Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2012
Ngày cập nhật 31/07/2012

Những văn bản có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2012 với các nội dung:  Cấp 150.000 đồng/ngày đối với quân nhân tham gia cứu nạn trên biển ;  Từ 01/08, tiến hành triệu hồi ôtô nhập khẩu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; Quy định phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản; Từ 01/08, phải quan trắc chung cư trong quá trình sử dụng; Phụ cấp trách nhiệm nghề thi hành án cao nhất 30%; Thành lập thành phố phát triển KT-XH phải được Thủ tướng Chính phủ thông qua; 6 điều kiện hoạt động trường mầm non dân lập; Tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản tại Việt Nam phải treo cờ Việt Nam ; 5 ngân hàng được phép cho vay hỗ trợ lãi suất đối với nông, thủy sản; Ban hành danh mục thức ăn chăn nuôi cấm nhập khẩu ở Việt Nam; Hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với 8 thiết bị giảm tốn thất sau thu hoạch

Cấp 150.000 đồng/ngày đối với quân nhân tham gia cứu nạn trên biển

Ngày 04/06/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/2012/QĐ-TTg quy định một số chế độ ưu đãi đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Theo đó, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trực tiếp tham gia diễn tập, huấn luyện, tìm kiếm cứu nạn trên biển được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù đi biển với mức 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển.

Cũng theo Quyết định này, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng và công nhân quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam công tác lâu năm ở hải đảo hàng tháng được hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở hải đảo tính theo hệ số so với mức lương tối thiểu chung và thời gian thực tế công tác ở đảo xa.

Cụ thể, cảnh sát biển làm nhiệm vụ ở các đảo xa thuộc các vùng biển Việt Nam từ đủ 05 năm đến dưới 10 năm được hưởng mức phụ cấp là 0,2; từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm được hưởng mức phụ cấp 0,3 và cảnh sát làm nhiệm vụ ở đảo xa từ đủ 15 năm trở lên được hưởng mức phụ cấp là 0,4.

Thời gian công tác để tính hưởng chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở hải đảo đối với các đối tượng nêu trên là tổng thời gian công tác thực tế ở các đảo, nếu có gián đoạn thì được cộng dồn.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2012.

 Từ 01/08, tiến hành triệu hồi ôtô nhập khẩu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật

Ngày 06/06/2012 của Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 19/2012/TT-BGTVT quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu xe ôtô.

Cụ thể, trường hợp phát hiện xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ 09 chỗ ngồi trở xuống có lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế chế tạo hoặc vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó thì thương nhân nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật theo quy định của pháp luật từ ngày 01/08/2012.

Trường hợp cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu không thực hiện triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật; không thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô tại cơ sở đã được đánh giá, xác nhận; vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan đến bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô… thì bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô của cơ sở sản xuất, thương nhân nhập khẩu.

Cũng theo Thông tư này, các giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô đã được cấp trước ngày 01/08/2012 vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2012.

Quy định phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 95/2012/TT-BTC ngày 08/06/2012 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản.

Theo đó, một số mức phí đối với Báo cáo điều tra, tìm kiếm, đánh giá, thăm dò khoáng sản được quy định như sau: Văn bản thẩm định, phê duyệt báo cáo là 7.500 đồng/trang A4; Kết quả phân tích mẫu các loại là 7.500 đồng/trang A4; Tính trữ lượng - tài nguyên 23.000 đồng/trang A4. Đối với các bản vẽ, bản đồ mức phí là: Bản đồ địa chất và khoáng sản khu vực 96.000 đồng/bản vẽ; Bản đồ tài liệu thực tế thi công 124.000 đồng/bản vẽ; Bản đồ bố trí công trình và Bản đồ địa chất và khoáng sản mỏ, điểm quặng là 260.000 đồng/bản vẽ...

Thông tư cũng quy định cụ thể về mức phí đối với các Báo cáo đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản; Báo cáo địa chất đô thị; Báo cáo Địa chất thủy văn - Địa chất công trình; Báo cáo Địa vật lý; Tài liệu quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

Cơ quan thu phí được giữ lại 60% số tiền thu phí hàng năm để trang trải cho việc thu phí như: Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí; Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí; Chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, máy móc, thiết bị phục vụ trực tiếp cho thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí; Chi khen thưởng, phúc lợi...

Toàn bộ số tiền phí được trích theo quy định trên đây, cơ quan thu phí phải sử dụng đúng mục đích, có chứng từ hợp pháp theo chế độ quy định và quyết toán năm; nếu sử dụng không hết thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2012.

