Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Những văn bản có hiệu lực từ ngày 1.10.2012.
Ngày cập nhật 27/10/2012

Những văn bản sau đây có hiệu lực từ ngày 1.10.2012: Hỗ trợ 13% lương tối thiểu chung đóng BHXHTN cho giáo viên mầm non, Thời gian thử thách của án treo được rút ngắn tối đa 01 năm/lần, Giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đối với người trên 70 tuổi, Từ ngày 01/10, cấm cải tạo thay đổi chiều dài ôtô tải, Công ty cổ phần bảo hiểm phải có tổi thiểu 2 cổ đông sáng lập là tổ chức, Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được mở tối đa 20 chi nhánh và VPĐD, 6 đối tượng không được làm nhân viên đại lý thuế, Công nhận 30 bảo vật quốc gia, Điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, Thời gian lưu kho phao áo cứu sinh dự trữ quốc gia tối đa 4 năm, Thời gian lưu kho phao tròn dự trữ Nhà nước tối đa 8 năm, Ban hành danh mục thiết bị trong nước sản xuất được, Tăng 2 triệu đồng lệ phí cấp phép thành lập VPĐD của thương nhân nước ngoài, Hệ số giữa khối lượng hàng và thể tích chứa hàng xe tự đổ tối thiểu là 1200 kg/m3, Tổ chức tư vấn định giá DN phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm, Cá nhân có trách nhiệm thông báo thông tin tàu bay lâm nạn, Đến năm 2015, phủ sóng di động đến trên 90% dân số cả nước, Tổ chức, cá nhân có quyền tham gia theo dõi thi hành pháp luật,

Hỗ trợ 13% lương tối thiểu chung đóng BHXHTN cho giáo viên mầm non

Ngày 14/08/2012, Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg ngày 18/08/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác từ trước năm 1995 nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Trong đó, đáng chú ý là quy định hỗ trợ kinh phí kinh phí đóng BHXHTN cho giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đã có thời gian công tác trước năm 1995 tại các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thuộc các loại hình công lập, dân lập và bán công chưa chuyển đổi loại hình trong thời gian tối đa 60 tháng, mỗi tháng bằng 13% tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm người đó tham gia đóng BHXHTN.

Nguồn kinh phí thực hiện chi hỗ trợ đóng BHXHTN được cân đối trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo hàng năm của các địa phương và nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa tự cân đối được ngân sách; hỗ trợ 50% đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương dưới 50%.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012.

Thời gian thử thách của án treo được rút ngắn tối đa 01 năm/lần

Ngày 14/08/2012, Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết Thông tư liên tích số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn rút ngắn thời gian thử thách của án treo.

Theo hướng dẫn tại Thông tư này, người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo nếu đủ các điều kiện như: Đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách của án treo; có nhiều tiến bộ, chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy nơi làm việc; được UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát đề nghị rút ngắn thời gian thử  thách bằng văn bản…

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định người hưởng án treo mỗi năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách 01 lần từ 01 tháng đến 01 năm hoặc có thể được rút ngắn nhiều lần nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là 3/4 thời gian thử thách Tòa án đã tuyên. Trong trường hợp người được hưởng án treo lập công như có hành động giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người trong tình thế hiểm nghèo…hoặc mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, bại liệt…có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời hạn thử thách còn lại.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề nghị, xét và quyết định rút ngắn thời hạn thử thách của án treo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012.

Giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đối với người trên 70 tuổi

Đây là nội dung quy định tại Thông tư liên tịch 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/08/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc giảm, miễn thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, quản chế còn lại.

Theo đó, Tòa án sẽ xem xét quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ đối với người đã chấp hành được 1/3 thời hạn án phạt hoặc đối với người chưa thành niên đã chấp hành được 1/4 thời hạn án phạt và có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như người chấp hành án đã lập công, đã quá già yếu (từ 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm) hoặc bị bệnh hiểm nghèo (ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng…) thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 01  năm nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế là 2/5 mức án. Đối với người chưa thành niên nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay và có thể được giảm hết thời hạn còn lại nếu đã chấp hành được 2/5 mức án mà sau khi được xét giảm, thời hạn chấp hành án còn lại không quá 01 năm.

