Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

“Ông Bụt, bà Tiên” giữa cuộc đời và cơn bão dịch
Ngày cập nhật 04/04/2020

Những ngày thơ bé, tôi cùng chúng bạn trong những trò chơi dân gian, đứa nào cũng thích làm ông Bụt, cô Tiên hiền lành, tốt bụng. Với tuổi thơ, Bụt và Tiên là những thần tượng, là miền khát khao một lần được gặp. Trong nhận thức non nớt, hồn nhiên của con trẻ, những gì đẹp đẽ nhất, cao thượng nhất, nhân hậu nhất…đều thuộc về Tiên, Bụt. Vì lẽ đó suốt miền tuổi thơ rong chơi nơi sân nhà, triền đê, trên cánh đồng vừa gặt, đứa nào cũng tranh nhau được một lần đóng vai thần tượng, dù chưa một lần gặp mặt.

 

Dần dà theo tháng năm, khi không còn thời tóc để chỏm, tôi nhận ra ông Bụt, bà Tiên không  phải chỉ ở trong thế giới cổ tích mà vẫn hiện diện giữa cuộc đời trần thế.  Ông Bụt không phải bao giờ cũng có chòm râu trắng,  nàng Tiên không phải  lúc nào cũng xinh đẹp, thướt tha. Trong mắt tôi bây giờ, thầy cô giáo là ông Bụt, bà Tiên; ba mẹ tôi cũng là Tiên, là Bụt.

Những năm học cấp 2 trường làng, tôi ấn tượng mãi với thầy Thìn. Nhà thầy nghèo lắm, người thì gầy nhom, đám học trò nửa đùa nửa thật  thầy Thìn thiếu máu. Từ nhà thầy đến trường dài 5 cây số. sáng nào thầy cũng dậy sớm đi bộ, trưa nắng chang chang lại cuốc bộ trở về nhà.  Người thầy bé nhỏ về vóc dáng mà tấm lòng thì mênh mông. Tận tụy với học sinh, thầy luôn đi về từng nhà động viên các em đến lớp.  Nhớ có lần, tôi bị ốm, thầy về thăm tôi, dúi vào tay mẹ tôi mấy đồng. Những lời động viên thăm hỏi của thầy sao mà ấm áp, tôi ngỡ như ông Bụt đang ở bên tôi, hiền từ, nhân hậu.

Những trang truyện cổ tích nuôi dưỡng ước mơ. Còn những trang đời thì giúp ta yêu thêm buồn vui cuộc sống. Cuộc đời dạy cho tôi rằng, Thánh, Bồ Tát, Tiên, Bụt…không ở đâu xa, mà hiện diện xung quanh chúng ta. Đừng mải miết đi tìm ở chốn xa xôi nào.  Ba tôi, mẹ tôi oằn mình trên cánh đồng quê, bao giọt mồ hôi mặn chat đổ xuống cho hạt lúa trĩu bông, cho bát cơm dẻo thơm nuôi đàn con lớn khôn… là cả một kì tích. Họ là ông Bụt, bà Tiên trong lòng tôi. Ông Bụt, bà Tiên ấy  không ẩn, không hiện, đi bên tôi suốt cuộc đời.  Ông Bụt, bà Tiên ấy không có cây gậy thần, chiếc đũa vàng, áo quần không trắng muốt, phẳng phiu…mà khi nào cũng lấm lem bùn dất, với cây cuốc cái cày trong tay. Hỏi thế gian này có phải ai cũng nhận ra  đấng sinh thành, nuôi mình lớn khôn trưởng thành là Tiên, là Bụt, là thần tượng đẹp nhất!

Còn đó, ngay trên dải đất miền Trung nắng gió mến yêu, có biết bao ông Bụt, bà Tiên đep lung linh không kém gì trong câu chuyện cổ. Ở cố đô Huế, Sư cô Minh Tú nuôi dưỡng hàng trăm trẻ bị bỏ rơi tại chùa Đức Sơn suốt bao năm dài), Nhóm từ thiện Hoa sen duy trì đều đặn các chương trình nhân ái ngay trong thành phố Huế và các vùng cao, vùng xa; nhiều bạn trẻ tại Huế cũng đã sử dụng facebook như một kênh thông tin để kết nối cộng đồng cùng làm việc thiện như nhóm Miền yêu thương Huế (MYTH), nhóm Kết nối trái tim (HFB)…Ở Đà Nẵng, mọi người biết đến Hội Từ Thiện Nhân Tâm Đà Nẵng miệt mài san sẻ yêu thương đến những cảnh đời bất hạnh, tô điểm thêm cho cuộc đời bằng những màu xanh hi vọng; là vợ chồng ông Đinh Văn Lên, bà Dương Thị Long ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận liên Chiểu đều đặn mỗi tháng chuyển hàng trăm ổ bánh mì đến cho bệnh nhân ở bệnh viện Tâm thần và bện viện ung bướu Đà Nẵng…Họ là vị Bồ Tát không ở trên đài sen, là ông Bụt bà Tiên không bước ra từ truyện cổ tích, lặng lẽ tỏa sáng bằng hai từ hiểu và thương giữa dòng đời này.

