Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Dự báo Tình hình sinh vật gây hại cây trồng và biện pháp phòng trừ vụ Hè Thu 2023
Ngày cập nhật 18/05/2023

Vụ Hè thu 2023, thị xã Hương Trà gieo sạ khoảng 1.650ha lúa, khoai lang 10ha, ngô 25ha, lạc 20ha, rau các loại 200ha, đậu các loại 70ha,… Nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ngày 15/5/2023, Trung tâm DVNN thị xã Hương Trà ra công văn số 82/DB-TTDVNN về việc dự báo tình hình sinh vật gây hại cây trồng và biện pháp phòng trừ vụ Hè 2023. Chúng tôi xin trích dẫn nội dung như sau:

I. Nhận định xu hướng thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất:

Theo dự báo Đài Khí tượng thuỷ văn TT Huế, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì trạng thái trung tính từ tháng 4- 6 với xác suất 80-90%; từ tháng 7- 9, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 tiếp tục tăng dần, thiết lập trạng thái El Nino với xác suất 55- 65% và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024. Nền nhiệt độ từ tháng 5 đến tháng 7 ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 0,5-1,0oC, tháng 8 và 9/2023, nền nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ và cao hơn khoảng 0,5oC so với giá trị TBNN cùng thời kỳ. Về nắng nóng, tháng 5 đến tháng 9, mỗi tháng xuất hiện 02- 04 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng thuận lợi cho các đối tượng sinh vật phát sinh gây hại trên diện rộng, đặc biệt là nhện gié, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ; tháng 9 nắng nóng có xu hướng giảm dần và khả năng sẽ kết thúc từ giữa tháng 9. Lượng mưa phân bố không đồng đều giữa các địa phương, tháng 5/2023, lượng mưa ở mức xấp xỉ và thấp hơn, đạt 80-100% so với TBNN cùng thời kỳ. Tháng 6/2023, lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn, đạt 90-120%, vùng núi có nơi trên 130% so với TBNN cùng thời kỳ. Tháng 7, lượng mưa ở mức xấp xỉ và cao hơn, đạt 90-115%, có nơi trên 120% so với TBNN. Tháng 8 và 9/2023, lượng mưa ở mức xấp xỉ, đạt 80-110%, có nơi trên 110% so với TBNN cùng thời kỳ.

II. Dự báo một số sinh vật gây hại chính trên một số cây trồng chủ yếu

1. Cây lúa:

Căn cứ kết quả điều tra sâu bệnh thời gian qua, tình hình thời tiết và quy luật phát sinh phát triển của sâu bệnh qua nhiều năm trên địa bàn thị xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp dự báo một số sâu bệnh chính gây hại trên một số cây trồng chủ yếu như sau:

1.1. Chuột hại: Vụ Đông Xuân năm nay chuột gây hại ở mức tương đối thấp, tuy nhiên cuối vụ chuột có gia tăng. Giao điểm giữa vụ Hè Thu và Đông Xuân, thức ăn trên đồng ruộng dồi dào, chuột sinh sản nhanh nên vụ Hè Thu này chuột có khả năng sẽ gây hại nặng ngay từ đầu vụ.

1.2. Ốc bươu vàng: Xuất hiện và gây hại ngay đầu vụ khi lúa mới gieo sạ- đẻ nhánh; với đặc điểm sinh sản nhanh, liên tục và có nhiều lứa gối nhau, nên mật độ ốc sẽ gia tăng nhanh, đặc biệt trên những chân ruộng thấp trũng, chân ruộng ven kênh mương, ao hồ,,...

1.3. Bọ trĩ: Vụ Hè thu năm nay, do thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí thấp nên khả năng bọ trĩ phát sinh gây hại mạnh từ khi lúa sạ đến đẻ nhánh, nhất là các chân ruộng không bón lót đầy đủ, chăm sóc kém, khô hạn thiếu nước,...

1.4. Sâu cuốn lá nhỏ: Phát sinh gây hại giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trỗ, dự kiến gồm các lứa chính sau:

- Lứa 6: Sâu vũ hóa từ 18- 25/6/2023 gây hại lúa giai đoạn mạ-đẻ nhánh.

- Lứa 7: Sâu vũ hóa từ 16- 22/7/2023 gây hại trên lúa phân đốt - TKSK.

- Lứa 8: Sâu vũ hóa từ 14- 20/8/2023 gây hại trên lúa đòng- trổ.

Ngoài ra còn có các lứa gối nhau xen kẻ giữa lứa 7 (lúa đẻ nhánh) và lứa 8 (lúa đòng- trổ), cần theo dõi để phòng trừ kịp thời trên các diện tích ruộng xanh tốt, bón nặng đạm.