Tương tự với người bị phạt cải tạo không giam giữ, Thông tư cũng quy định Tòa án cấp huyện hoặc cấp khu vực có thể quyết định miễn chấp hành án phạt khi không còn nguy hiểm cho xã hội và đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012.

Từ ngày 01/10, cấm cải tạo thay đổi chiều dài ôtô tải

Ngày 31/07/2012, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bên cạnh việc thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông, việc cải tạo xe cơ giới còn phải đảm bảo tuân thủ một số quy định khác. Cụ thể, không được cải tạo các xe ôtô khác thành xe ôtô chở khách; không được cải tạo ôtô chở người thành ôtô tải các loại, trừ trường hợp cải tạo ôtô chở người từ 16 chỗ trở xuống thành ôtô tải VAN; không được cải tạo thay đổi chiều dài cơ sở ôtô tải, kể cả khi cải tạo ôtô tải thành ôtô tải loại khác và ngược lại; không sử dụng các hệ thống, tổng thành đã qua sử dụng trong cải tạo xe cơ giới, trừ tổng thành động cơ, thiết bị chuyên dùng…

Xe cơ giới sau khi đã thi công cải tạo theo thiết kế thẩm định phải được nghiệm thu và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo. Giấy chứng nhận này gồm 02 liên cấp cho chủ xe để làm thủ tục kiểm định, đăng ký biển số và có thời hạn hiệu lực 06 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp chủ xe để quá thời hạn hiệu lực hoặc mất giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo thì phải đưa xe tới đơn vị đăng kiểm đã nghiệm thu để kiểm tra và cấp lại.

Thông tư này không áp dụng đối với môtô, xe gắn máy; xe cơ giới được cải tạo để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012

Công ty cổ phần bảo hiểm phải có tổi thiểu 2 cổ đông sáng lập là tổ chức

Đây là một trong những điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với công ty cổ phần bảo hiểm quy định tại Thông tư số 124/2012/TT-BTC ngày 30/07/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP ngày 27/03/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Ngoài điều kiện có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức; có vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật; có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động; có cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin để có thể hoạt động sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động; tổ chức, cá nhân muốn góp vốn thành lập công ty cổ phần bảo hiểm còn phải đáp ứng một số điều kiện khác.

Cụ thể, mỗi cổ đông là cá nhân và tổ chức lần lượt chỉ được sở hữu tối đa 10% và 20% vốn điều lệ; các cổ đông sáng lập phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty cổ phần bảo hiểm trong thời hạn tối thiểu 03 năm kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động; cá nhân góp vốn phải chứng minh khả năng góp vốn bằng tiền thông qua xác nhận của ngân hàng về số dư tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi có trong tài khoản tại ngân hàng…

Riêng đối với công ty cổ phần tái bảo hiểm, Thông tư quy định, cổ đông là tổ chức phải hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012

Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được mở tối đa 20 chi nhánh và VPĐD

Ngày 30/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 125/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Theo đó, Thông tư quy định vốn điều lệ đã góp (hoặc vốn được cấp) của DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài phải tương xứng với nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể: Trường hợp vốn điều lệ (hoặc vốn được cấp) bằng mức vốn pháp định, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chỉ được mở tối đa 20 chi nhánh và văn phòng đại diện, riêng DNBH phi nhân thọ và chi nhánh nước ngoài không được kinh doanh bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh.

