Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN TẠM THỜI Cấp, quản lý mã số vùng trồng trong lĩnh vực Trồng trọt
Ngày cập nhật 12/04/2023

Căn cứ Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực Trồng trọt và Công văn số 97/TTBVTV-TTr ngày 28/3/2023 của Chi cục Trồng trọt và BVTV về việc hướng dẫn tạm thời cấp, quản lý mã số vùng trồng linh vực Trồng trọt. Phòng Kinh tế hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn như sau:

1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

- Phạm vi áp dụng: Hướng dẫn này quy định các yêu cầu về cấp/cấp lại và quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt.

- Đối tượng: Là các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Thuật ngữ và định nghĩa

2.1. Vùng trồng

Là một vùng sản xuất một hoặc nhiều loài cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất được kiểm soát chung bởi một tiêu chuẩn hoặc quy trình sản xuất cho mỗi loài cây trồng hoặc nhóm cây trồng.

2.2. Mã số vùng trồng

Là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

3. Nội dung

3.1. Các yêu cầu của vùng trồng

a) Quy mô tối thiểu:

- Cây trồng lâu năm: 01 ha.

- Cây hằng năm: 0,1 ha

b) Vùng trồng đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12.

c) Có đầy đủ thông tin theo mẫu số 01 Phụ lục 1 và cập nhật theo vụ/chu kỳ thu hoạch các thông tin về truy xuất nguồn gốc (Phụ lục 2), đối tượng cây trồng, tên giống cây trồng, diện tích, tiêu chuẩn (quy trình) áp dụng, sản lượng dự kiến, thời gian dự kiến thu hoạch, thị trường dự kiến tiêu thụ (vào đầu vụ/chu kỳ thu hoạch) và sản lượng chính thức khi kết thúc thu hoạch, sau khi đã được cấp mã số vùng trồng.

3.2. Mã số vùng trồng

Kết cấu của mã số vùng trồng như sau:

VN-Mã tỉnh/Tp-Quận/huyện-Phường/xã -cơ sở sản xuất-Năm cấp

Mã tỉnh/Tp, quận/huyện, phường/xã sử dụng mã số các đơn vị hành chính theo quy định của Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ Về việc ban hành bảng Danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam và các văn bản cập nhật, bổ sung mã số của các đơn vị hành chính mới. Tỉnh/Tp, quận/huyện, phường/xã xác định theo địa chỉ vùng trồng của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp mã số.

Mã cơ sở sản xuất: Do các tỉnh/thành phố quy định thống nhất theo số thứ tự từ 01 đến hết.

Năm cấp: Lấy hai số cuối của năm cấp mã số vùng trồng

Ví dụ: VN-46-474-19807-01-23 (Việt Nam - Thừa Thiên Huế: 46 – TP Huế: 474 – phường Thủy Biều: 19807- số cơ sở cấp: 01 - năm cấp: 2023)

3.3. Thực hiện cấp/cấp lại, đình chỉ, hủy bỏ mã số vùng trồng

a) Đăng ký cấp/cấp lại mã số vùng trồng

Tổ chức/cá nhân gửi hồ sơ đăng ký cấp/cấp lại mã số vùng trồng tại đơn vị được UBND thị xã phân công đơn vị đầu mối chủ trì tiếp nhận (Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà). Đơn vị tiếp nhận kiểm tra hồ sơ đảm bảo theo quy định; Đăng ký cấp mã số vùng trồng trực tuyến tại địa chỉ https: csdltrongtrot.mard.gov.vn. Hồ sơ gửi về Chi cục Trồng trọt và BVTV.

Hồ sơ bao gồm:

- Giấy đăng ký cấp/cấp lại mã số vùng trồng (theo Mẫu số 01 Phụ lục 1).

- Bản sao Căn cước công dân/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Sơ đồ vùng trồng (chi tiết các thửa đất);

- Danh sách các hộ nông dân (đối với trường hợp vùng trồng có nhiều hộ), bao gồm các thông tin: đối tượng cây trồng, diện tích, sản lượng dự kiến đối với từng hộ. Trong trường hợp vùng trồng có nhiều loại cây trồng khác nhau đề nghị kê khai chi tiết về các loại cây trồng, diện tích, phương thức sản xuất, quy trình sản xuất cụ thể đến từng loại (có xác nhận của địa phương)

- Bản sao giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn đã áp dụng hoặc giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện đảm bảo ATTP/bản cam kết đảm bảo ATTP trong sản xuất hoặc Quy trình sản xuất của các doanh nghiệp liên kết sản xuất đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định;

b) Kiểm tra thực địa, thẩm định cấp/cấp lại mã số vùng trồng

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp các đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ, đi kiểm tra thực địa để xác định mức độ đáp ứng các yêu cầu ở Mục 3.1 hướng dẫn này, làm căn cứ cấp mã số vùng trồng cho tổ chức/cá nhân.

Các nội dung kiểm tra chi tiết tại Mẫu số 02 Phụ lục 1 của hướng dẫn này. Trong trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy vùng trồng cần khắc phục, đơn vị kiểm tra sẽ thông báo cụ thể yếu tố cần khắc phục cho tổ chức/cá nhân đề nghị cấp/cấp lại mã số vùng trồng; tiến hành kiểm tra lại theo đề nghị của vùng trồng.