Giữa đại dịch Covid-19, đẹp biết bao đội ngũ y bác sỹ. Tôi gọi họ là những thiên thần áo trắng. Ngày đêm họ ân cần chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19.  Rồi những khu vực cách ly, biết bao tình nguyện viên xông pha làm nhiệm vụ, đẹp lắm hình ảnh những sinh viên trường Y, các anh bộ đội, công an  ăn gió nằm sương để lo cho những ai đang ở trong vùng cách ly.  Họ là những chiến sỹ thầm lặng, họ là những thiên thần giữa cơn bão dịch để mong bình an sớm trở về. Nhìn các nhân viên y tế cầm trên tay câu khẩu hiệu là thông điệp thiết thực trong mùa dịch “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi” mà xúc động vô ngần. Những vị lãnh đạo không lúc nào yên bởi bão dịch.  Hơn lúc nào hết, bao hiến kế, giải pháp, chủ trương liên tiếp được đưa ra để kịp thời ngăn chặn đại dịch toàn cầu. Họ đang sống giữa lòng dân, là những ông Bụt, bà Tiên  giữa bão dịch này.

Ngày vẫn tiếp nối ngàỳ, hoa vẫn nở, chim vẫn hót mỗi sớm mai. Ngày mai sẽ ra sao? Hơn lúc nào hết, giữa những ngày dịch bệnh hoành hành, mỗi người hãy bình tĩnh, hãy lạc quan và hãy luôn nâng cao ý thức, làm những việc có ích để bảo vệ  mình, bảo vệ cộng đồng. Đẹp biết bao hành động chế tạo ra các buồng khử toàn thân di động đặt nhiều địa điểm công cộng, miễn phí để hỗ trợ người dân phòng chống dịch Covid-19 của anh Trần Minh Quang ở xã Phú Thượng, Phú Vang (TT Huế) trong những ngày qua. Anh đã lắp đặt được 6 phòng đặt ở các nơi khác nhau. Với những người qua đường được vào đây khử khuẩn, làm sạch cơ thể trước khi về nhà thì anh Quang chính là Đức phật, là thiên thần với trái tim hồng ấm áp ngay giữa bụi trần. Cô giáo Lê Thị Quỳnh Thi, đoàn viên công đoàn trường mầm non Phú Thuận, Huế miệt mài tình nguyện tham gia làm bếp phục vụ bà con cách ly ở trường Trung cấp Công nghệ số 10, với tinh thần chung tay đẩy lùi dịch bệnh,  cô giáo Thi còn “đèo” một đoạn đường xa 10 kg rau má, 5 quả bầu đến cho bếp ăn. Nghĩa cử ấy thật là xúc động. Thầy giáo Phan Văn Thành ở trường THCS Phong Mỹ (Phong Điền -TT Huế) lặng lẽ sáng tác ca khúc Bạn đã làm gì ca ngợi và thể hiện lòng biết ơn, sẻ chia bao khó khăn của những thiên thần khoác áo blouse trắng và những chiến sỹ áo xanh nơi tuyến đầu cuộc chiến với đại dịch, và đó cũng là lời kêu gọi mỗi người chung tay đẩy lùi bão dịch…

Xin đừng ích kỉ mà tìm thú vui nơi chốn  đông người trong cơn hoạn nạn. Hãy ở yên khi tổ quốc cần! Hãy chủ động  bảo vệ mình, bảo vệ mọi người bằng các hành động theo chỉ dẫn của Bộ y tế lúc này là biểu hiện của lối sống văn hóa. Làm được như thế, mỗi chúng ta chính là thiên thần, là ông Bụt, là bà Tiên ngay giữa cuộc đời.

 

Xuân Trường - Văn Toản
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.275.161
Truy câp hiện tại 19.016