Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Những văn bản có hiệu lực trong tháng 11 năm 2012
Ngày cập nhật 16/11/2012

Những văn bản sau có hiệu lực trong tháng 11/2012:Được tạm ứng tối đa 30% dự toán NSNN, Điều kiện chuyển đổi cụm công nghiệp hình thành trước ngày 05/10/2009, Tiền lương cán bộ ngành BHXH bằng 1,8 lần so với quy định chung, Phạt tới 50 triệu đồng hành vi biếu, tặng tài sản NN trái quy định, Học sinh dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình nước ngoài, 3 nguyên tắc tiêu hủy tiền, Bổ sung hơn 44 tỷ đồng nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia năm 2012, Năm 2022, đầu tư hệ thống đo đếm từ xa cho khách hàng sử dụng điện lớn, Năm 2013, hoàn thiện Luật Việc làm, Lệ phi cấp CMND mới tối đa 70.000 đồng, Uống rượu bia điều khiển ôtô bị phạt đến 15 triệu đồng, Xử lý nghiêm hành vi thu thập thông tin người tố cáo trái thẩm quyền, Công khai quyết định giải quyết khiếu nại, Nghiêm cấm chuyển giao công nghệ lạc hậu, Bồi dưỡng người tham gia xử phạt vi phạm ngành điện lực tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, Giải quyết hoàn thuế tại trụ sở cơ quan thuế, Cho phép khai thác động vật rừng vì mục đích thương mại, Nguyên tắc xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật , Có bằng đại học chuyên ngành địa chất được phép kinh doanh VLNCN, Lệ phí cấp phép kinh doanh karaoke tối đa 12 triệu đồng, Cấm xuất khẩu 8 loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng , Tạm đình chỉ hoạt động tổ chức VPPL môi trường tối đa 30 ngày, Quy hoạch phục hồi di tích phải được định hướng từ 10 - 20 năm, Nguyên tắc quản lý giải quyết bồi thường trong CAND, Hướng dẫn xử phạt VPHC trong giao thông đường thủy, Bao bì đóng gói sẵn hàng nhập khẩu không phải chịu thuế môi trường, Tăng 10 - 20 triệu đồng trách nhiệm bảo hiểm thiệt hại, Thay đổi điều kiện cấp chứng chỉ môi giới chứng khoán, Chỉ cấp hộ chiếu chung với bố mẹ cho trẻ em dưới 9 tuổi, Tổ chức bình xét hộ nghèo, cận nghèo ở tổ dân cư.

Được tạm ứng tối đa 30% dự toán NSNN

Ngày 02/10/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 161/2012/TT-BTC quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước (NSNN) qua Kho bạc Nhà nước.

Theo quy định tại Thông tư này, các đơn vị sử dụng NSNN được phép tạm ứng trong trường hợp khoản chi NSNN của đơn vị sử dụng NSNN chưa có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định do công việc chưa hoàn thành. Mức tạm ứng đối với những khoản chi thanh toán theo hợp đồng được tính theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của đơn vị sử dụng NSNN và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng tối đa không vượt quá 30% dự toán bố trí cho khoản mua sắm đó (trừ trường hợp thanh toán hàng hóa nhập khẩu, thiết bị chuyên dùng phải nhập khẩu mà trong hợp đồng nhà cung cấp yêu cầu phải tạm ứng lớn hơn và các trường hợp đặc thù khác có hướng dẫn riêng của cơ quan có thẩm quyền…).

Riêng đối với những khoản chi không có hợp đồng, mức tạm ứng thực hiện theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách, phù hợp với tiến độ thực hiện và trong phạm vi dự toán được giao.

Nội dung tạm ứng bao gồm: Chi mua vật tư văn phòng, chi hội nghị, thuê mướn, chi phí nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành, sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng từ nguồn kinh phí thường xuyên và một số khoản chi cần thiết khác để đảm bảo hoạt động của bộ máy đơn vị sử dụng NSNN.

Thông tư này thay thế Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/08/2003 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2012.

Điều kiện chuyển đổi cụm công nghiệp hình thành trước ngày 05/10/2009

Ngày 10/10/2012, Liên bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT hướng dẫn xử lý cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Theo đó, cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp có hiệu lực (trước ngày 05/10/2009) muốn chuyển đổi thành khu công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: Có chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật; tổng diện tích đất đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt ít nhất 40% diện tích đất công nghiệp của cụm công nghiệp; đã xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung hoặc có cam kết của chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về thời hạn xây dựng công trình xử lý nước thải khu công nghiệp sau khi được chuyển đổi…

Hồ sơ chuyển đổi được lập thành 07 bộ, bao gồm tờ trình Thủ tướng Chính phủ của UBND cấp tỉnh về việc chuyển đổi các cụm công nghiệp thành khu công nghiệp trên địa bàn và Đề án chuyển đổi cụm công nghiệp thành khu công nghiệp với các nội dung về sự cần thiết, căn cứ pháp lý của việc chuyển đổi; đánh giá tình hình thực hiện và dự kiến phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp trên địa bàn...