Trường hợp muốn mở rộng nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động, DNBH hoặc chi nhánh nước ngoài phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ đã góp (hoặc vốn được cấp), cụ thể: Đối với mỗi chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tăng thêm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải bổ sung vốn điều lệ đã góp cao hơn mức vốn pháp định là 10 tỷ đồng; Đối với mỗi loại hình bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh muốn kinh doanh, DNBH phi nhân thọ và chi nhánh nước ngoài phải bổ sung vốn điều lệ đã góp (hoặc vốn được cấp) cao hơn mức vốn pháp định là 50 tỷ đồng; Đối với trường hợp kinh doanh đồng thời cả môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải bổ sung vốn điều lệ đã góp cao hơn mức vốn pháp định là 4 tỷ đồng Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng yêu cầu các DNBH và chi nhánh nước ngoài phải đảm bảo duy trì nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định trong suốt quá trình hoạt đồng, đồng thời, hàng năm phải đánh giá lại nguồn vốn chủ sở hữu để bổ sung theo quy định trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012, thay thế cho Thông tư số 156/2007/TT–BTC ngày 20/12/2007.

6 đối tượng không được làm nhân viên đại lý thuế

Ngày 19/07/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 117/2012/TT-BTC hướng dẫn về hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế.

Theo đó, 06 đối tượng không được làm nhân viên đại lý thuế bao gồm: Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; Người có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hải quan, kiểm toán bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có quyết định xử phạt; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù; Người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; Cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ nhưng đang trong thời gian quy định không được kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đối tượng không thuộc 06 trường hợp nêu trên, có bằng cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật kinh tế và đã có thời gian làm việc trong lĩnh vực này từ 02 năm trở lên có thể dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Hồ sơ dự thi bao gồm: Đơn đăng ký dự thi; sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú; bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc 01 trong các chuyên ngành quy định; giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; ảnh, phong bì có dán tem và ghi sẵn địa chỉ; giấy xác nhận số năm công tác chuyên môn và các giấy tờ theo quy định được miễn môn thi (nếu có).

Thông tư này thay thế Thông tư số 28/2008/TT-BTC ngày 03/04/2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012

Công nhận 30 bảo vật quốc gia

Ngày 01/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia đợt 01 cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa chỉ khác.

Trong đó, đáng chú ý là các hiện vật như: Tác phẩm “Ngục trung nhật ký” và bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ (văn hóa Đông Sơn); máy bay chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam trong trận “Điện Biên Phủ trên không”; sổ trực ban chép tay tình hình chiến sự Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 25/04 - 01/05/1975…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia, Thủ trưởng Bộ, ngành, người đứng đầu tổ chức được giao quản lý các bảo vật quốc gia nêu trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị

Ngày 15/08/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 135/2012/TT-BTC hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.

Bảo hiểm liên kết đơn vị là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, trong đó, cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư; bên mua bảo hiểm được quyền lựa chọn đầu tư phí bảo hiểm của mình để mua các đơn vị của các quỹ liên kết đơn vị do doanh nghiệp bảo hiểm thành lập, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị đã lựa chọn tương ứng với phần phí bảo hiểm đã đầu tư…

Theo đó, nhằm phòng ngừa rủi ro cho người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) muốn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị phải đáp ứng được các điều kiện như: Biên khả năng thanh toán của DNBH lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 200 tỷ đồng Việt Nam; vốn điều lệ đã góp cao hơn mức vốn pháp định từ 200 tỷ đồng Việt Nam trở lên; có khả năng định giá tài sản và các đơn vị của các quỹ liên kết đơn vị khách quan, chính xác theo định kỳ tối thiểu 01 lần/tuần và công bố công khai cho bên mua bảo hiểm về giá mua và giá bán đơn vị quỹ; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Ngoài ra, Thông tư cũng yêu cầu DNBH phải thành lập tối thiểu 02 quỹ liên kết đơn vị có mục tiêu đầu tư khác nhau dành cho mỗi sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị. Sau 60 ngày kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị đầu tiên được giao kết, doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm tổng giá trị của các quỹ liên kết đơn vị luôn không thấp hơn một trăm 100 tỷ đồng…

Thông tư này thay thế Quyết định số 102/2007/QĐ-BTC ngày 14/12/2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012.