Không thực hiện kiểm tra thực tế đối với các trường hợp vùng trồng đã được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 hoặc được chứng nhận một trong các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt như: VietGAP, 4C, GlobalG.A.P, ASEANGAP..., tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn sản xuất bền vững và đáp ứng yêu cầu của điểm a,c Mục 3.1.

Có thể thực hiện việc cấp/cấp lại mã số vùng trồng trước và thực hiện hậu kiểm, thời gian hậu kiểm đối với các trường hợp này không quá 6 tháng kể từ ngày cấp.

c) Cấp mã số vùng trồng

Vùng trồng đáp ứng các yêu cầu của mục 3.1 sẽ được cấp mã số theo quy định của 3.2 và mẫu số 03 Phụ lục 1.

3.4. Đình chỉ sử dụng, hủy bỏ mã số vùng trồng đã cấp

a)  Đình chỉ sử dụng mã số vùng trồng một trong các trường hợp sau:

- Không ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc theo quy định  tại Phụ lục 2 và cập nhật thường xuyên các thông tin theo quy định.

- Không đáp ứng yêu cầu tại thời điểm giám sát định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất; kết quả giám sát có một trong số các thông tin không đúng theo thông tin đã cung cấp tại Mẫu số 01 Phụ lục 1.

Chi cục Trồng trọt và BVTV thông báo bằng văn bản việc đình chỉ sử dụng mã số vùng trồng đến tổ chức/cá nhân, UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi bị đình chỉ sử dụng mã số vùng trồng.

Mã số vùng trồng sẽ được phục hồi khi cơ sở sản xuất có biện pháp khắc phục và được Cơ quan cấp mã số vùng trồng chấp nhận biện pháp khắc phục đó.

b) Hủy mã số vùng trồng một trong các trường hợp sau:

- Theo đề nghị của cơ sở về việc không sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp.

- Cơ sở không có biện pháp khắc phục hiệu quả đối với các trường hợp bị đình chỉ sử dụng mã số nêu trên trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bị đình chỉ.

- Vùng trồng đã được cấp mã số chuyển đổi loại cây trồng hoặc mục đích sử dụng so với đăng ký ban đầu hoặc khi hậu kiểm không đáp ứng các yêu cầu theo quy định đối với trường hợp phải kiểm tra thực tế tại vùng trồng đăng ký khi cấp mã số vùng trồng.

- Sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các sản phẩm không thuộc đối tượng cây trồng đăng ký, không được sản xuất tại vùng trồng đăng ký.

Chi cục Trồng trọt và BVTV thông báo bằng văn bản việc hủy mã số vùng trồng đến tổ chức/cá nhân, UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi vùng trồng bị hủy mã số.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Chủ trì thực hiện công tác thẩm định hồ sơ, cấp/cấp lại, đình chỉ, hủy bỏ mã số vùng trồng; quản lý mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; xây dựng, cập nhật, tích hợp cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng 06 tháng/lần (trước 30/6 và 31/12 hằng năm), tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định

- Tổ chức tập huấn; hướng dẫn trình tự, thủ tục và các quy định về cấp mã số vùng trồng đến cán bộ chuyên môn phụ trách lĩnh vực trồng trọt ở các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề nghị được cấp mã số vùng trồng. Phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố xác định đối tượng cây trồng ưu tiên cấp mã số vùng trồng theo điều kiện cụ thể của từng địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý mã số vùng trồng và sử dụng mã số vùng trồng của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cho mượn, sử dụng mã số vùng trồng không đúng mục đích; tiến hành đình chỉ, hủy mã với các vùng trồng không đảm bảo tiêu chuẩn.

- Trường hợp có vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, kịp thời báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh.

4.2. Phòng Kinh tế

- Đơn vị đầu mối chủ trì thực hiện công tác thiết lập hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng trên hệ thống cơ sở dữ liệu Cục Trồng trọt; quản lý sử dụng mã số vùng trồng ở địa phương đảm bảo theo quy định.

- Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV trong việc hướng dẫn, tập huấn về mã số vùng trồng; công tác kiểm tra, giám sát trong việc cấp/cấp lại và quản lý mã số vùng trồng.

- Hàng năm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí để thực hiện; xây dựng phương án lồng ghép các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn đối với vùng sản xuất tập trung, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo cấp và quản lý mã số vùng trồng.

- Định kỳ hàng năm (trước ngày 10/6 và 30/11) tham mưu UBND thị xã báo cáo kết quả công tác thiết lập hồ sơ cấp, quản lý sử dụng mã số vùng trồng về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và BVTV) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Thường xuyên kiểm tra giám sát, hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện sản xuất trồng trọt, đảm bảo vùng trồng luôn duy trì việc đáp ứng các quy định.

4.3. Các tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng

- Ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc theo mẫu tại Phụ lục 2.

- Thường xuyên tự cập nhật các thông tin về mã số vùng trồng; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về mọi sự thay đổi của mã số (diện tích, người đại diện, số hộ tham gia…).

- Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát việc duy trì đáp ứng các quy định của vùng trồng đã được cấp mã số.

(Kèm theo các phụ lục, biểu mẫu)

Tập tin đính kèm:
Anh Văn - Phòng Kinh tế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.594.467
Truy câp hiện tại 28.615