Ngoài ra, Thông tư cũng có các quy định cụ thể về phương án xử lý cụm công nghiệp hình thành trước khi Quy chế có hiệu lực; thành lập cụm công nghiệp từ các cụm công nghiệp nêu trên…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2012

Tiền lương cán bộ ngành BHXH bằng 1,8 lần so với quy định chung

Ngày 07/09/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 37/2012/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm mức chi tiền lương, thu nhập đối với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) giai đoạn 2012 - 2015.

Cụ thể, trên cơ sở số biên chế và dự toán chi hoạt động quản lý được giao, mức chi tiền lương giai đoạn 2012 - 2015 đối với công chức, viên chức (CCVC) và người làm việc theo chế độ hợp đồng trong các đơn vị trực thuộc BHXH; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ và người làm việc hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân làm việc trong các tổ chức BHXH được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 68/2007/NĐ-CP… bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, CCVC do Nhà nước quy định (lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ).

Phần chênh lệch giữa mức chi tiền lương thực tế nêu trên so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, CCVC do Nhà nước quy định không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.

Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện thí điểm mức chi tiền lương, thu nhập giai đoạn 2012 - 2015 và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý IV/2015.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2012

Phạt tới 50 triệu đồng hành vi biếu, tặng tài sản NN trái quy định

Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 66/2012/NĐ-CP ngày 07/09/2012 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (NN).

Theo quy định tại Nghị định này, tổ chức, cá nhân có hành vi VPHC trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản NN phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng, cụ thể: Đối với hành vi biếu, tặng cho, trao đổi tài sản NN không đúng quy định, phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng nếu tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng; từ 10 - 20 triệu đồng trường hợp tài sản là ôtô hoặc có giá trị trên 100 triệu đồng;  từ 30 - 50 triệu đồng nếu tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Các hành vi VPHC khác về mua sắm tài sản, thuê, mượn tài sản NN, bố trí, sử dụng tài sản NN vượt tiêu chuẩn, định mức và không đúng mục đích… có mức phạt dao động từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm và giá trị tài sản vi phạm. Cụ thể như: Phạt lần lượt từ 01 - 05 triệu đồng và 05 - 10 triệu đồng đối với các hành vi cho mượn tài sản NN có giá trị dưới 100 triệu đồng và hành vi cho mượn tài sản là xe ôtô hoặc tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên…

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khác như: Buộc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản NN; buộc khôi phục lại tình trang ban đầu của tài sản đã bị thay đổi hoặc bồi thường bằng tiền hoặc tài sản có công năng sử dụng tương đương tài sản ban đầu; thu hồi chứng chỉ hoặc thẻ hành nghề…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2012.

Học sinh dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình nước ngoài

Học sinh Việt Nam không đủ 05 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài là nội dung quy định tại Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/09/2012 của Chính phủ ban hành quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ 05 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập bao gồm: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; Cơ sở giáo dục mầm non (trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài; Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho học sinh là người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dự án đầu tư thành lập trung tâm dạy nghề lần lượt phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ; 50 triệu đồng/học sinh; 20 triệu đồng/học viên và 60 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất)... Trường hợp các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định nêu trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2012.

3 nguyên tắc tiêu hủy tiền

Ngày 25/09/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 27/2012/TT-NHNN quy định về tiêu hủy tiền.

Theo quy định tại Thông tư này, việc tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành phải đảm bảo 03 nguyên tắc sau: Đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản và bí mật Nhà nước; Tiền sau khi tiêu hủy thành phế liệu phải đảm bảo không thể khôi phục để sử dụng lại như tiền; Tiêu hủy theo số tiền thực tế đã nhận từ Kho tiền Trung ương sau khi có kết quả kiểm đếm phân loại.

Tiền tiêu hủy bảo quản trong kho được kiểm kê mỗi tháng 01 lần vào thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của tháng. Việc kiểm kê do Phó Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy phụ trách cụm tiêu hủy, Trưởng phòng Tiêu hủy tiền, kế toán tiêu hủy tiền thực hiện và được trưng tập cán bộ giúp việc kiểm kê, có sự chứng kiến của Hội đồng giám sát.

