Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
KỸ THUẬT SẢN XUẤT LÚA NẾP THAN VỤ HÈ THU 2023
Ngày cập nhật 18/05/2023

I. Giới thiệu chung về nguồn gốc Nếp than và những lợi ích:

Nếp than là giống Nếp bản địa của người Pa Cô, có từ ngàn xưa, được đồng bào A Lưới giữ giống qua từng mùa. Nếp than còn được gọi là Đệp-cù-cha, theo tiếng đồng bào, đệp có nghĩa là nếp, cù-cha là than. Một cách lý giải nữa, là khi hạt nếp bắt đầu ngậm sữa, là lúc màu hạt chuyển sang tím đen như than, gạo xay cũng có màu đen.

Nếp than được canh tác theo phương pháp truyền thống là giống nếp chịu hạn, chịu lạnh rất tốt, chiều cao cây thấp, bông to, hạt to mẩy, gạo dẻo và chất lượng. Năng suất của lúa tuy không cao bằng các giống lúa khác nhưng giá bán cao gấp ba, gấp bốn lần lúa thường.

Đặc điểm giống: Cây có khả năng đẻ nhánh khoẻ, cứng cây. Thời điểm mạ, thân và lá có màu tím than. Đối với các ruộng đủ sáng, không bị rợp bóng cây thì cây có bông lúa có chiều dài gié lúa từ 20-22 cm.

Giá trị dinh dưỡng trong hạt gạo nếp than rất cao so với các loại nếp khác (chứa 8 loại amino acid, giàu các loại vitamin, nhất là vitamin C, E và rất nhiều các nguyên tố vi lượng khác. Hàm lượng protein cao hơn 6.8%, chất béo cao hơn 20% so với các loại nếp thông thường khác. Giàu hàm lượng chất chống oxy hóa- anthocyanin, nhiều chất xơ và đặc biệt là chứa ít đường). Do vậy, nếp than là một thực phẩm bổ sung hàng đầu cho sức khỏe con người. Gạo nếp than với nhiều thành phần, giá trị dinh dưỡng được người tiêu dùng tin tưởng, đang ngày càng phổ biến và trở thành sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình.

II. QUY TRÌNH SẢN XUẤT NẾP THAN VỤ HÈ THU 2023

1. Thời vụ:

Theo hướng dẫn lịch thời vụ của UBND thị xã Hương Trà.

- Vụ Hè: Gieo sạ từ 10- 20/5 (càng sớm càng tốt)

- Thời gian sinh trưởng: Vụ Hè thu 105- 110 ngày.

2. Làm đất

- Làm kỹ, nhuyễn bùn, bằng phẳng, sạch cỏ.

- Có rãnh thoát nước ở giữa và xung quanh ruộng.

- Chia luống rộng khoảng 1,5-2 m để dễ đi lại trong quá trình sạ, chăm sóc.

3. Lượng giống và kỹ thuật gieo:

- Lượng giống gieo: 6kg/sào

- Ngâm, ủ hạt giống:

+ Ngâm: Khối lượng thóc giống so với khối lượng nước theo tỷ lệ: 1:5 để ngâm giống. Thời gian ngâm giống 2 ngày 2 đêm (48 giờ), nên ngâm hạt giống trong nước ấm (3 sôi: 2 lạnh) 540C trong quá trình ngâm ủ cứ 6-8 giờ thay nước rửa chua 01 lần. Khi hạt giống hút no nước (nhìn thấy rõ phôi trắng ở gốc của hạt thóc), vớt ra rửa thật sạch, không có mùi, để ráo nước rồi mới đem ủ (Không được dùng bao nilon hoặc bao không thấm, thoát nước để ủ giống).

+ Khi ủ giống, nhiệt độ phải đạt 30- 320C, trong quá trình ủ cần kiểm tra nhiệt độ và ẩm độ để điều chỉnh kịp thời, nếu hạt khô cần tưới thêm nước, vụ Đông xuân tưới nước ấm. Nếu thời tiết lạnh nên tủ thêm rơm rạ để giữ nhiệt độ cho đóng ủ. Ủ đến khi hạt nảy mầm đều thì gieo sạ (Thường ủ khoảng 2-3 ngày thì hạt nứt nanh đều)

- Kỹ thuật gieo: Sau khi làm đất xong, tiến hành gieo theo luống đã chia, phải gieo đều trên khắp mặt luống, gieo hai lần, lần sau gieo ngược chiều lần trước (đảm bảo gieo đều và đủ lượng giống).

4. Phân bón: (Kết hợp phân hữu cơ vi sinh, phân lân + NPK và phân đơn).

* Tổng quy trình gồm (tính cho 1 sào)

  + Phân hữu cơ vi sinh (HCVS): 25kg.