1.5. Rầy các loại: Vụ Đông Xuân năm nay rầy nâu gây hại rất nhẹ, cuối vụ rầy gây hại cục bộ trên các giống nhiễm như nếp, JO2, HT1,… Tuy nhiên vụ Hè Thu thường nắng nóng, xen kẻ các đợt mưa dông tạo ẩm độ cao thuận lợi cho rầy nâu phát sinh gây hại, nhất là giai đoạn giữa và cuối vụ. Chú ý theo dõi và phòng trừ lứa rầy nở từ 10- 20/7 gây hại lúa đang giai đoạn lúa làm đòng và lứa nở từ 05-15/8 gây hại lúa giai đoạn trổ-chín. Nếu không có biện pháp quản lý, phòng trừ tốt sẽ “cháy rầy” cuối vụ.

1.6. Nhện gié: Do thời tiết nắng nóng ngay cuối vụ Đông Xuân nên vụ Hè Thu năm nay khả năng nhện gié gây hại sớm và mạnh hơn so với Hè Thu các năm trước. Gây hại mạnh nhất vào giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh đến trổ chín. Nhện thường phát sinh gây hại nặng trên các chân ruộng có tầng canh tác mỏng, gieo sạ dày, bón phân không cân đối, không vệ sinh cỏ bờ dường, khô hạn thiếu nước,...

1.7. Bệnh khô vằn, thối thân, thối bẹ lá đòng: Bệnh thường phát sinh gây hại khi gặp thời tiết nắng mưa xen kẽ và có khả năng gây hại nặng từ giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng đến trổ chín, nhất là trên các chân ruộng chua phèn, gieo sạ dày, tù đọng nước, bón phân thiếu cân đối, bón nặng đạm giai đoạn đón đòng.

1.8. Bệnh lem lép hạt: Có 2 nhóm nguyên nhân chính:

- Do điều kiện ngoại cảnh: Các chân ruộng chua phèn, nhiễm mặn, bón phân không cân đối, bón thừa đạm bệnh hại nặng. Giai đoạn lúa làm trổ bông gặp thời tiết bất lợi như mưa, nắng nóng gây nhiệt độ cao,… sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, thụ tinh của cây lúa làm tăng tỷ lệ lép hạt.

- Do các sinh vật gây hại: Bệnh phát sinh gây hại trên các chân ruộng bị nhiễm bệnh khô vằn, thối thân thối bẹ, nhện gié,… không phun phòng hoặc phun phòng bệnh không đúng yêu cầu kỹ thuật gây lem lép hạt.

Ngoài ra, bệnh héo khô cây lúa có khả năng xuất hiện cục bộ những chân ruộng nhiễm chua phèn nặng và các năm trước đã xuất hiện bệnh; bệnh đốm sọc, bạc lá vi khuẩn sẽ gây hại trên các giống nhiễm, các chân ruộng bón thừa đạm, đặc biệt hại nặng nếu có các đợt mưa kèm gió mạnh,...

2. Trên cây rau, màu:

- Giai đoạn cây con và phát triển thân lá: Sâu khoang, sâu ăn lá, sâu tơ, rầy, rệp, bọ nhảy, bệnh đốm lá, nhóm bệnh héo rũ gây hại phổ biến trên dưa, cải. Sâu xanh da láng, dòi đục cọng hành gây hại mạnh trên cây hành lá do vụ Hè Thu nối tiếp Đông Xuân, trên đồng ruộng lúc nào cũng có nhiều lứa hành trồng gối liên tục.

- Giai đoạn phát triển củ, quả, hạt: Có sâu đục thân, đục quả, bệnh khô vằn, rệp cờ trên ngô. Bệnh thối hoa rụng quả, bệnh thán thư, chảy nhựa gây hại phổ biến trên dưa, mướp.

3. Trên cây công nghiệp và cây ăn quả:

3.1. Cây sắn:

- Bệnh khảm lá: Do thời tiết các tháng 5,6,7 nắng nóng nên khả năng bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) sẽ gây hại mạnh nên nguy cơ bệnh khảm lá sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối vụ.

- Rệp sáp bột hồng, nhện đỏ sẽ gây hại mạnh trong vụ Hè Thu năm nay do thời tiết nắng nóng. Bệnh thán thư, bệnh đốm lá, chảy nhựa gây hại sau các đợt mưa dông và nắng mưa xen kẽ.

3.2. Cao su: Bệnh loét sọc miệng cạo, bệnh xì mủ phát sinh gây hại nặng trên các vườn cao su kinh doanh chăm sóc kém, già cỗi, cạo phạm, vệ sinh miệng cạo kém. Bệnh rụng lá Corynespora, phấn trắng, sẽ tiếp tục gây hại trên cao su kinh doanh và kiến thiết cơ bản từ tháng 6- 9/2023.