Kết thúc năm tiêu hủy tiền, Hội đồng tiêu hủy tổng hợp số liệu, lập biên bản về kết quả tiêu hủy hoàn toàn tại mỗi cụm, có xác nhận của Hội đồng giám sát. Biên bản được lập thành 05 bản: 01 bản gửi Vụ Tài chính - Kế toán, 01 bản gửi Cục Phát hành và Kho quỹ, 01 bản gửi Hội đồng giám sát, 01 bản lưu Hội đồng tiêu hủy và 01 bản lưu phòng Tiêu hủy tiền.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/11/2012

Bổ sung hơn 44 tỷ đồng nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia năm 2012

Ngày 13/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1704/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia năm 2012.

Theo đó, bổ sung 44.060 triệu đồng (Bốn mươi bốn tỷ sáu mươi triệu đồng) cho Bộ Tài chính từ nguồn chi sự nghiệp phát triển kinh tế của ngân sách Trung ương năm 2012 đã được Quốc hội quyết định để thanh toán chi phí thực hiện nhiệm vụ nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia năm 2012. Việc quản lý và sử dụng số kinh phí nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Năm 2022, đầu tư hệ thống đo đếm từ xa cho khách hàng sử dụng điện lớn

Đây là một trong những mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đề ra tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 phê duyệt Đề án phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam.

Theo đó, nhằm mục đích đến năm 2022, hệ thống đo đếm từ xa được đầu tư hoàn chỉnh tới tất cả các khách hàng sử dụng điện lớn; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm 10% chỉ số tần suất mất điện trung bình của hệ thống; nâng cao khả năng dự báo nhu cầu phụ tải điện và lập kế hoạch cung cấp điện, hạn chế việc tiết giảm điện do thiếu nguồn thông qua cơ chế dịch chuyển phụ tải đỉnh trong giờ cao điểm hoặc trường hợp khẩn cấp…, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính.

Cụ thể như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển Lưới điện Thông minh tại Việt Nam; tổ chức thực hiện, xây dựng và phát triển đề án tại Việt Nam theo đúng lộ trình đã được phê duyệt; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ quản lý và vận hành hệ thống Lưới điện Thông minh trong tương lai; tổ chức thực hiện các dự án thí điểm ở Việt Nam phù hợp với các giai đoạn phát triển Lưới điện Thông minh được duyệt…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Năm 2013, hoàn thiện Luật Việc làm

Đây là một trong những nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/06/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

Cụ thể, nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trong năm 2013 tới như: Hoàn thiện Luật Việc làm; xây dựng Chương trình việc làm công và quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2020…

Đồng thời, Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu củng cố và tăng cường mạng lưới y tế cơ sở, ưu tiên các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới và hải đảo, bảo đảm mọi người dân tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, nhất là đối với bà mẹ và trẻ em dưới 06 tuổi; xây dựng mã số an sinh xã hội để phát triển hệ thống thông tin về an sinh xã hội; tiếp tục hoàn thiện các chính sách về giáo dục…

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Lệ phi cấp CMND mới tối đa 70.000 đồng

Ngày 20/09/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí Chứng minh nhân dân (CMND) mới.

Theo quy định tại Thông tư này, mức thu lệ phí cấp CMND dao động từ 20.000 - 70.000 đồng, cụ thể: Mức thu lệ phí đối với các trường hợp thu nhận ảnh trực tiếp (ảnh thu qua camera) là 30.000 đồng với cấp mới, 50.000 đồng với cấp đổi và 70.000 đồng với cấp lại. Trường hợp thu nhận ảnh gián tiếp (chưa tính tiền chụp ảnh), mức thu lệ phí cấp mới là 20.000 đồng, cấp đổi là 40.000 đồng và cấp lại là 60.000 đồng.

Riêng các công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; các xã biên giới; các huyện đảo nộp lệ phí cấp CMND mới bằng 50% mức thu tại các trường hợp nêu trên.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định chi tiết các trường hợp không phải nộp lệ phí cấp CMND mới. Cụ thể như: Công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Uỷ ban dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa và các trường hợp cấp đổi CMND mới do Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2012

Uống rượu bia điều khiển ôtô bị phạt đến 15 triệu đồng

Ngày 19/09/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo đó, Chính phủ quyết định nâng mức phạt đối với các hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, điều khiển xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định, xe ôtô chở quá số người quy định… từ ngày 10/11/2012.

Cụ thể, mức phạt tiền đối với hành vi điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu (hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở) và người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu (hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở) lần lượt là 10 - 15 triệu đồng (mức phạt theo quy định hiện nay từ 04 - 06 triệu đồng) và 08 - 10 triệu đồng, cao hơn mức phạt hiện nay từ 02 - 03 triệu đồng…  Ngoài việc phạt tiền nêu trên, lái xe uống rượu bia còn có thể chịu hình phạt bổ sung như: Tước giấy phép lái xe 60 ngày nếu nồng độ cồn cao; tước giấy phép không thời hạn trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định mức phạt tăng nặng đối với các hành vi vi phạm an toàn giao thông trong khu vực nội thành tại các thành phố trực thuộc Trung ương (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...), như: Phạt từ 600.000 đồng - 01 triệu đồng và 1,4 - 2 triệu đồng đối với lỗi dừng ôtô không sát lề đường, nơi có biển cấm dừng, dời khỏi vị trí lái, tắt máy khi dừng xe, dừng xe không đúng quy định; lái ôtô vào đường cấm, dừng đỗ, quay đầu xe trái quy định gây tai nạn hoặc ùn tắc giao thông, đi không đúng làn đường hoặc phần đường...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2012.