  + Phân hóa học: - NPK: 16.16.8: 25kg.

                             - Urê: 6kg.

                             - Kali clorua: 6kg.

                             - Lân: 10kg.

* Cách bón:

- Bón lót: 25kg phân HCVS+ 10kg phân lân + 10kg phân NPK. Bón xong trang đẩy cho phân lắng xuống bùn.

- Thúc lần 1: khi cây lúa có 3- 4 lá (Vụ HT: 10-12 ngày) 7kg NPK + 2 kg kali

- Thúc lần 2: (Sau lần một 12- 15 ngày): 8kg NPK + 3kg urê.

- Bón đón đòng: Khi cây lúa có đòng đất (tượng khối sơ khởi):  Vụ HT: 50- 55 ngày: 3kg urê/sào + 4 kg kali/sào.

5- Chế độ nước:

- Nước là yếu tố quan trọng không thể thiếu được đối với cây lúa nước. Nhưng không phải khi nào cây cũng cần nhiều nước mà tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển. Nếu ruộng bị ngập sâu lâu ngày thì cây sinh trưởng kém, cây yếu...

- Sau gieo giữ đất ẩm cho hạt mọc đều, tránh đọng nước hoặc để nước tràn mặt ruộng.

+ Sau gieo đến mũi chông cần giữ cho ruộng đủ ẩm, giúp mạ mọc nhanh và rễ lúa được cung cấp oxy thuận lợi.

+ Thời kỳ mạ 3-4 lá cần giữ ẩm hoặc giữ ở mực nước nông. Sau đó thường xuyên giữ nước ở mức 2- 3cm.

+ Khi lúa để nhánh giữ mực nước 3- 5 cm.

+ Khi lúa kết thúc đẻ nhánh rút nước phơi ruộng 5- 7 ngày, sau đó cho nước vào và giữ mức 5- 10 cm trong suốt thời kỳ làm đòng, trỗ bông và vào chắc.

+ Trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày rút kiệt nước.

6. Chăm sóc, tỉa dặm: Tỉa dặm kịp thời sau khi lúa được 2- 3 lá, chậm nhất là 4 lá, nhổ những nơi lúa dày và dặm vào nơi lúa thưa để đảm bảo mật độ.

7. Làm cỏ và phun thuốc diệt cỏ:

- Sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm Sofit 300EC, phun sau khi gieo 0- 3 ngày (vụ Hè Thu này), khi phun ruộng phải khô nước (đủ ẩm).

- Sau khi sử dụng thuốc trừ cỏ 5- 7 ngày cho nước vào ruộng và giữ nước xăm xắp, không để ruộng khô nước, nếu ruộng khô nước cỏ sẽ mọc nhiều. Thường xuyên kiểm tra để nhổ bỏ những cây cỏ bị sót, nhất là các chổ đất cao.

8. Phòng trừ sâu bệnh chính gây hại: thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện sâu bệnh để phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

- Đầu vụ: cần chú ý chuột, bọ trĩ, ốc bươu vàng và dòi đục nõn hại khi lúa còn nhỏ.

- Giữa vụ: Chú ý sâu cuốn lá, nhện gié.

- Cuối vụ: Bệnh lem lép hạt, bệnh khô vằn, rầy các loại.

8.1. Ốc bươu vàng

- Ốc bươu vàng sống trong nước ngọt hoặc đất sình lầy. Chúng thích bóng râm mát, di chuyển theo nguồn nước

- Biện pháp phòng trừ

+ Thường xuyên kiểm tra để bắt ốc và thu gom ổ trứng, cần làm thường xuyên.

- Đặt, cắm nhiều cọc tre dọc theo bờ ruộng nơi có nước để thu các ổ trứng.

- Đặt các lưới chắn ở mương dẫn nước vào ruộng, không cho ốc bươu vàng theo nước vào ruộng.

- Đào rãnh xung quanh ruộng để ốc tập trung trong rãnh có nước rồi bắt.

- Có thể dùng thuốc có hoạt chất Metaldehyde để trừ OBV.

8.2. Sâu cuốn lá nhỏ

- Gây hại từ khi lúa đẻ nhánh tới khi lúa ngậm sữa. Quan trọng nhất là giai đoạn lúa đòng- trổ. Những năm có khí hậu mát mẻ, ẩm độ cao, mưa nắng xen kẽ thường phát sinh nặng.

- Biện pháp phòng trừ

+ Vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ cỏ dại là nơi trú ẩn.

+ Gieo sạ mật độ vừa phải. Chăm sóc bón phân hợp lý.

