Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Hướng dẫn biện pháp phòng trừ bệnh chết héo cây keo
Ngày cập nhật 02/06/2023

Ngày 30/5/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND xã Hương Bình kiểm tra thực địa tại thôn Bình Dương và thôn Bình Sơn. Qua kiểm tra thực tế cho thấy cây keo chết rải rác trên toàn diện tích khoảng gần 1.000ha (theo báo cáo của UBND xã), bệnh gây hại phổ biến từ rải rác đến 5%, nơi cao từ 5% đến dưới 10% và chủ yếu cây từ 1- 3 năm tuổi, bước đầu xác định đây là bệnh chết héo cây keo.

Về triệu chứng bệnh hại: Ban đầu, trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, vết thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Phần vỏ và gỗ xung quanh vị trí vết bệnh bị đổi màu đậm hơn bình thường, có thể có nước hoặc dịch (nhựa cây) chảy ra, phần gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo, nhưng lá vẫn chưa rụng. Sau một thời gian lá khô rụng, trơ thân cành, thân cây khô chết, vỏ trong bị thối đen, vỏ ngoài khô, dùng dao cắt ngang hoặc xẻ dọc thân cây thấy những vết bệnh màu xám đen, rễ và gốc rễ bị thối.

Nguyên nhân gây bệnh chết héo cây keo do nấm Ceratocystis manginecans gây ra. Bệnh gây hại cả Keo lai, Keo tai tượng và Keo lá tràm. Nấm gây bệnh xâm nhiễm vào cây qua vết thương cơ giới (gãy đổ do gió bão, vết cắt tỉa cành,...) và côn trùng gây hại trên thân cành, rễ cây. Điều kiện nhiệt độ và ẩm độ môi trường cao là điều kiện thuận lợi cho nấm Ceratocystis manginecans phát sinh gây hại. Nấm Ceratocystis manginecans làm tắc nghẽn vận chuyển chất dinh dưỡng và nước từ dưới đất lên trên đến khi bị tắt hoàn toàn dẫn đến cây héo và chết.

Để chủ động phát hiện và phòng trừ bệnh chết héo cây keo, nhằm hạn chế bệnh phát tán gây hại trên diện rộng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ như sau:

1. Vận động nông dân thường xuyên thăm rừng phát hiện kịp thời dấu hiệu keo chết, tiến hành chặt bỏ, di chuyển các cây bệnh ra khỏi rừng keo để tiêu hủy, không vận chuyển cây bị bệnh sang nơi khác. Đồng thời xử lý thuốc BVTV cục bộ theo từng đám (khi cây chết theo đám) hoặc toàn bộ lô (khi cây chết rải rác) bằng các loại thuốc như Metaxyl 500WP, Ridomid Gold 68WG, Mexyl MZ 72WP, Aliette 80WP, Forliet 80WP,... Nồng độ và liều lượng theo khuyến cáo ghi trên nhãn bao bì. Kiểm tra sau khi phun trừ nếu thấy bệnh có xu hướng phát triển tiến hành phun lần 2 (sau khi phun lần 1: 10- 15 ngày) để chống tái nhiễm.

2. Đối với diện tích keo sắp đến tuổi khai thác bị bệnh nặng cần tổ chức khai thác sớm, đồng thời tiêu hủy tàn dư cây bệnh, xử lý thực bì trước khi trồng lại để hạn chế nguồn bệnh lây lan. Trường hợp tỷ lệ cây chết cao (trên 50%) cần thanh lý theo quy định của pháp luật. Việc trồng lại rừng sau khi thanh lý cây bị bệnh cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật hướng dẫn bên dưới; hoặc tiến hành luân canh loài cây trồng khác phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương.

3. Trồng mới và chăm sóc:

- Việc trồng rừng nên thực hiện vào đầu mùa mưa để cây phát triển nhanh. Đối với diện tích vùng có mầm bệnh, trước khi trồng xử lý thực bì, xử lý vôi bột, sử dụng giống sạch bệnh. Cần luân canh giống cây hoặc loài cây giữa các chu kỳ kinh doanh để hạn chế bệnh gây hại.

- Xử lý thực bì trước khi trồng 3 tháng; thu gom thực bì, cành nhánh sau khai thác, băm nhỏ, xếp theo đường đồng mức, xử lý bằng vôi bột với liều lượng 1-2% vôi bột so với tổng khối lượng vật liệu cần xử lý hoặc có thể đốt thực bì có kiểm soát. Cần kiểm tra đất cũ kỹ càng, không nên để sót các tàn dư thực vật của các cây bị nấm bệnh trước khi trồng.

- Đào hố trước khi trồng ít nhất 1 tháng; có thể xử lý hố trồng trước khi trồng cây con bằng cách: Đốt hố, bón vôi (0,5-1 kg/hố) và trộn đều với đất trong hố ngay sau khi đào hố; phơi ải hố ít nhất 2 tuần sau khi bón vôi. Sử dụng chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng Trichoderma bón vào hố trước khi trồng, liều lượng 10 g/hố.

- Đào rãnh thoát nước tốt cho rừng trồng sau các trận mưa lớn, tránh để ngập nước lâu tạo điều kiện cho nấm bệnh, tuyến trùng,… lây lan gây hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

- Đối với rừng trồng 1-3 năm tuổi: tiến hành chăm sóc, bón phân cân đối, đầy đủ, phát dọn cỏ dại để cây thông thoáng hạn chế nấm gây bệnh tồn tại, cần tránh không làm tổ thương đến thân, cành, rễ của cây, đặc biệt không cắt tỉa cành vào mùa mưa.

- Quản lý chặt chẽ nguồn hom giống và cây trong vườn ươm, xử lý bầu đất bằng phân vi sinh tổng hợp (gồm vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn phân giải lân và vi khuẩn đối kháng nấm) để tiêu diệt và kìm hãm nấm bệnh phát triển.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đề nghị UBND các xã, phường có diện tích rừng keo tăng cường công tác kiểm tra, thông báo các chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh chết héo cây keo kịp thời, nhằm ngăn chặn bệnh phát tán, lây lan trên diện rộng./.

Phước Lễ - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.613.609
Truy câp hiện tại 5.330