Để hạn chế quả bưởi thanh trà bị rụng, mẫu mã quả đẹp và nâng cao chất lượng sản phẩm, bà con cần thực hiện một số biện pháp sau:
1/ Chăm sóc bón phân, tưới nước.
- Bón phân: Hiện nay cây bưởi thanh trà đang giai đoạn phát triển quả nên rất cần dinh dưỡng, đây là thời điểm bón phân đợt 3 trong năm giúp cây nuôi quả. Tùy thuộc vào tuổi cây, số lượng quả trên cây để bón đủ lượng phân. Nên bón kết hợp phân đơn hoặc phân đa với phân chuồng hoai mục có ủ chế phẩm Trichoderma để hạn chế nấm bệnh trong đất. Về phương pháp bón, đào hố hoặc cuốc rãnh sâu 7- 10cm quanh tán cây, bón xong lấp đất lại, nên tưới nước sau khi bón.
- Tưới nước: Cây bưởi thanh trà rất mẫn cảm với chế độ nước. Nếu ẩm độ thay đổi đột ngột sẽ gây ra hiện tượng rụng hoa, quả, nứt quả,... nên cần có biện pháp quản lý nước tốt để cây đủ nước trong mùa khô và thoát nước tốt nếu gặp mưa lớn.Tưới nước không chỉ cung cấp nước cho cây mà còn làm thay đổi độ ẩm không khí, độ ẩm đất, làm thay đổi tiểu khí hậu của vùng trồng tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng quả. Từ cuối thời kỳ rụng quả sinh lý, những quả còn lại trên cây bắt đầu phát triển mạnh và lá của những chồi mới cũng thuần thục. Thời kỳ này thường trùng với thời điểm nắng nóng gây gắt, nhiệt độ cao làm cho cây thoát nước nhiều, nếu thời kỳ này không được tưới nước đầy đủ quả sẽ chậm lớn, vỏ quả dày, dễ bị các loài nhện tấn công, mẫu mã quả không được đẹp; khi có mưa, độ ẩm thay đổi đột ngột dẫn đến tình trạng nứt quả, quả rụng hàng loạt,... Về phương pháp tưới, tùy tình hình thực tế và điều kiện của gia đình, có thể tưới bề mặt (tưới tràn hoặc tưới theo rãnh), tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt,…
2/ Phòng trừ sâu bệnh:
Cần quan tâm chú ý sâu đục quả và ruồi đục quả, hai đối tượng này có chung đặc điểm là gây hại quả, làm cho quả thối và rụng.
- Sâu đục quả, trưởng thành là một loài bướm, toàn thân và cánh màu vàng, trên cánh có nhiều chấm đen. Con cái hoạt động vào ban đêm, đẻ trứng rải rác ở gần cuống (hoặc trên thân) của những quả còn non. Sau khi nở, sâu non đục vỏ quả chui vào bên trong để ăn phá phần thịt quả. Sâu tấn công và gây hại từ lúc quả còn rất nhỏ (quả bằng ngón tay cái) đến quả lớn, sắp thu hoạch và thiệt hại nặng nhất vào lúc quả sắp thu hoạch. Khi bị sâu hại, quả thường bị thối rất nhanh và rụng.
- Ruồi đục quả, ruồi trưởng thành có thân màu vàng nâu đỏ với những vân vàng, cánh trong, hình dạng giống nhưng nhỏ hơn ruồi nhà, hoạt động vào ban ngày. Ruồi cái dùng ống đẻ trứng chọc sâu vào vỏ quả rồi đẻ một chùm 5-10 trứng, vết chích trên mặt có mủ khô màu nâu. Trứng nở ra thành dòi sẽ đục sâu vào để ăn bên trong quả khiến quả bị nhiễm các loại vi sinh vật nên thối rất nhanh. Ruồi đục quả phá hại mạnh từ khi quả già đến chín.
Với các đặc điểm gây hại như trên thì bao quả là biện pháp hữu hiệu nhất, bao quả từ khi quả còn non cho đến lúc thu hoạch để ngăn chặn sâu, ruồi đục quả và các loại côn trùng gây hại khác như nhện, rệp, bọ xít.... Sử dụng bao chuyên dùng và bao khi quả có đường kính từ 5- 7cm. Trước khi bao quả cần phun thuốc để trừ một số đối tượng trên quả như ruồi, sâu đục quả, nhện các loại, một số nấm bệnh trên quả, có thể kết hợp các loại thuốc sau: Virtako 40WG+ Amistar Top 325SC hoặc Dylan 2EC+ Amistar Top 325SC,... phun ướt quả, sau khi phun 5- 7 ngày tiến hành bao quả.
Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh vườn trồng, thu hái và đem tiêu hủy toàn bộ trái rụng trên mặt đất và trái còn đeo trên cây vì là nơi dòi, sâu non lưu tồn. Sử dụng bẫy màu vàng để hấp dẫn ruồi; sử dụng bẫy ViZubon- D dẫn dụ ruồi đực,..