+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Khi sâu non có mật độ 50con/m2 (giai đoạn lúa đẻ nhánh), trên 20con/m2 (giai đoạn làm đòng) cần phòng trừ bằng thuốc DYLAN 2EC, phun khi sâu cuối tuổi 1, tuổi 2.

8.3. Nhện gié

- Nhện gié thường phát sinh gây hại trong điều kiện nắng nóng, nhiệt độ cao.

+ Vòng đời: 10-12 ngày: Trứng: 1-2 ngày. Nhện non: 4-5 ngày

+ Nhện trưởng thành: 5-6 ngày.

+ Nhện sống tập trung trong bẹ lá phần trên mặt nước, khi mật độ cao mới bò lên bông lúa. Một nhện trưởng thành cái đẻ khoảng 50 trứng, những trứng không thụ tinh trở thành con đực.

- Biện pháp phòng trừ

+ Gieo cấy thời vụ tập trung.

+ Cày lật đất sớm, diệt lúa chét để hạn chế nguồn nhện lây lan.

+ Dùng thuốc trừ nhện khi phát hiện một số ít dảnh có triệu chứng bị hại khi lúa sắp có đòng (bẹ lá bị đỏ bã trầu). Dùng các thuốc đặc trị như Nissorun 5EC, Nilmite 550SC, Danitol 10EC,...

8.4. Rầy nâu

- Phát triển trong điều kiện nhiệt độ cao, độ ẩm cao, mưa nắng xen kẽ. Rầy gây hại ngay từ khi đẻ nhánh cho đến khi lúa chín. Cao điểm rầy gây hại nặng vào giai đoạn lúa trỗ xong, ngậm sữa và bắt đầu chín.

- Trung bình thời gian phát dục các giai đoạn của rầy nâu biến động như sau:  

+ Trứng 6- 8 ngày;

+ Rầy non 12- 14  ngày, mỗi tuổi 2- 3 ngày;

+ Rầy trưởng thành 20- 30 ngày.

-  Biện pháp phòng trừ

+ Mật độ cấy hợp lý, bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều đạm.

+ Khi mật độ rầy cao (trên 1.500 con/m2) phải phòng trừ bằng các loại thuốc như Chess 50WG để xử lý.

8.5. Bệnh khô vằn

- Bệnh khô vằn phát sinh phát triển và gây hại nặng trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao 24- 320C, ẩm độ bão hoà hoặc lượng mưa cao thì bệnh phát sinh phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh. Nó phụ thuộc vào mức nước trên ruộng quá sâu, cấy mật độ dày,... Giai đoạn làm đòng - trỗ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng nhất.

- Chế độ nước trên ruộng, chế độ phân bón có ảnh hưởng đến sự phát sinh bệnh: bón đạm nhiều, bón tập trung vào lúc thúc đòng, hoặc bón nhiều lân thì bệnh thường phát sinh phát triển nặng. Bón kali có tác dụng làm giảm mức độ nhiễm bệnh,...

- Biện pháp phòng trừ

+ Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư sạch sẽ.   

+ Tiêu diệt nguồn bệnh trong đất.

+ Gieo cấy đúng thời vụ, mật độ hợp lý, bón phân NPK đúng liều lượng, tỷ lệ cân đối theo giai đoạn sinh trưởng của cây, giữ chế độ nước trong ruộng cho phù hợp.

+ Có thể dùng thuốc hoá học để phun phòng trừ bệnh: Validacin 5SL, Tilt-super 300EC,…

8.6. Bệnh lem lép hạt

- Nguyên nhân do các yếu tố sinh vật và phi sinh vật.

+ Yếu tố sinh vật: do nấm, vi khuẩn, côn trùng gây hại,…

+ Yếu tố phi sinh vật: Nắng nóng, mưa, canh tác,…

- Biện pháp phòng trừ 

+ Chọn giống sạch bệnh, tuyệt đối không dùng giống ở những ruộng có biểu hiện bệnh lem lép hạt.

+ Trước khi ngâm ủ, sạ lúa phải phơi khô, rê sạch để loại bỏ những hạt lép lửng, biến màu và sau đó xử lý hạt giống.

+ Biện pháp xử lý bằng thuốc hóa học: Sử dụng thuốc hóa học Tilt-Super 300EC. Thời điểm phun: phun lần 1 khi lúa trổ vè thưa (3-5%), phun lần 2: khi lúa trổ hoàn toàn (sau phun lần một 7 ngày).

9. Thu hoạch: Khi lúa chín (khoảng 90-95%) thì tiến hành thu hoạch.

Trong quá trình phơi nhớ đảo đều, đảm bảo độ ẩm ≤14% thì tiến hành quạt sạch lép lửng, để lúa nguội rồi đóng bao bảo quản./.

Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.616.498
Truy câp hiện tại 6.123