Từ nhỏ, ông Phúc đã cảm nhận sự bất thường của đôi mắt khi ban ngày nhìn thấy sự vật rất mờ, còn ban đêm thì hoàn toàn không thấy gì.
Nỗi âu lo của cha mẹ ông càng tăng khi những lần đi chơi, người con trai không thể tìm thấy đường về. Học đến năm lớp 6, ông mù hoàn toàn, không còn nhìn thấy gì ngoài một màu đen tối đặc. Ông quyết tâm tập tành, tự bước đi, tự chăm sóc bản thân. Dẫu vậy, cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng với người khiếm thị, việc học của ông đành bỏ dở, những trang vở phải gấp lại ở năm học lớp 6.
Lớn hơn một chút, ông Phúc phụ giúp cha mẹ làm nông, đánh cá, buôn bán. Ý chí nghị lực trong tâm hồn của chàng trai trẻ thuở ấy không hề vơi cạn. Không nhìn thấy ánh sáng, ông sử dụng sự thính nhạy của đôi tai, sự khéo léo của đôi tay và lập trình một trí nhớ tốt để lao động.
Niềm tin càng được củng cố khi ông gia nhập, trở thành hội viên Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế. Cũng tại nơi đây, ông được học chữ Braille. “Bắt đầu việc học trở lại khi đã 36 tuổi, tôi gặp không ít khó khăn. Có lẽ là do sự chậm tiếp thu dần đi của tuổi tác, cũng có lẽ là sự e dè khi quá lâu rồi mới dùng đến sách vở”, ông Phúc tâm sự. Những khó khăn trong việc học chữ nổi có khi làm đau nhức cả bàn tay nhưng ông luôn cố gắng để vượt qua.
Chinh phục được con chữ, ông tiếp tục theo học lớp massage, xoa bóp phục hồi sức khỏe dành cho người khiếm thị. Ham học hỏi không ngừng, ông tìm hiểu thêm về làm kinh tế, sau đó, tham gia vay các nguồn vốn làm ăn, cùng vợ gầy dựng nuôi heo, làm ruộng. Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá từ đó, hai vợ chồng xây dựng nhà cửa khang trang và mở tiệm tạp hóa. Gần đây, do tuổi cao và đã có thu nhập từ việc mở quầy tạp hóa, vợ chồng ông đã bỏ chăn nuôi, chỉ làm ruộng và buôn bán.
“Đảm việc nhà” là vậy, ông Phúc còn giỏi việc hội khi gắn bó với công tác tại Hội Người mù thị xã Hương Trà từ năm 2003 đến nay. Ông tâm sự, vì bản thân là người khiếm thị nên rất hiểu cuộc sống của những người cùng cảnh ngộ. Vậy nên, ông luôn cố gắng giúp đỡ người khiếm thị được tiếp cận với việc học nghề, tìm kiếm việc làm và vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Với ông, được mang lại ánh sáng cho những người khiếm thị là niềm hạnh phúc lớn nhất. “Cũng từ tổ chức hội, tôi được sống hòa nhập trong thế giới của những người đồng tật và đồng tâm, điều đó đã tiếp lửa ý chí cho tôi rất nhiều”, ông xúc động nói.
Sự cố gắng bền bỉ của ông được ghi nhận xứng đáng khi đã 2 lần được Trung ương Hội người mù Việt Nam tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác hội; được Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của hiệp hội năm 2017; ngoài ra, nhiều năm liền được nhận giấy khen của Hội Người mù tỉnh, của thị xã Hương Trà.
Người cán bộ mẫn cán còn là cây văn nghệ, thể thao tích cực. Niềm yêu đời của ông thể hiện qua lời ca tiếng hát hay sự dồi dào năng lượng khi tham gia các phong trào đoàn thể. Ông từng hai lần đạt giải trong hội thi tiếng hát do Hội Người mù tỉnh tổ chức và từng vinh dự nhận được Huy chương Vàng bộ môn bơi lội toàn quốc dành cho người khuyết tật.
Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, nhận xét: “Là cán bộ của một tổ chức hội đặc thù, những năm qua, bản thân ông Phúc đã phát huy tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển tổ chức hội cũng như công tác chăm lo đời sống và tạo việc làm cho người mù và hội viên. Ông còn là tấm gương người khiếm thị làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc”.