Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Vấn nạn phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường bộ và chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật hiện nay
Ngày cập nhật 15/06/2023

Mùa hè đến, cũng là lúc người nông dân bước vào kỳ thu hoạch mùa vụ. Phần vì nhà không có chỗ phơi, phần vì nghĩ rằng đường bê tông, nhựa nên phơi rơm, rạ, thóc lúa... sẽ nhanh khô.

Vì vậy, nhiều nông dân thu hoạch xong nông sản tại ruộng thì phơi luôn trên con đường cạnh đó bất kể là quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ hay đường giao thông nông thôn. Thực trạng này không những gây mất an toàn giao thông (ATGT) mà còn là một trong những “tác nhân” lớn khiến nhiều xe ô tô đi đường bị cháy.

Nhiều năm về trước, nước ta chưa phát triển, hệ thống đường xá chưa được xây dựng, tu tạo. Phương tiện giao thông cũng không có nhiều. Do đó, việc phơi rơm, rạ của bà con rất dễ dàng. Bất kỳ nơi nào có phần đất trống, người dân đều có thể phơi rơm rạ. Tại thời điểm đó, việc phơi rơm, rạ tự do không gây ảnh hưởng mọi người xung quanh. Có thể thấy, việc phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường đã trở thành thói quen trong nếp sinh hoạt, sản xuất của người dân Việt Nam. Với từng diện tích đất canh tác, khối lượng rơm rạ tạo ra rất nhiều. Thóc lúa, rơm rạ cần diện tích lớn để phơi. Trong khi diện tích sân vườn của từng hộ dân còn nhiều hạn chế, nên khi thu hoạch thóc lúa, người dân sẽ thực hiện phơi thóc lúa, rơm rạ ngoài đường. Chính vì những lý do đó, người dân thường tiến hành phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường, và không lường trước được những hậu quả mà hoạt động này gây ra.

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, hệ thống đường xá ở nước ta dần được xây dựng, tu bổ hiện đại. Cùng với đó, số lượng phương tiện lưu thông trên đường ngày càng nhiều. Có thể khẳng định, thực trạng giao thông (đường xá) gây ra những ảnh hưởng trực tiếp cho an toàn của người tham gia giao thông. Do đó, việc người dân phơi thóc lúa, rơm trên đường gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho người tham gia giao thông, cũng như trật tự an toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, đã xảy ra các vụ cháy xe đáng tiếc do tác hại của việc phơi, đốt rơm rạ, thóc lúa trên đường giao thông của người dân. Tại các địa phương trên địa bàn thị xã, việc người dân phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường cũng như đốt rơm rạ bên đường giao thông ngày càng xảy ra nhiều hơn cho dù chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở.

Việc phơi, đốt rơm rạ một cách bừa bãi, tùy tiện và tràn lan như hiện nay sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt vào mùa hè nóng nực. Ngoài nguy cơ cháy lan, cháy phương tiện giao thông, ô nhiễm mỗi trường còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra TNGT.

Để ngăn chặn kịp thời các hành vi sai phạm trên, phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra,  Ngày 10/5/2023, Công an thị xã Hương Trà đã kịp thời tham mưu UBND thị xã ban hành Công văn số 1157/UBND-CA về việc tuyên truyền, xử lý tình trạng đốt rơm, rạ, phơi thóc lua trên đường bộ gây mất TTATGT trên địa bàn thị xã gửi Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo TTATGT. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm việc lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè làm nơi tuốt lúa, phơi thóc, đốt rơm rạ theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, chú trọng hàng đầu là công tác tuyên truyền về những tác hại của việc phơi, đốt rơm rạ đối với môi trường, sức khỏe, tính mạng và tài sản của con người để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nhận thức, góp phần giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường giao thông trong mỗi mùa thu hoạch hàng năm. Đảm bảo thực hiện tốt các quy định về an toàn PCCC, hạn chế những thiệt hại về cháy, nổ nguy hiểm có thể xảy ra.

          Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi rơm rạ, thóc trên đường. Đặc biệt, có những trường hợp rơm rạ quấn vào xe gây cháy nổ.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn. Chủ tịch UBND thị xã yêu cầu Chủ tịch UBND các các xã, phường trên địa bàn thực hiện các nội dung sau:

1. Chỉ đạo bộ phận Văn hóa, thông tin thông qua hệ thống loa phát thanh tại địa phương; Công an  xã, phường thông qua các cuộc họp dân, qua công tác thăm hỏi nhân dân của CSKV, đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về TTATGT đến từng người dân, đặc biệt không đốt rơm rạ sau thu hoạch, không phơi thóc lúa trên đường bộ gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. (nêu mức xử phạt tại Nghị định 100/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nếu vi phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.)

2. Chỉ đạo lực lượng Công an xây dựng kế hoạch, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm đốt rơm rạ sau thu hoạch, phơi thóc lúa trên đường bộ gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông.

3. Địa phương nào để tình trang người dân đốt rơm rạ sau thu hoạch, phơi thóc lúa trên đường bộ gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông, để xảy ra TNGT do thực hiện không nghiêm túc, có thiếu sót trong công tác tham mưu, chỉ đạo, tuyên truyền, công tác tuần tra, kiểm tra thì Chủ tịch UBND xã, phường đó phải chịu trách nhiệm trước đồng chí Chủ tịch UBND thị xã.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc phơi thóc, lúa, rơm rạ là hành vi cấmtrên đường bộ. Do đó, khi thực hiện hành vi này, các cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Không được thực hiện các hành vi: Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ”.

- Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của  Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm:Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.”

- Biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “Buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”

- Ngoài ra nếu hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bộ có dấu hiệu cấu thành tội cản trở giao thông đường bộ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Điều 261 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 73 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Có thể nói,  việc phơi thóc, lúa, rơm rạ đem đến những ảnh hưởng tiêu cực cho trật tự giao thông. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động di chuyển, tham gia giao thông của người dân. Chính vì vậy, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể về việc quản lý, xử lý những hành vi phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường, gây ảnh hưởng đến trật tự tham gia giao thông.

Trước tình trạng này, nhằm đảm bảo ATGT cho người và phương tiện, mỗi người dân chúng ta cần nêu cao ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

VP HĐND-UBND
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.594.467
Truy câp hiện tại 14.007