3.3. Cây ăn quả có múi:

- Sâu vẽ bùa phát sinh gây hại vào các đợt ra lộc non, nhất là đợt lộc Hè, lộc Thu, cao điểm vào tháng 7, 8. Sâu đục quả, ruồi đục quả gây hại từ tháng 5 đến cuối vụ giai đoạn quả chín.

- Nhện nhỏ các loại, bệnh rám quả sẽ phát sinh và gây hại mạnh, đặc biệt chú ý các vườn không chủ động nguồn nước tưới.

- Sâu đục thân, đục cành phát sinh gây hại vào tháng 7-8, cần chú ý theo dõi thời gian vũ hoá, đẻ trứng và sâu non nở để có biện pháp phòng trừ trước khi sâu non xâm nhập gây hại trên thân, cành.

- Bệnh chảy gôm tiếp tục gây hại và sẽ hại nặng vào mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 01 năm sau, nhất là các vườn thoát nước kém, vườn bị bệnh không phòng trừ, chăm sóc kém,...

III. Một số biện pháp phòng trừ

1. Trên cây lúa:

- Tổ chức làm đất, gieo cấy lúa Hè Thu nhanh gọn. Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học Tricchoderma để xử lý gốc rạ trước khi cày lật đất nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ, hạn chế đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường.

- Tăng cường sử dụng giống lúa xác nhận để gieo cấy. Bón lót ngay từ đầu vụ, bón thúc kịp thời đúng giai đoạn sinh trưởng, thực hiện chế độ chăm sóc, điều tiết nước hợp lý để giúp cây lúa phát triển khỏe. Các vùng đất chua phèn phải bón vôi trước khi làm đất gieo cấy, lượng bón 20- 25kg/sào.

- Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng. Không sử dụng thuốc BVTV khi mật độ sâu còn thấp, nhất là giai đoạn cây lúa từ 0- 40 ngày tuổi.

1.1. Chuột hại: Thường xuyên tổ chức diệt chuột bằng biện pháp thủ công (nilon, rào cản, bẩy bán nguyệt,...) kết hợp sử dụng thuốc hóa học, ưu tiên sử dụng bả sinh học, thuốc vi sinh chống đông máu như Racumin TP 0.75, Storm 0.005%,.. Chú trọng 2 thời điểm trước khi xuống vụ gieo sạ và giai đoạn lúa làm đòng-trổ nhằm hạn chế thiệt hại.

1.2. Đối với ốc bươu vàng: Khi gieo sạ nên lên luống để ốc tập trung ở rãnh, đồng thời dễ đi lại bón phân, chăm sóc,… Sau khi gieo sạ, theo dõi đồng ruộng để xử lý ốc bằng các biện pháp thủ công, nếu mật độ cao phải dùng thuốc hóa học như Viniclo 700WP, Pazol 700WP, Dioto 250EC,… để phun trừ.

1.3. Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra đồng ruộng chú ý giai đoạn lúa tượng khối sơ khởi đến đòng trổ (lứa 7, 8) để phòng trừ kịp thời khi sâu nở tuổi 1- 2, mật độ cao (trên 50con/m2 đối với giai đoạn đẻ nhánh và trên 20 con/m2 đối với giai đoạn đòng trổ) bằng các loại thuốc như Dylan 2EC, Virtako 40WG, Voliam targo 063SC, Comda gold 5WG, Verismo 200EC,...

1.4. Đối với rầy các loại: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện, phòng trừ kịp thời. Giai đoạn giữa vụ (lúa đứng cái- trổ bông), nếu rầy nâu phát sinh gây hại (3con/dãnh) thì tùy phát dục của rầy, giai đọan sinh trưởng của cây lúa để sử dụng loại thuốc nội hấp, tiếp xúc hoặc kết hợp như Chess 500WG, Schezgold 500WG, Startcheck 755WP,… để phun trừ. Cuối vụ (giai đoạn lúa chín) mật độ rầy cao, nhiều lứa gối nhau nên kết hợp biện pháp trộn thuốc với cát vãi phía dưới, phía trên phun trừ để tăng khả năng tiêu diệt rầy.

1.5. Đối với nhện gié: Thực hiện vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư thực vật, cỏ dại trước khi gieo sạ để hạn chế nơi cư trú của nhện. Chú ý theo dõi giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng- trổ về sau, khi phát hiện vết nhện gié trên bẹ lá lúa (vết cạo gió) khoảng 3- 5% tiến hành phun phòng trừ; hoặc phun phòng giai đoạn đòng chuẩn bị trổ bằng các loại thuốc như Nissorun 5EC, Nilmite 550SC, Danitol-S 50EC, Saromite 57EC,… kết hợp giữ nước trong ruộng.