Thời gian lưu kho phao áo cứu sinh dự trữ quốc gia tối đa 4 năm

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 131/2012/TT-BTC ngày 13/08/2012 của Bộ Tài chính ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phao áo cứu sinh dự trữ quốc gia.

Phao áo cứu sinh là loại phao thiết kế theo kiểu áo véc, dùng để nâng miệng của người đã kiệt sức hoặc bất tỉnh lên cách mặt nước tối thiểu 80 mm; có tính nổi, độ bền, khả năng chịu lửa, chịu dầu theo quy định của pháp luật; được gắn liền với 01 chiếc còi; được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm bình thường và có thời gian lưu kho không quá 04 năm.

Phao áo nhập kho dự trữ Nhà nước phải phù hợp với các quy định về của pháp luật về độ bền, các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu sản xuất, các thông số kỹ thuật cơ bản… và được nhập kho dự trữ Nhà nước trong thời gian tối đa 09 tháng kể từ khi sản xuất áo phao (kể cả thời gian vận chuyển).

Theo quy định tại Thông tư này, tổ chức cung cấp có trách nhiệm bảo hành tối thiểu 24 tháng tính từ ngày ký biên bản nghiệm thu đối với phao áo cứu sinh nhập kho dự trữ Nhà nước. Trước thời gian hết hạn bảo hành, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên tối thiểu 02 mẫu theo các chỉ tiêu quy định của pháp luật, trường hợp không đạt yêu cầu, các tổ chức, cá nhân cung cấp phao áo có trách nhiệm thay thế phao áo mới đảm bảo chất lượng.

Thông tư này thay thế Thông tư số 178/2009/TT-BTC ngày 10/09/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2012.

Thời gian lưu kho phao tròn dự trữ Nhà nước tối đa 8 năm

Thời gian bảo quản phao tròn cứu sinh nhập kho dự trữ Nhà nước tối đa là 08 năm trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm bình thường là nội dung quy định tại Thông tư số 132/2012/TT-BTC ngày 13/08/2012 của Bộ Tài chính ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phao tròn cứu sinh dự trữ quốc gia.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định phao tròn cứu sinh được nhập kho dự trữ quốc gia phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, như: Vật liệu làm ruột phao, vỏ bọc ngoài phao tròn; kích thước và khối lượng; phải có băng vật liệu phản quang, dây bám bằng Polyeste; có tính nổi, độ bền, có khả năng chịu lửa, chịu dầu và phải có giấy chứng nhận cơ sở sản xuất phương tiện cứu sinh, giấy chứng nhận kiểu sản phẩm (đối với phao tròn sản xuất trong nước) hoặc giấy chứng nhận kiểu sản phẩm (đối với phao tròn nhập khẩu vào Việt Nam)…

Cũng theo Thông tư này, nơi bảo quản phao tròn dự trữ quốc gia phải là kho kín, có tường bao, mái che chống nắng, mưa, gió, bão, trần chống nóng; được trang bị đủ quạt thông gió để bảo đảm trong kho luôn được khô ráo, thoáng mát; có dụng cụ đo nhiệt độ, độ ẩm không khí; có hệ thống chống chim, chuột, phòng trừ mối và các sinh vật gây hại khác; có hệ thống điện chiếu sáng phục vụ công tác bảo quản, bảo vệ…

Thông tư này thay thế Thông tư số 60/2009/TT-BTC ngày 26/03/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2012.

Ban hành danh mục thiết bị trong nước sản xuất được

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BKHĐT ngày 13/08/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.

