với loại mắm dưa thì các công đoạn làm đỡ phần vất vả hơn. Mắm dưa thì được làm chủ yếu vào mùa hè khi có nhiều loại dưa gang, dưa quả được thu hoạch. Dưa mua về sơ chế đem phơi 3 ngày 3 đêm sau đó đem vào muối. Cá thì chọn loại cá nục con nhỏ mới đánh bắt vào, rửa sạch và muối riêng kèm thêm các loại ớt tươi chín đỏ xay nhuyển. Sau 6 tháng đem trộn đều cá được muối và dưa lẫn với nhau đem đi tiêu thụ là được.

Chị Thẻo là một phụ nữ năng động, tự tin tính tình lại xởi lởi, luôn khát khao vươn lên trên con đường phát triển kinh tế. Chị tích cực tìm hiểu thị trường, liên hệ bạn bè, người thân, các chủ tàu, thuyền đánh bắt cá để được mua hàng tươi, với giá sỉ, đảm bảo hàng chế biến đạt chất lượng và tiêu thụ sản phẩm ở nhiều nơi nên cơ sở làm ăn phát đạt kinh doanh có lãi. Gia đình chị hàng năm đều được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu được UBND tặng giấy khen trong thực hiện phong trào thi đua“Phụ nữ tích cực học tập – Lao động sáng tạo – Xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Ngoài ra, chị thường xuyên tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ, không ngại ngần chia sẻ những kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện công việc cế biến các loại mắm, nước mắm của mình, không dấu nghề như mọi người thường nghĩ. Chị cho rằng muốn giữ được nghề truyền thống thì phải có nhiều người trong cộng đồng cùng thực hiện, mình làm một mình thì đơn độc quá. Vì vậy chị mong muốn trong thời gian tới ngoài nhãn hiệu được công nhận sản phẩm mắm và nước mắm của những người phụ nữ xã Hải Dương sẻ có thương hiệu của riêng mình để nhiều người biết đến. Chị sẽ giữ mãi phương pháp cổ truyền cộng với các yếu tố kỹ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra ngày càng chất lượng hơn để những bữa ăn của mỗi gia đình đậm đà hương vị của miền biển Hải Dương.

Thu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.551.903
Truy câp hiện tại 1.913