Từ 01/08, phải quan trắc chung cư trong quá trình sử dụng

Ngày 12/06/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2012/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung về bảo trì công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo đó, các công trình có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng hay các dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ công trình và các công trình nhà ở, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng như: Chung cư, trường học, bệnh viện, sân vận động, nhà thi đấu, trung tâm thương mại, trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, đài nước, kho, nhà xưởng…bắt buộc phải được quan trắc trong quá trình khai thác sử dụng từ ngày 01/08/2012.

Các bộ phận công trình cần được quan trắc là hệ kết cấu chịu lực chính của công trình mà khi bị hư hỏng có thể dẫn đến sập đổ công trình như: Dàn mái không gian, hệ khung chịu lực chính của công trình, khán đài sân vận động, ống khói, si lô...

Việc quan trắc công trình trong quá trình khai thác, sử dụng phải thực hiện theo phương án quan trắc do nhà thầu quan trắc lập và được người có trách nhiệm bảo trì công trình phê duyệt. Phương án quan trắc phải quy định về phương pháp đo, các thiết bị đo, sơ đồ bố trí và cấu tạo các dấu mốc, tổ chức thực hiện, phương pháp xử lý số liệu đo và các nội dung cần thiết khác.

Thông tư cũng quy định nhà thầu quan trắc phải lập và báo cáo người có trách nhiệm bảo trì về kết quả quan trắc, trong đó các số liệu quan trắc phải được đánh giá so sánh với giá trị giới hạn do nhà thầu thiết kế xây dựng công trình quy định, tiêu chuẩn có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2012.

Phụ cấp trách nhiệm nghề thi hành án cao nhất 30%

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 27/2012/QĐ-TTg ngày 11/06/2012 quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Chấp hành viên, Công chứng viên, Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án.

Theo đó, chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề tính theo tỷ lệ % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Mức phụ cấp này được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng; không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Trong đó, mức phụ cấp 15% áp dụng đối với Thẩm tra viên cao cấp thi hành án và Công chứng viên; mức 20% áp dụng đối với Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên chính thi hành án, Thư ký thi hành án và Thư ký trung cấp thi hành án; Chấp hành viên trung cấp và Thẩm tra viên thi hành án được nhận phụ cấp 25%; riêng Chấp hành viên sơ cấp, mức phụ cấp này là 30%.

Cũng theo quy định tại Quyết định này, thời gian không được tính hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề gồm: Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài được hưởng 40% tiền lương; thời gian được cử đi học trong nước liên tục từ 03 tháng trở lên; thời gian nghỉ việc không lương liên tục từ 01 tháng trở lên; thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội và thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.

Các mức phụ cấp trách nhiệm theo nghề này được áp dụng chính thức kể từ ngày 01/08/2012; Quyết định này thay thế các Quyết định số 233/2005/QĐ-TTg ngày 26/09/2005 và số 86/2007/QĐ-TTg ngày 11/06/2007.

Thành lập thành phố phát triển KT-XH phải được Thủ tướng Chính phủ thông qua

Ngày 15/06/2012, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 02/2012/TT-BNV hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 62/2011/NĐ-CP ngày 26/07/2011 của Chính phủ về thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn.

Theo quy định tại Thông tư này, trước khi tiến hành lập hồ sơ thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn để đáp ứng yêu cầu quản lý lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia hoặc quản lý, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại các khu vực trọng điểm quốc gia, UBND cấp tỉnh phải được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Trình tự thành lập và thẩm định hồ sơ thành lập các thành phố này được tiến hành tương tự đối với thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn thông thường.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể các tiêu chuẩn chức năng đô thị, quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế, hệ thống các công trình hạ tầng đô thị, thời gian xây dựng đồng bộ để thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2012.

6 điều kiện hoạt động trường mầm non dân lập

Ngày 15/06/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 21/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập.

Theo đó, nhà trường, nhà trẻ dân lập được phép hoạt động giáo dục khi đáp ứng đủ 06 điều kiện sau: Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quy định của pháp luật; Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Có tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ em; Có quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập và có quy chế tổ chức, hoạt động và chi tiêu nội bộ của trường.

Ngoài ra, nhà trường, nhà trẻ dân lập còn phải bảo đảm các yêu cầu về công trình xây dựng; phòng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em; yêu cầu về thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu; sân vườn và các yêu cầu khác. Cụ thể như: Phải được đặt tại khu dân cư phù hợp quy hoạch chung, thuận lợi cho trẻ em đến trường, lớp; bảo đảm các quy định về an toàn và vệ sinh trường học; khuôn viên của nhà trường, nhà trẻ phải có tường bao ngăn cách với bên ngoài, có cổng bảo đảm an toàn cho trẻ em; tên nhà trường, nhà trẻ; biển tên nhà trường, nhà trẻ dân lập thực hiện theo qui định của pháp luật…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/08/2012

Tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản tại Việt Nam phải treo cờ Việt Nam 

Ngày 20/06/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản.