Xử lý nghiêm hành vi thu thập thông tin người tố cáo trái thẩm quyền

Ngày 03/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo.

Trong đó đáng chú ý là quy định về các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, vị trí công tác, việc làm của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo... Theo đó, khi phát hiện người không có thẩm quyền có hành vi thu thập thông tin về người tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với người có hành vi vi phạm.

Trường hợp có căn cứ cho rằng việc tố cáo của mình bị người có thẩm quyền quản lý, sử dụng có hành vi trù dập, phân biệt đối xử hoặc thuyên chuyển công tác dẫn đến giảm thu nhập, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết bằng văn bản. Các biện pháp bảo vệ có thể là: Thuyên chuyển công tác của người được bảo vệ sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nếu có sự đồng ý của họ và ra quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ…

Cũng theo Nghị định này, khi nhiều người cùng tố cáo thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Cụ thể, từ 05 - 10 người tố cáo thì cử 01 hoặc 02 người đại diện; trường hợp có từ 10 người trở lên thì có thể cử thêm người đại diện nhưng tối đa không quá 05 người.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2012

Công khai quyết định giải quyết khiếu nại

Ngày 03/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại.

Theo quy định tại Nghị định này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức như: Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác; Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, việc thông báo quyết định giải quyết khiếu nại trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện trên báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm lựa chọn một trong các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện việc thông báo. Số lần thông báo trên báo nói, báo hình và báo viết ít nhất là 02 lần phát sóng (hoặc phát hành); thời gian đăng tải trên báo điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử ít nhất 15 ngày, kể từ ngày đăng thông báo.

Ngoài ra Nghị định cũng quy định chi tiết về khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước; trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung; xem xét lại việc giải quyết khiếu nại có vi phạm pháp luật… Theo đó, khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện là người khiếu nại để trình bày nội dung khiếu nại. Trường hợp có từ 05 - 10 người khiếu nại thì cử 01 hoặc 02 người đại diện; trường hợp có từ 10 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 05 người…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2012.

Nghiêm cấm chuyển giao công nghệ lạc hậu

Ngày 02/10/2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 18/2012/TT-BKHCN hướng dẫn tiêu chí và quy trình xác định công nghệ thuộc Danh mục công nghệ (DMCN) khuyến khích chuyển giao, DMCN hạn chế chuyển giao, DMCN cấm chuyển giao, để làm căn cứ cho việc sửa đổi, bổ sung các danh mục này theo Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008. 

Theo Thông tư này, các công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu; công nghệ tạo ra chất thải nguy hại đối với con người, hệ sinh thái và môi trường; công nghệ gây lãng phí tài nguyên, khoáng sản… sẽ được xếp vào DMCN cấm chuyển giao.

Bên cạnh đó, các công nghệ tạo ra các sản phẩm truyền thống có tính bản sắc dân tộc cao; công nghệ sản xuất theo kinh nghiệm, bí quyết truyền thống hoặc sử dụng các chủng loại giống, khoáng sản, vật liệu quy hiếm đặc trưng của Việt Nam… được đưa vào DMCN hạn chế chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài. Đồng thời, các công nghệ sử dụng máy móc, thiết bị cũ, không tiết kiệm năng lượng; công nghệ tạo ra các sản phẩm sử dụng chất hóa học độc hại, tạo ra sản phẩm bằng phương pháp biến đổi gen hay có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người… sẽ được xếp vào DMCN hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, Thông tư cũng đưa ra các chỉ tiêu xác định công nghệ thuộc Danh mục khuyến khích chuyển giao từ ngước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm có tính vượt trội; tạo ra ngành nghề sản xuất, chế tạo, nuôi trồng sản phẩm mới chưa có ở Việt Nam; sản xuất năng lượng sạch, thân thiện môi trường, có hiệu quả kinh tế cao…

Cũng theo Thông tư, định kỳ, trước ngày 30/04 hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước để thẩm định các hồ sơ đề xuất sửa đổi, bổ sung các Danh mục công nghệ nêu trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/11/2012

Bồi dưỡng người tham gia xử phạt vi phạm ngành điện lực tối đa 1 triệu đồng/người/tháng

Ngày 01/10/2012, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 160/2012/TTLT-BTC-BCT quy định việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm pháp luật (XPVPPL) trong lĩnh vực điện lực.

