Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Lưu giữ thương hiệu củ kiệu La Chữ
Ngày cập nhật 13/01/2023

Từ xưa đến nay, người La Chữ, Hương Chữ vẫn luôn xem củ kiệu là một thứ đặc sản của quê hương mình, hễ có ai đi xa về, họ lại biếu tặng củ kiệu để làm quà. Người dân nơi đây vẫn dùng một câu nói dân giã để thể hiện niềm tự hào của mình: “Cau Kề Liệu, Kiệu La Chữ”.

Đặc trưng củ kiệu Hương Chữ thường nhỏ hơn so với các địa phương khác

Đến những cánh đồng rau màu của phường Hương Chữ vào những ngày giáp Tết nguyên đán Quý Mão 2023 hỏi kiệu La chữ ai cũng biết. Chẳng biết chính xác nghề trồng kiệu có từ bao giờ, chỉ biết đối với những người cao tuổi ở làng La Chữ đã trở thành nghề cha truyền con nối, gắn bó với họ từ thuở thiếu thời. Củ kiệu ở đây được trồng từ tháng 7 âm lịch đến tháng 12 âm lịch là thu hoạch phục vụ nhu cầu thực phẩm tết cổ truyền của dân tộc.

Những năm về trước, kiệu Hương Chữ là một loại thực phẩm rất thịnh hành, củ nhỏ, vị nồng, thơm, giòn là đặc sản của địa phương.  Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người trồng kiệu ở La Chữ chuyên trồng kiệu theo kiểu “cha truyền con nối”, chỉ còn vài ba người. Thay vào đó, nông dân chuyển sang trồng các loại rau màu ngắn ngày khác, có hiệu quả kinh tế cao hơn như: cải, hành, ngò, xà lách… Năm nay, toàn phường Hương Chữ có tổng diện tích trồng kiệu khoảng 1 ha với vài chục hộ trồng phân tán. Cùng với thời tiết mưa lạnh dài ngày khiến cây kiệu La Chữ sinh trưởng chậm, kéo dài thời gian canh tác và phải đầu tư nhiều công chăm sóc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người dân tâm huyết với loại cây này, ngày đêm họ vẫn lặng lẽ vun trồng , chăm sóc, hy vọng kiệu La Chữ sớm lấy lại thương hiệu như ngày nào. Với thâm niên hơn 50 năm trồng kiệu ở làng La Chữ ông Lê Phú Đàng, người dân TDP La Chữ Đông chia sẻ: “Một sào kiệu trồng 3-4 tháng, cho thu hoạch 700-800kg củ. Với giá 20.000-30.000 đồng/1kg, tính ra thì cây kiệu hắn không mang lại hiệu quả kinh tế như mấy loại: hành, cải… Vì rứa mà ở đây có nhiều người họ đã chuyển sang trồng các rau màu ngắn ngày, nhưng mà với tui thì tui vẫn gắn bó với loại kiệu, vì tui đã quen và lo mất giống kiệu La chữ đã nổi tiếng trong nay mai”

Hiện nay, kiệu La Chữ được bán ở các chợ truyền thống địa thị xã Hương Trà cũng như một số chợ trên địa bàn tỉnh với mức giá từ 20.000 đến 30.000 nghìn đồng một kg từ loại tươi hoặc khô, càng cận tết giá kiệu càng tăng cao do tình trạng hàng khan hiếm. Trong đó, kiệu đã qua chế biến có giá bán từ 60.000 nghìn đồng/thẩu. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ củ kiệu đem lại, bà Lê Thị Lý - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Chữ chia sẻ: “Thời gian qua, địa phương đã không ngừng vận động bà con nhân dân quay trở lại trồng kiệu để vừa lưu giữ nghề, vừa gầy dựng lại thương hiệu kiệu La Chữ xưa, cũng như triển khai nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Song vẫn còn đó nhiều khó khăn về thời gian canh tác và hiệu quả kinh tế không cao bằng những loại rau ngắn ngày nên nhiều người dân trồng kiệu vẫn trồng theo hướng cầm chừng, không phát triển quy mô sản xuất”.

Tranh thủ thời tiết tạnh ráo người dân ra đồng thu hoạch kiệu

Có thể nói, trên bước đường hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay, mặc dù di sản văn hóa truyền thống của mình qua quá trình vận động, phát triển, đã có những tiếp biến, biến đổi nhất định, song việc khôi phục và phát triển làng nghề trồng kiệu La Chữ là yêu cầu bức thiết hiện nay nhằm giải quyết bài toán về việc làm để nâng cao nguồn thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới một cách bền vững và gìn giữ nét văn hóa của làng quê. Bên cạnh đó, kiệu cũng là sản phẩm tiêu dùng chủ yếu trong dịp tết cổ truyền của dân tộc, góp phần tô điểm thêm hương vị ẩm thực của người Việt mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Hoài Nhi - Trung tâm VHTT&TT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.551.903
Truy câp hiện tại 2.056