Bên cạnh việc ban hành danh mục 638 thiết bị, máy móc, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được (cụ thể, săm, lốp ôtô, xe máy, xe đạp; tủ sấy, buồng lạnh; thiết bị lọc nước…), Thông tư cũng ban hành danh mục 144 vật tư xây dựng; 358 nguyên liệu, vật tư, linh kiện; 61 vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí; 07 nguyên liệu, vật liệu, vật tư bán thành phẩm phục vụ cho việc đóng tàu và danh mục các nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm phần mềm trong nước đã sản xuất được như: Bao bì đóng gói sản phẩm phầm mềm bằng giấy; các công cụ kiểm tra đánh giá; dầu lạc thô; đường; thức ăn tôm…

Các danh mục nêu trên là căn cứ thực hiện miễn, giảm, xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được là hàng hóa được quy định tại một trong các danh mục này, không phụ thuộc mục đích sử dụng, trừ hàng hóa chuyên dùng (loại hàng hóa đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khi sử dụng nêu trong các chứng chỉ chuyên ngành).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012.

Tăng 2 triệu đồng lệ phí cấp phép thành lập VPĐD của thương nhân nước ngoài

Ngày 13/08/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 133/2012/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện (VPĐD) của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Theo quy định tại Thông tư này, mức thu lệ phí cấp giấy phép thành lập, xin gia hạn thời gian hoạt động VPĐD của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam từ ngày 01/10/2012 lần lượt tăng từ 1,5 - 02 triệu đồng. Cụ thể, lệ phí cấp giấy phép thành lập mới là 03 triệu đồng /giấy phép, tăng 02 triệu đồng so với trước đây (theo quy định cũ là 01 triệu đồng/giấy phép); lệ phí cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép là 1,5 triệu đồng/giấy phép. Đặc biệt, theo quy định mới này, các trường hợp đã được cấp giấy phép, xin gia hạn thêm thời gian hoạt động phải nộp lệ phí 1,5 triệu đồng/ giấy phép (theo quy định trước đây, các trường hợp này không phải nộp lệ phí).

Cơ quan thu lệ phí nộp 100% tổng số tiền lệ phí thu được vào Ngân sách Nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành. Các khoản chi phí liên quan đến công tác tổ chức thu, thẩm định việc thành lập VPĐD của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được Ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012.

Hệ số giữa khối lượng hàng và thể tích chứa hàng xe tự đổ tối thiểu là 1200 kg/m3

Ngày 09/08/2012, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ôtô tải tự đổ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tải tự đổ, ôtô xi téc, rơ moóc và sơ mi rơ moóc xi téc tham gia giao thông đường bộ.

Theo quy định tại Thông tư này, từ ngày 01/10/2012, xe ôtô tải tự đổ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tải tự đổ (xe tự đổ); ôtô xi téc, rơ moóc và sơ mi rơ moóc xi téc (xe xi téc) tham gia giao thông đường bộ, có khối lượng toàn bộ từ 10.000 kg trở lên phải đáp ứng những quy định nhất định về kết cấu, thể tích thùng chở hàng, như: Thể tích chứa hàng của thùng chở hàng xe tự đổ phải đảm bảo sao cho hệ số giữa khối lượng hàng chuyên chở và thể tích chứa hàng không nhỏ hơn 1.200 kg/m3.

Cũng theo Thông tư này, thùng chở hàng của xe tự đổ và xe xi téc phải có kết cấu vững chắc, bảo đảm an toàn cho hàng hóa được chuyên chở và chiều dài, chiều rộng toàn bộ của thùng chở hàng phải thỏa mãn các yêu cầu đối với chiều dài đuôi xe, chiều rộng toàn bộ xe theo quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Thông tư này không áp dụng đối với các xe tự đổ và xe xi téc nhập khẩu có ngày xe cập cảng hoặc cửa khẩu Việt Nam trước ngày 01/10/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012

Tổ chức tư vấn định giá DN phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm

Ngày 08/08/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 127/2012/TT-BTC hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp (DN).