Theo quy định tại Nghị định này, tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam ngoài việc phải có Giấy phép hoạt động thủy sản còn phải có Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện do Cục Tần số vô tuyến điện cấp và phải treo cờ Việt Nam song song với cờ quốc gia của tàu đó trong suốt quá trình hoạt động từ ngày 10/08/2012.

Cũng theo Nghị định này, tàu cá nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng 03 điều kiện sau: Tuổi của tàu không quá 08 tuổi (tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu), máy chính của tàu không quá 02 năm so với tuổi tàu (đối với tàu cá đã qua sử dụng); Tàu cá có nguồn gốc hợp pháp; Tàu vỏ thép, có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Riêng đối với những tàu cá đã qua sử dụng, phải được cơ quan đăng kiểm tàu cá đăng kiém trước khi đưa tàu về Việt Nam.

Các điều kiện này không áp dụng đối với trường hợp tàu cá do Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài viện trợ cho Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/08/2012.

5 ngân hàng được phép cho vay hỗ trợ lãi suất đối với nông, thủy sản

Ngày 22/06/2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 22/2012/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Theo đó, 05 ngân hàng được thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Các ngân hàng nêu trên được áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất trong khung lãi suất của ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn trong cùng thời kỳ.

Mức hỗ trợ lãi suất vẫn được thực hiện như trước đây. Cụ thể, khoản vay được hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 02 năm đầu, từ năm thứ 03 trở đi được hỗ trợ 50% lãi suất vay. Việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện theo thời gian vay thực tế của khách hàng và chỉ áp dụng đối với các khoản vay trả nợ trước hoặc đúng hạn tại thời điểm hỗ trợ lãi suất; khoản vay quá hạn không được hỗ trợ lãi suất kể từ thời điểm khoản vay phải chuyển sang nợ quá hạn.

Thông tư này thay thế Thông tư số 03/2011/TT-NHNN ngày 08/03/2011 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/08/2012.

Ban hành danh mục thức ăn chăn nuôi cấm nhập khẩu ở Việt Nam

Ngày 25/06/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT ban hành danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam.

Danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cấm nhập khẩu bao gồm 4.250 loại thức ăn chăn nuôi chưa có quy chuẩn kỹ thuật và 14 thức ăn chăn nuôi đã có quy chuẩn kỹ thuật như thóc, gạo, lúa mì và sản phẩm lúa mì… Các lọi thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm nhập khẩu này phải được tiến hành kiểm tra chất lượng theo quy định hiện hành của pháp luật.

Ngoài ra, Thông tư cũng ban hành danh mục thức ăn tạm thời sản xuất trong nước như thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dùng cho heo, vịt… của các công ty: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang; Công ty Liên doanh trách nhiệm hữu hạn (TNHH) ANOVA; Công ty TNHH Dinh dưỡng Âu Châu; Công ty TNHH Bayer Việt Nam; Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Đa Thành…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/08/2012

Hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với 8 thiết bị giảm tốn thất sau thu hoạch

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BNNPTNT ngày 28/06/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục các loại máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Danh mục 08 máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được hỗ trợ lãi suất vốn vay qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm: Các loại máy làm đất; Các loại máy gieo hạt, máy cấy; Máy sàng, máy trộn, máy đưa phân bón vào vỉ xốp để gieo hạt, hệ thống tưới phun tự động; Hệ thống tủ cấp đông, tủ bảo quản, hầm bảo quản sản phẩm; Hệ thống sấy nông sản, thủy sản; Máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất giống thủy sản; Các loại máy thu hoạch, máy đốn, hái chè, máy tuốt đập lúa; Máy nạo, hút bùn; máy móc, thiết bị tạo khí ô xy phục vụ nuôi trồng thuỷ sản; Các loại máy xới, máy vun luống, máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu, máy bơm nước.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành danh mục 11 máy móc, thiết bị được áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển theo quy định hiện hành như: Dây chuyền chế biến hồ tiêu; máy tách vỏ cứng và xát vỏ lụa nhân điều; dây chuyền chọn và xử lý hạt giống lúa, rau quả; dây chuyền chế biến chè…

Các tổ chức, cá nhân chế tạo máy móc, thiết bị nêu trên có trách nhiệm tự xác định giá trị sản xuất trong nước đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định và công bố.

Thông tư này thay thế Thông tư số 62/2010/TT-BNNPTNT ngày 28/10/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2012.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 1.163