Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ chuột hại lúa vụ Hè Thu 2023
Ngày cập nhật 20/06/2023

Vụ Hè Thu 2023, kế hoạch toàn thị xã Hương Trà gieo cấy khoảng 1.650 ha lúa. Đến nay đã gieo cấy xong, cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển tốt. Một số địa phương đã chủ động diệt chuột ngay từ đầu vụ, tuy nhiên chuột vẫn tiếp tục gây hại trên diện rộng và sẽ gây hại mạnh từ nay đến cuối vụ nếu công tác tổ chức diệt chuột không tập trung, không thường xuyên. Hiện nay cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh, đây là giai đoạn thức ăn ngoài đồng ruộng phong phú, đa dạng, nên chuột di cư ra ruộng lúa, ruộng rau màu trú ẩn sinh sống và phá hại mạnh theo tính chất bầy đàn.

Chuột là loại động vật rất tinh khôn và nhanh nhẹn, có bộ răng phát triển liên tục cả vòng đời, do đó chuột thường hay phải mài răng, cắn phá, gặm nhấm tất cả các thứ, ban ngày thường ẩn núp trong hang hoặc những nơi kín đáo, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, tập trung nhiều nhất là chiều tối và sáng sớm, chuột có khả năng di chuyển đi xa, từ nơi này sang nơi khác để ẩn trốn và tìm thức ăn. Hơn nữa chuột sinh sản nhanh, mỗi năm chuột cái có thể đẻ được 5 lứa, mỗi lứa đẻ từ 5-7 con, nên khi gặp điều kiện thuận lợi thì số lượng chuột tăng rất nhanh và gây hại nghiêm trọng vào cuối vụ.

Để hạn chế chuột phát sinh gây hại trên diện rộng từ nay đến cuối cuối vụ, Tùy theo đặc điểm địa hình đồng ruộng của từng địa phương, giai đoạn sinh trưởng cây lúa, điều kiện canh tác và phương thức sản xuất để lựa chọn và phối hợp các biện pháp cho phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất và an toàn với môi trường, vật nuôi và sức khỏe con người, cụ thể các biện pháp như sau:

1. Biện pháp thủ công

- Vệ sinh đồng ruộng: Phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ bờ ruộng, bờ mương, không để đất hoang hóa cỏ mọc um tùm hạn chế nơi cư trú của chuột.

- Tổ chức đào bắt, đánh bẫy, đổ nước vào hang chuột, hun khói kết hợp dùng chó săn đuổi để bắt chuột. Lưu ý, sau khi sau khi đào bắt hang chuột phải lắp đất lại bờ mương, bờ thửa, trả lại hiện trạng ban đầu.

- Đặt bẫy đánh bắt chuột như: Bẫy kep̣, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy keo dính,… đánh bắt ngoài đồng ruộng và cả trong khu dân cư (đặt bẫy trên đường đi lại và trước cửa hang của chuột).

- Làm hàng rào nilon bao quanh ruộng kết hợp đặt các loại bẫy để diệt và xua đuổi chuột (rào cao 80- 90 cm, cách bờ 15- 20 cm, chân rào cần chôn sâu vào đât từ 20- 30 cm)

2. Biện pháp sinh học

- Khuyến khích nông dân nuôi mèo, chó, làm hàng rào nilon kết hợp với đặt bẩy để xua đuổi và săn bắt chuột.

- Bảo vệ và cấm săn bắt các động vật là thiên địch của chuột như trăn, rắn, chim cú mèo,…

3. Biện pháp sử dụng thuốc BVTV: Ưu tiên sử dụng các loại thuốc diệt chuột có nguồn gốc sinh học, ít độc hại với môi trường như: Racumin 0.75TP, Broma 0.005AB, Cat 0.25 WP, Storm 0.005%, Klerat 0.005%,….

Lưu ý: Nên đặt bả vào chiều tối, tránh ánh sáng trực tiếp và tiến hành đồng loạt trên diện rộng mới đạt hiệu quả cao. Đặt mồi trộn ở bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, trên bờ mương, chân đê, bờ ruộng để diệt chuột. Đặt bả vào chiều tối và sáng sớm, hôm sau phải thu nhặt bả thừa và xác chuột chết đem chôn.

Để thực hiện các biện pháp diệt chuột có hiệu quả, đề nghị UBND các phường, xã, các HTXNN quan tâm triển khai đồng loạt và liên tục trên cả cánh đồng sẽ làm hạn chế sự sinh sản của chuột và giảm rất lớn số lượng chuột gây hại trong sản xuất từ nay đến cuối vụ, góp phần bảo vệ năng suất, sản lượng lúa vụ Hè Thu 2023.

Phước Lễ - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.594.467
Truy câp hiện tại 14.264