Theo đó, các tổ chức tư vấn định giá trong nước đăng ký cung cấp dịch vụ tư vấn xác định giá trị DN cổ phần hóa phải là các công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, DN thẩm định giá có chức năng định giá và đáp ứng các điều kiện về tổ chức, hoạt động đối với từng loại hình DN và một số điều kiện khác. Cụ thể, có ít nhất 05 kinh nghiệm về một trong các lĩnh vực thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu DN; có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đã được Bộ Tài chính cấp thẻ thẩm định viên về giá và đăng ký hành nghề thẩm định giá chuyên trách tại DN; không bị xử phạt vi phạm hành chính với các tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thẩm định giá và xác định giá trị DN trong 05 năm liền kề trước năm đăng ký thực hiện dịch vụ xác định giá trị DN...

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định: Các tổ chức tư vấn định giá nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam chỉ được phép cung cấp dịch vụ xác định giá trị DN cổ phần hóa khi hợp tác, liên danh với các tổ chức tư vấn định giá trong nước được Bộ Tài chính công nhận và phải đáp ứng các điều kiện sau: Là tổ chức hoạt động và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vẫn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu DN.

Thông tư này thay thế Quyết định số 100/2007/QĐ-BTC ngày 06/12/2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012

Cá nhân có trách nhiệm thông báo thông tin tàu bay lâm nạn

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 33/2012/QĐ-TTg ngày 06/08/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nếu phát hiện tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn hoặc nhận được thông tin tàu bay đang lâm nguy lâm nạn và có lý do tin rằng tàu bay đang trong tình trạng khẩn nguy phải thông báo ngay cho cơ sở dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải; trạm báo động hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Cũng theo Quyết định này, các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm nhận, xử lý và phân phối dữ liệu khẩn nguy thuộc Cục Hàng hải Việt Nam (Vietnam Mission Control Center) có trách nhiệm trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin cứu nạn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh và thông báo cho các cơ quan, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn về các tình huống khẩn cấp của tàu bay.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép sử dụng tần số khẩn cấp cho các phương tiện tìm kiếm, cứu nạn trong nước và nước ngoài phục vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông huy động lực lượng của ngành tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về tìm kiếm, cứu nạn…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012

Đến năm 2015, phủ sóng di động đến trên 90% dân số cả nước

Đây là chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/07/2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông và các ban ngành có liên quan phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông có đủ năng lực, điều kiện mở rộng kinh doanh… sao cho đến năm 2015, phủ sóng thông tin di động đến trên 90% dân số trên cả nước; trên 90% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng và tổng doanh thu viễn thông đạt từ 10 - 12 tỷ USD, chiếm khoảng 7 - 8% GDP.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống thông tin di động thế hệ thứ ba (3G) nhằm cung cấp khả năng truy nhập băng rộng vô tuyến cho cá nhân ở mọi lúc, mọi nơi; từng bước thực hiện việc số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình mặt đất trên cả nước; tăng cường năng lực cho các mạng viễn thông dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh…

Cũng theo Quyết định này, các doanh nghiệp viễn thông mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối sẽ được tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông và bảo đảm thực hiện quy định về sở hữu theo Luật Viễn thông.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012

Tổ chức, cá nhân có quyền tham gia theo dõi thi hành pháp luật

Đây là một trong những nội dung quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/07/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Ngoài việc cho phép tổ chức, cá nhân tham gia theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Chính phủ còn yêu cầu các Bộ, và đơn vị có liên quan tạo điều kiện, huy động sự tham gia theo dõi của tổ chức, cá nhân và huy động Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện tham gia hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo cơ chế cộng tác viên.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết các nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cụ thể như: Tính kịp thời, đầy đủ của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật và ban hành các văn bản quy định chi tiết; tính thống nhất, đồng bộ và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật; tính phù hợp của tổ chức bộ máy, mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật; tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền…

Kinh phí cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào dơ ngân sách Nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Nghị định này áp dụng với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012

Người tổng hợp Minh Thi

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 10.665