Theo Thông tư này, tiền thu từ XPVPPL trong lĩnh vực điện lực được sử dụng tối đa 70% để bổ sung, hỗ trợ cho công tác kiểm tra và XPVPPL của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, trong đó, mức chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia kiểm tra, xử phạt vi phạm không quá 01 triệu đồng/người/tháng (bao gồm Thanh tra chuyên ngành điện lực, Kiểm tra viên điện lực và những người được điều động tham gia công tác này).

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về các khoản chi cho các hoạt động trực tiếp phục vụ công tác kiểm tra, XPVPPL khác như: Chi phí mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% mức tiền xử phạt với đầy đủ chứng từ theo quy định; chi lấy ý kiến chuyên gia tối đa 01 triệu đồng/báo cáo; các khoản chi hỗ trợ khác cho giám định, kiểm định thiết bị, vật tư xây lắp công trình điện, tang vật, phương tiện vi phạm; chi phí đi lại, lưu trú…

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định các cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền XPVPPL trong lĩnh vực điện lực phải mở sổ sách để theo dõi, quản lý số kinh phí được hỗ trợ và thực hiện công khai tại cơ quan, đơn vị; các đơn vị tổ chức đoàn kiểm tra và lập biên bản vi phạm trái pháp lật khi được hỗ kinh phí từ nguồn thu xử phạt có trách nhiệm nộp chứng từ và thanh toán số tiền được hỗ trợ với cơ quan, đơn vị chủ trì xử phạt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2012.

Giải quyết hoàn thuế tại trụ sở cơ quan thuế

Ngày 27/09/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2404/QĐ-BTC ban hành chế độ kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

Theo quy định tại Quyết định này, cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm đối chiếu số nợ tiền thuế, tiền phạt (bao gồm cả số nợ tiền thuế, tiền phạt thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hải quan) của người nộp thuế tại thời điểm hoàn thuế trên ứng dụng, theo dõi thông tin nợ tiền thuế, tiền phạt liên kết với Tổng cục Hải quan và phải bù trừ số tiền thuế, tiền phạt còn nợ (nếu có) với số tiền thuế được hoàn khi ra quyết định hoàn thuế theo quy định.

Trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, trường hợp cơ quan thuế xác định có số thuế chưa đủ điều kiện hoàn, còn thiếu thông tin cần giải trình, bổ sung thì phải có ngay văn bản đề nghị người nộp thuế giải trình, bổ sung theo quy định làm căn cứ xét hoàn thuế. Hết thời hạn theo thông báo mà người nộp thuế không giải trình bổ sung theo yêu cầu hoặc đã giải trình (lần hai) nhưng không chứng minh được số thuế khai là đúng, cơ quan thuế có trác nhiệm chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/11/2012

Cho phép khai thác động vật rừng vì mục đích thương mại

Ngày 25/09/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường, trong đó, đáng chú ý là quy định chính thức cấp giấy phép khai thác động vật rừng thông thường vì mục đích thương mại từ ngày 09/11/2012.

Theo đó, tổ chức, cá nhân muốn được cấp phép khai thác 160 loại động vật rừng thông thường (như thỏ, hươu sao, nai, lợn rừng, hoẵng...) vì mục đích thương mại phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể như: Được sự đồng ý của chủ rừng đối với tổ chức, cá nhân khai thác không đồng thời là chủ rừng; có báo cáo đánh giá quần thể loài động vật rừng thông thường đề nghị khai thác từ tự nhiên; thuyết minh phương án khai thác; mô tả hiện trạng của khu vực khai thác; tên loài, số lượng khai thác; phương tiện, công cụ, phương thức, danh sách những người thực hiện khai thác …

Cũng theo Thông tư này, tổ chức, cá nhân nuôi các loài động vật rừng thông thường nêu trên phải đảm bảo các điều kiện như: Có cơ sở nuôi, trại nuôi phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của loài nuôi; đảm bảo an toàn cho người và động vật nuôi; đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; có bảng kê mẫu vật động vật rừng thông thường có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại (trường hợp khai thác động vật rừng từ tự nhiên trong nước) hoặc hồ sơ mua bán, trao đổi động vật giữa người cung ứng và người nuôi trường hợp mua lại của tổ chức, cá nhân khác…

Trường hợp động vật rừng thông thường đã nuôi trước ngày 09/11/2012, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 09/11/2012, tổ chức, cá nhân đang nuôi phải lập bảng kê động vật rừng thông thường và gửi UBND xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở nuôi đó xác nhận.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/11/2012.

