Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Quyết tâm thì làm được
Ngày cập nhật 01/10/2015

Đó là khẳng định của người con gái Pa Cô có tên là Trần Thị Xiêu sinh năm 1980 hiện ở tại thôn 2 xã Hồng Tiến là người siêng năng, chăm làm được bà con thôn 2 quý mến và khen ngợi, học tập cách làm ăn của gia đình chị để vươn lên thoát nghèo.

Gặp chị trên đường từ rừng về chị hồ hởi khoe năm nay gia đình mình thắng lợi lắm thu hoạch từ bán rừng, mật ong thu trên 70 triệu đồng đấy. Chị nói: Giờ chừ nhớ lại thời gian mới lập gia đình mà sợ lắm, không hiểu sao mà vượt qua được để có ngày hôm nay.

Không có vốn, không có việc làm, hàng ngày chỉ sống dựa vào cây rau khoai, rau muống để sống qua ngày. Bố mẹ che cho một căn nhà tranh tre nứa lá để vợ chồng ở riêng với vỏn vẹn 50.000đồng, 2 cái xoong nhôm, 4 cái chén, 1 cái ấm nấu nước đó là của hồi môn của mình đấy! Người hàng xóm tốt bụng thấy tội bán nợ cho một cặp heo và dặn về nuôi đến khi heo to bán thì trả lại tiền vốn cho họ. Lo lắm ngày nào cũng đi bứt môn, hái rau cho heo ăn gần một năm sau bán được 700.000đồng trả tiền giống heo còn lại mua được 01 sào ruộng nước. Mãi đến năm 2003 hai vợ chồng khai phá đất đai được hơn 2ha đầu tư trồng sắn. Cuối năm bán sắn thu trên 8 triệu đồng và mua cây giống để trồng trên diện tích này.

Là hộ nghèo có ý chí phấn đấu vươn lên nên gia đình được Ủy ban xã xét cho 1 con bò giống trong diện hỗ trợ người nghèo vùng 135. Đến năm 2006 lại nhận được hỗ trợ xóa nhà tạm trị giá 15 triệu đồng, quyết định bán 02 con bò con để thêm vào làm nhà cho đủ. Cuối năm 2008 được sự quan tâm của Hội phụ nữ xã xét cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội số tiền 20 triệu đồng để trồng thêm rừng, mua thêm 02 sào ruộng nước. Vợ chồng chị cần mẫn lao động vừa hoàn thành công việc của gia đình xong lại đi đổi công khai phá đất trồng rừng, nhận giữ trâu thuê…

Ngoài ra, dự án Dumico Nhật Bản có đầu tư nuôi ong lấy mật chị  lại mạnh dạn nhận 5 thùng về nuôi, nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật để chăm sóc nên đàn ong phát triển khá tốt đến nay đã tăng thêm 10 thùng. Mỗi mùa thu hoạch trên 250 kg mật ong nguyên chất, sau khi thu hoạch xong cán bộ của Dự án bao tiêu hết sản phẩm. Từ đó đến nay hai vợ chồng cứ thay nhau tham gia các lớp tập huấn của Hội nông dân, Hội phụ nữ xã tổ chức; có lớp không được mời nhưng chị cũng tranh thủ đến để nắm bắt thêm kiến thức. Chịu khó bảo ban nhau làm ăn do đó từ năm 2012 đến nay gia đình chị đã khai phá mở rộng thêm diện tích để trồng thêm 1 ha cây cao su và 3 ha cây keo lai trồng xen cây sắn KM94 và thu được từ sắn là 23 triệu đồng/năm.

Với 2 bàn tay trắng qua hơn 10 năm vượt khó vươn lên đến nay gia đình chị đã có 6ha rừng đang chuẩn bị thu hoạch. Bản thân chị vinh dự đại diện cho các hộ trồng rừng ở xã Hồng Tiến đến huyện Phú Lộc tham quan học tập kinh nghiệm trồng rừng và phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, chị sẵn sàng chia sẽ những kinh nghiệm và hiểu biết của mình cho các hộ dân nghèo trong xã bằng cách tạo công việc cho họ khi chăm sóc cây keo, cây cao su, làm ruộng tại gia đình mình để tận tình hướng dẫn.Với bà con đồng bào vùng dân tộc ít người việc một người làm ăn có hiệu quả sẽ tạo được niềm tin cho bà con học tập, làm theo, tình đoàn kết của bản làng được gắn chặt. Kinh tế vững vàng, hai con lại ngoan ngoãn, gia đình đầm ấm hạnh phúc. Vì vậy, gia đình chị luôn là điển hình cho các hộ dân trên địa bàn học tập, áp dụng từ cách nuôi dạy con đến cách thoát nghèo bền vững.

Thu Hương - Hội LHPN Thị xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.519.815
Truy câp hiện tại 4.789