Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Quản lý nước đúng cách góp phần tăng năng suất lúa
Ngày cập nhật 28/02/2023

Trong canh tác lúa, quản lý nước đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, hầu hết nông dân đều nắm vững kỹ thuật quản lý nước theo phương pháp “ngập khô xen kẽ”. Phương pháp này đã giúp bà con dần thay đổi tập quán trong cách quản lý nước cho ruộng lúa giúp lúa sinh trưởng tốt, hạn chế đổ ngã và tiết kiệm công lao động mà còn là giải pháp hàng đầu trong sản xuất lúa ứng phó với biến đổi khí hậu...

Nước là nhân tố không thể thiếu trong đời sống của cây lúa nhưng không phải lúc nào cũng cần một lượng lớn trên ruộng, bởi vì nếu ngập nước quá lâu thì bộ rễ lúa sẽ kém phát triển, đất trồng thì sinh ra nhiều độc chất có hại. Do vậy, ở mỗi giai đoạn khác nhau thì mực nước trên ruộng cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp theo nhu cầu của cây lúa nhằm tiết kiệmk nước và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tưới “Ướt- Khô xen kẽ” là kỹ thuật quản lý nước của Viện lúa Quốc tế IRRI và được ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con thực hiện trong canh tác lúa. Theo đó, khi áp dụng kỹ thuật này sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích. Đó là vừa tiết kiệm được nước tưới vừa giúp đất thông thoáng, bộ rễ cây lúa ăn sâu vào tầng canh tác, huy động được nhiều dinh dưỡng, lúa cứng cây ít đổ ngã, ít nhiễm bệnh, giảm chi phí, năng suất cao hơn tưới ngập thường xuyên, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường, và phát thải khí nhà kính.

Chính vì vậy cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước mà chỉ cần bơm nước vào ruộng cao tối đa là 5cm.

* Cách tưới như sau:

– Lúa ở giai đoạn cây con: Trước khi sạ giống, mặt ruộng phải khô nước để đảm bảo cho hạt giống mọc mầm và sử dụng thuốc trừ cỏ thuận lợi (đối với thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm). Sau khi lúa mọc mầm ổn định hoặc sau khi phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm 2 đến 3 ngày thì cho nước vào ruộng. Từ giai đoạn này đến khi lúa bắt đầu đẻ nhánh chỉ cần giữ mực nước trên ruộng từ 1 – 3 cm.

– Giai đoạn lúa đẻ nhánh: Cây lúa bắt đầu đẻ nhánh ở giai đoạn sau sạ từ 15 đến 20 ngày  đối với vụ Đông Xuân; 12 đến 15 ngày đối với vụ Hè. Giai đoạn này chỉ cần mực nước săm sắp mặt ruộng, giữ mực nước trong ruộng ổn định từ 3-5 cm, ngập nước sâu cây lúa đẻ nhánh kém. Từ giai đoạn đẻ nhánh rộ đến khi lúa đứng cái làm đòng áp dụng biện pháp tưới nước “Ướt – Khô xen kẽ” theo cách: Cho nước vào ruộng với mực nước từ 3 – 5 cm và để cho đợt nước này tự cạn, khô đến khi thấy mặt ruộng nứt nhẹ (nứt chân chim) thì cho nước vào lại, rồi tiếp tục để ruộng tự khô nứt chân chim trở lại. Cứ tưới nước theo kiểu “Ướt – Khô xen kẽ” như vậy trong suốt quá trình cây lúa đẻ nhánh.

– Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng đến trỗ, chín sữa: Thông thường lúa đứng cái làm đòng ở giai đoạn khoảng 40 đến 45 ngày đối với giống ngắn ngày; 50 đến 55 ngày đối với giống trung ngày. Từ giai đoạn đứng cái làm đòng đến trỗ, chín sữa cây lúa rất cần nước, không được để ruộng khô nước. Tưới luân phiên nhưng ruộng vừa cạn thì phải tưới lại. Nên duy trì mực nước trên ruộng khoảng 5 cm, để lúa phát triển một cách tốt nhất.

– Giai đoạn lúa chín, thu hoạch: Giai đoạn lúa chín, từ 10 đến 12 ngày trước khi thu hoạch cần tháo cạn nước để mặt ruộng được khô ráo, nhằm thuận lợi cho công tác thu hoạch.

* Một số lưu ý trong quản lý nước tưới đối với cây lúa:

– Trong điều kiện thời tiết rét lạnh (nhiệt độ dưới 200C) không nên để ruộng cạn nước, phải giữ mực nước trên ruộng từ 3 – 5 cm để chống rét cho cây.

– Phải quản lý tốt cỏ dại trên ruộng lúa. Khi phun thuốc trừ cỏ cho lúa chú ý phải đúng kỹ thuật; đặc biệt phải đảm bảo phun đủ lượng thuốc, lượng nước pha và phun ướt đều mặt ruộng.

– Trong giai đoạn tưới nước ướt khô xen kẽ cho lúa (giai đoạn lúa đẻ nhánh), nên kết hợp tốt giữa các đợt tưới nước với các đợt bón phân cho lúa.

Thị Kỳ - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.621.846
Truy câp hiện tại 206