1.6. Đối với bệnh lem lép hạt: Quản lý đồng ruộng bằng các biện pháp tổng hợp nhằm hạn chế ảnh hưởng do các yếu tố thời tiết, chua phèn, hạn chế các nấm bệnh, vi khuẩn, côn trùng gây hại. Đồng thời theo dõi để phun phòng bệnh lem lép hạt khi lúa trổ vè thưa (trổ 3-5%) và sau khi lúa trổ xong bằng các loại thuốc như Tilt-super 300EC, Anvil 5SC, Sagograin 300EC, Vivil 5SC,… Sau khi phun xong nếu gặp trời mưa thì nên phun lại để ngăn ngừa vi sinh vật xâm nhiễm gây bệnh.

1.7. Đối với bệnh khô vằn, thối thân, thối bẹ lá đòng:

Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, phát dọn bờ dường, mương nước để hạn chế bệnh khô vằn phát sinh gây hại. Giai đoạn làm đòng- trổ, nếu phát hiện bệnh gây hại nên phun trừ sớm, phun kỹ vào các ổ bệnh để hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng.

Các đối tượng sâu bệnh hại khác như héo khô cây lúa, đốm sọc, bạc lá vi khuẩn, bọ phấn, nhện đỏ,...  thường xuyên theo dõi để có biện pháp quản lý, phòng trừ ngay từ diện hẹp.

2. Trên cây rau màu:

- Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây trồng vụ trước, luân canh cây trồng, bón vôi trước khi làm đất nhằm hạn chế nguồn sâu, bệnh trong đất; bón lót phân chuồng hoai mục có ủ chế phẩm Trichoderma, bón phân hóa học cân đối giúp cho cây khoẻ, hạn chế sâu bệnh hại gây ra.

3. Trên cây công nghiệp:

3.1. Cây sắn: Tăng cường công tác chăm sóc bón phân thúc đầy đủ, cân đối để cây sắn sinh trưởng phát triển tốt chống chịu với bệnh khảm lá. Thường xuyên vệ sinh, thu gom thân, cành bị bọ phấn, rệp hại nặng để tiêu hủy, nhất là các ổ mới phát sinh để hạn chế mật độ. Theo dõi để phun trừ bọ phấn trắng, rệp sáp, rệp sáp bột hồng kịp thời, hạn chế phát tán lây lan, nhất là diện tích bị bệnh khảm lá.

3.2. Cây cao su: Chăm sóc, bón phân đúng quy trình, vệ sinh vườn, tỉa cành bị sâu bệnh,... tạo độ thông thoáng. Thường xuyên kiểm tra theo dõi phát hiện bệnh sớm để phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu. Khai thác mủ đúng kỹ thuật, những cây bị bệnh không được khai thác.

4. Cây ăn quả có múi:

4.1. Sâu vẽ bùa: Theo dõi cây ra lộc Hè, lộc Thu để xử lý, khi mật độ sâu cao cần phun các loại thuốc như Trigard 100SL, Ajuni 50WP,… và phun 2 lần cách nhau 15- 30 ngày để diệt các lứa gối nhau.

4.2. Sâu đục thân, đục cành: Vệ sinh vườn, kết hợp cắt tỉa cành tăm, cành vượt, bắt diệt sâu non tuổi nhỏ.

4.3. Ruồi đục quả: Nên sử dụng biện pháp bao quả để hạn chế ruồi gây hại đồng thời tăng chất lượng, mẫu mã quả đẹp; hoặc sử dụng chế phẩm ViZubon-D để dẫn dụ và diệt ruồi trưởng thành giai đoạn quả sắp chín.

4.4. Bệnh chảy gôm:

- Vệ sinh vườn, thu gom cành bệnh đem tiêu huỷ, khơi thông mương rãnh để thoát nước sau các đợt mưa nhằm hạn chế bệnh phát sinh, lây lan và gây hại. Sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ với phân chuồng hoại mục để bón cho cây; vệ sinh quét vôi, thuốc hoá học có gốc đồng vào gốc và thân cây (độ cao khoảng 0,8-1m) trước mùa mưa để hạn chế bệnh phát sinh gây hại.

- Khi phát hiện bệnh chảy gôm, dùng các loại thuốc như Aliette 80WG, Ridomil-Gold 68WG, Vimonyl 72BTN,… để phòng trừ hoặc dùng thuốc Agri-fos 400 để tiêm vào thân cây.

Ngọc Dũng - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.616.351
Truy câp hiện tại 6.081