Nguyên tắc xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật

Ngày 24/09/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2012/NĐ-CP về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật (HTKT), trong đó, đáng chú ý là quy định về nguyên tắc xác định giá thuê công trình HTKT sử dụng chung.

Theo đó, giá thuê công trình HTKT sử dụng chung (các công trình được xây dựng để bố trí, lắp đặt đường dây, cáp và đường ống như cột treo cáp, ống cáp…) phải được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu tư xây dựng; chi phí quản lý vận hành, bảo trì, bảo dưỡng; chi phí khác theo quy định của pháp luật; gắn với chất lượng dịch vụ; phù hợp với các chế độ chính sách, các định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình HTKT sử dụng chung để kinh doanh dưới hình thức cho thuê thì giá thuê được xác định trên công trình các chi phí theo quy định và lợi nhuận hợp lý và phải căn cứ vào các yếu tố sau: Chi phí sản xuất, cung ứng dịch vụ; quan hệ cung cầu, giá thị trường; sự thay đổi, biến động về giá và cơ chế chính sách của Nhà nước; điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Cũng theo Nghị định này, việc sử dụng chung công trình HTKT phải đáp ứng một số nguyên tắc nhất định, cụ thể như: Các loại đường dây, cáp và đường ống bố trí, lắp đặt vào công trình HTKT sử dụng chung phải có dấu hiệu nhận biết; công trình HTKT sử dụng chung được xác định trong quy hoạch; được đầu tư, xây dựng theo quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm cảnh quan và môi trường; việc lắp đặt, bố trí các đường dây, cáp và đường ống mới vào công trình đã xây dựng phải có các giải pháp đảm bảo sự hoạt động bình thường của hệ thống đã có…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2012

Có bằng đại học chuyên ngành địa chất được phép kinh doanh VLNCN

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BCT ngày 21/09/2012 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11/08/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23/04/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN).

Theo đó, từ ngày 05/11/2012, điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh VLNCN, tiền chất thuốc nổ được quy định như sau: Giám đốc phải có bằng tốt nghiệp đại học; Phó Giám đốc kỹ thuật, người quản lý các bộ phận liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất VLNCN phải có bằng tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành như: Khai thác mỏ, địa chất; xây dựng công trình giao thông, thủy lợi; hóa chất, vũ khí đạn, công nghệ hóa thuốc phóng, thuốc nổ.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng bãi bỏ yêu cầu nộp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy đối với nhà, công trình sản xuất, bảo quản VLNCN và tài liệu về điều kiện người sản xuất VLNCN, tiền chất thuốc nổ trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN, tiền chất thuốc nổ.

Như vậy, hồ sơ pháp lý bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất VLNCN, tiền chất thuốc nổ do người đứng đầu doanh nghiệp ký; bản sao hợp lệ quyết định thành lập doanh nghiệp; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bản sao hợp lệ quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất VLNCN, tiền chất thuốc nổ, Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bản sao hợp lệ quyết định công nhận kết quả đăng ký của sản phẩm và đưa sản phẩm VLNCN vào danh mục VLNCN được phép lưu thông, sử dụng ở Việt Nam và quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với cơ sở sản xuất VLNCN, tiền chất thuốc nổ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2012.

Lệ phí cấp phép kinh doanh karaoke tối đa 12 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung quy định tại Thông tư số 156/2012/TT-BTC ngày 21/09/2012 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vũ trường.

Cụ thể, từ ngày 05/11/2012, tại các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, mức lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke từ 01 - 05 phòng; từ 06 phòng trở lên và mức thu lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vũ trường lần lượt là 06 triệu đồng/giấy; 12 triệu đồng/giấy và 15 triệu đồng/giấy.

Tại các khu vực khác, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh karaoke chỉ bằng 50% các khu vực trên; riêng mức thu lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vũ trường là 10 triệu đồng/giấy.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2012.

Cấm xuất khẩu 8 loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Ngày 20/09/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2012/TT-BXD hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Theo đó, từ ngày 06/11/2012, cấm xuất khẩu đối với 08 loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng sau: Đá vôi, phụ gia nằm trong quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng; Đá xây dựng thuộc các mỏ tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; Đá khối; Cát nhiễm mặn; Cát xây dựng (cát tự nhiên); Cuội, sỏi, các loại; Felspat (Trường thạch); Các loại đất sét, đất đồi.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành danh mục 10 loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng được phép xuất khẩu, trong đó có: Cát (cát trắng, cát vàng, cát nghiền, cát nhiễm mặn); đá hạt được dùng để gia công, làm nhẵn bề mặt, làm vật liệu trang trí, hoàn thiện; Đá phiến lợp, đá phiến cháy; thạch anh; cao lanh…

Các loại khoáng sản xuất khẩu này phải được khai thác từ các mỏ có giấy phép khai thác còn hiệu lực tại thời điểm khai thác do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyển cấp phép; do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại có chứng từ hợp lệ mua hoặc đấu giá hoặc là khoáng sản tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để chế biến và xuất khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/11/2012.

Tạm đình chỉ hoạt động tổ chức VPPL môi trường tối đa 30 ngày

Ngày 18/09/2012, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 56/2012/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Điều 6 Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 08/07/2010 của Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) khác về môi trường, trong đó đáng chú ý là quy định về biện pháp tạm đình chỉ hoạt động có liên quan trực tiếp đến việc gây ô nhiễm môi trường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Biện pháp tạm đình chỉ hoạt động chỉ được áp dụng khi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm về môi trường hoặc có các hành vi vi phạm như: Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước; gây tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện không đạt tiêu chuẩn môi trường…

Quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động phải bằng văn bản của người thẩm quyền, trong đó nêu rõ lý do, các biện pháp bảo vệ môi trường phải thực hiện, cơ quan giám sát thực hiện, thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp, thời hạn áp dụng không quá 15 ngày kể từ thời ngày bắt đầu áp dụng… Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp thời hạn tạm đình chỉ hoạt động có thể kéo dài, nhưng tổng số thời gian tạm đình chỉ không được vượt quá 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu áp dụng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2012

Quy hoạch phục hồi di tích phải được định hướng từ 10 - 20 năm

Ngày 18/09/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2012/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là việc xác định phạm vi và biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi các yếu tố gốc của di tích trong 01 khu vực xác định, định hướng tổ chức không gian các hạng mục công trình xây dựng mới, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và tạo lập môi trường cảnh quan thích hợp trong khu vực di tích.

Theo đó, việc lập quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi phải đáp ứng một số nguyên tắc cơ bản như: Phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khu vực quy hoạch đã được phê duyệt; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải được định hướng lâu dài từ 10 - 20 năm để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi, khai thác, phát huy giá trị di tích…

Tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch, dự án, báo cáo và thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về xây dựng và các điều kiện chuyên môn khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2012.

Nguyên tắc quản lý giải quyết bồi thường trong CAND

Ngày 17/09/2012, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 55/2012/TT-BCA quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác bồi thường trong Công an nhân dân (CAND).

Theo quy định tại Thông tư này, việc giải quyết bồi thường trong CAND phải đảm bảo kịp thời, công khai; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ; người được bồi thường được trả 01 lần bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Vụ Pháp chế có trách nhiệm hướng dẫn áp dụng luật về giải quyết bồi thường của Nhà nước trong CAND; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ làm công tác bồi thường ở công an các đơn vị, địa phương về kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường của Nhà nước; đôn đốc việc chi trả bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả trong CAND và mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công an phối hợp với Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, ngành liên quan xem xét, thống nhất cơ quan có trách nhiệm bồi thường trường hợp phát sinh tranh chấp về trách nhiệm bồi thường giữa Bộ Công an với các Bộ, ngành khác...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2012.

Hướng dẫn xử phạt VPHC trong giao thông đường thủy

Ngày 17/09/2012, Liên bộ Giao thông Vận tải, Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BGTVT-BCA hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20/07/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Theo quy định tại Thông tư này, tổ chức, cá nhân thực hiện một hoặc đồng thời nhiều hành vi VPHC quy định tại Nghị định số 60/2011/NĐ-CP có thể bị tạm giữ giấy tờ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt VPHC; tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề…

Trong đó, việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm chỉ được áp dụng để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc trong trường hợp phạt tiền cá nhân tổ chức vi phạm nhưng không thể thực hiện tạm giữ các giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Thông tư này, trường hợp 01 người thực hiện nhiều hành vi VPHC trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa mà các hành vi vi phạm này đều bị tước quyền sử dụng cùng 01 loại giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên muôn, chứng chỉ hành nghề thì chỉ áp dụng tước quyền sử dụng loại giấy phép, bằng, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề có thời hạn dài nhất quy định đối với hành vi vi phạm đó.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2012

Bao bì đóng gói sẵn hàng nhập khẩu không phải chịu thuế môi trường

Ngày 14/09/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/08/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Trong đó, đáng chú ý là quy định chi tiết các loại bao bì đóng gói sẵn hàng hóa không phải chịu thuế BVMT, cụ thể như: Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa nhập khẩu; Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu để đóng gói sản phẩn do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói; Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua trực tiếp của người sản xuất hoặc người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.

Cũng theo Nghị định này, túi ni lông thuộc diện chịu thuế BVMT (túi nhựa) là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi, có miệng túi, đáy túi, thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó, được làm từ màng nhựa đơn HDPE, LDPE hoặc LLDPE, (trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2012. 

Tăng 10 - 20 triệu đồng trách nhiệm bảo hiểm thiệt hại

Theo quy định tại Thông tư số 151/2012/TT-BTC ngày 12/09/2012 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 126/2008/TT-BTC ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Thông tư số 103/2009/TT-BTC ngày 25/05/2009 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người, tài sản do xe cơ giới, môtô, ôtô… gây ra tăng từ 10 - 20 triệu đồng/vụ tai nạn từ ngày 01/11/2012.

Cụ thể, số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra và đối với thiệt hại về tài sản do xe ôtô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp, các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng gây ra tăng từ 50 triệu đồng/vụ tai nạn lên 70 triệu đồng/vụ tai nạn, tăng 20 triệu đồng so với quy định cũ; đối với thiệt hại về tài sản do xe môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 40 triệu đồng/vụ tai nạn, tăng 10 triệu so với trước đây.

Mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người được xác định theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa chủ xe cơ giới và người bị thiệt hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) nhưng không được vượt quá mức bồi thường theo quy định. Trường hợp vụ tai nạn được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân do lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại thì mức bồi thường thiệt hại về người bằng 50% mức bồi thường quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2012.

Thay đổi điều kiện cấp chứng chỉ môi giới chứng khoán

Ngày 10/09/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 147/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy chế hành nghề chứng khoán” được ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTC ngày 27/03/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tại Thông tư này, Bộ Tài chính đã bãi bỏ yêu cầu chưa từng bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt theo pháp luật hoặc đã chấp hành xong quyết định xử phạt sau 01 năm, trong trường hợp xử phạt đối với điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán cho cá nhân. Như vậy, từ ngày 01/11/2012, cá nhân muốn hành nghề môi giới chứng khoán chỉ cần đáp ứng các điều kiện như: Có trình độ đại học trở lên; đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán (CCHNCK), phù hợp với loại CCHNCK đề nghị cấp; có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán; có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh.

Cũng theo Thông tư này, sơ yếu lý lịch của cá nhân đề nghị cấp CCHNCK được thay bằng bản thông tin cá nhân của người đó trong vòng 06 tháng gần nhất tính đến ngày UBCKNN nhận được hồ sơ hợp lệ, được chứng thực chữ ký của người khai. Theo đó, từ ngày 01/11/2012, hồ sơ đề nghị cấp CCHNCK đối với cá nhân trong nước bao gồm: Giấy đề nghị cấp CCHNCK; bản thông tin của người đề nghị cấp CCHNCK; phiếu lý lịch tư pháp; bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sỹ, tiến sỹ; bản sao hợp lệ CCHNCK hợp pháp ở nước ngoài (nếu có); bản sao hợp lệ các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán; kết quả thi sát hạch phù hợp với loại CCHNCK đề nghị cấp…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2012.

Chỉ cấp hộ chiếu chung với bố mẹ cho trẻ em dưới 9 tuổi

Ngày 06/09/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Theo quy định mới này, hộ chiếu phổ thông được cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi, có giá trị không quá 05 năm từ ngày cấp và không được gia hạn. Riêng trẻ em dưới 09 tuổi sẽ được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ nếu cha hoặc mẹ có đề nghị. Trong trường hợp này, hộ chiếu có giá trị không quá 05 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Như vậy, từ ngày 10/11/2012, trẻ em từ 09 - 14 tuổi sẽ không được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ như quy định trước đây theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007.

Cũng theo Nghị định này, thời hạn hộ chiếu thuyền viên được tăng thêm 05 năm so với trước đây, cụ thể, có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn (theo quy định cũ là không quá 05 năm và được gia hạn 01 lần, tối đa không quá 03 năm).


Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung thêm quy định không cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ cho cán bộ, công chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân khi được cử đi học tập ở nước ngoài với thời hạn trên 06 tháng…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2012

Tổ chức bình xét hộ nghèo, cận nghèo ở tổ dân cư

Ngày 05/09/2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm của các địa phương và cả nước.

Theo quy định tại Thông tư này, việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo ở thôn/bản, tổ dân cư được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan và phải có sự tham gia biểu quyết, bình xét của trên 50% đại diện hộ gia đình (theo hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín).

Danh sách hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo; hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo được bình chọn theo tiêu chí hiện hành phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản, ấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng trong vòng 05 ngày. Trường hợp hộ gia đình khiếu nại do không được điều tra, rà soát thu nhập, Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã có trách nhiệm tiến hành điều tra, rà soát bổ sung để tổng hợp và bình xét.

Kinh phí tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm và cập nhật cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn do ngân sách địa phương bố trí theo chế độ tài chính hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2012.

Minh Thi (tổng hợp từ vanbanluat.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 9.541