Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Chủ động phòng trừ bệnh chết cây con (lở cổ rễ) trên cây lạc
Ngày cập nhật 25/02/2023

Năm 2023, kế hoạch diện tích trồng cây lạc trên địa bàn thị xã Hương Trà khoảng 680ha, đến nay trồng được khoảng 560ha ở các HTX, lạc giai đoạn mới trồng đến cây con. Vừa qua do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều ngày 14/2 đến sáng ngày 16/02/2023 trên địa bàn thị xã có mưa to, trong đợt mưa lớn này đã gây ngập úng nhiều diện tích lạc. Dự báo sau khi hết ngập úng bệnh lỡ cổ rễ gây hại rải rác trên nhiều diện tích này. Vì vậy trong thời gian đến bà con nên chủ động phòng trừ một số bệnh cho cây lạc, đặc biệt là bệnh chết cây con (lở cổ rễ) cây lạc. Để phòng trừ hiệu quả bệnh này xin hướng dẫn bà con nhận biết bệnh và cách phòng trừ như sau:

* Triệu chứng bệnh:

Cây con bị nhiễm bệnh thì ở chỗ cổ rễ gần mặt đất có vết thâm, sau đó cổ rễ bị thối đen, teo lại, cây bị đổ ngã và héo chết. Cây lớn cũng có thể bị nấm xâm nhập vào rễ chính, sau đó lan sang các rễ phụ làm cả bộ rễ bị thối, cây sinh trưởng kém dần rồi héo chết.

* Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển:

Bệnh chết cây con thường do nấm Rhizoctonia solani gây ra là chính. Bệnh thường phát sinh phát triển trong các vùng trồng lạc và các cây rau màu. Hạt giống, cây giống mang mầm bệnh và chưa được xử lý trước gieo trồng. Đất trồng có nhiều tàn dư bệnh vụ trước, đất ít mùn và  thấp trũng, ẩm ướt, và có nhiều loài sâu hại sống trong đất như bọ nhảy sọc cong thì bệnh cũng dễ phát sinh phát triển mạnh.

* Những biện pháp quản lý có hiệu quả:

Nguyên tắc là cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp:

Phòng cây bị bệnh lở cổ rễ bằng cách xử lý hạt giống bằng thuốc trừ nấm là biện pháp phòng trừ bệnh chủ yếu.

 - Vệ sinh tàn dư cây vụ trước. Nếu vườn thường bị hại, cần xử lý đất trước khi trồng ví dụ bón vôi bột. Cày đất phơi ải nếu có điều kiện trước khi trồng.

- Lên luống cao để đất và vườn được thông thoáng tránh để đất quá ẩm hoặc đọng nước.

- Bón lót phân chuồng đã được ủ với nấm đối kháng Trichoderma để đất được tơi xốp, thoát nước. Hoặc sử dụng các loại phân vi sinh có chứa nấm đối kháng.

- Sử dụng giống kháng bệnh, giống đã được xử lý trước gieo trồng. Sử dụng hạt giống khỏe ở cơ sở tin cậy để hạn chế nguồn bệnh.

- Khi chăm sóc, tránh làm sây sát và làm đứt rễ.

- Tưới tiêu nước thật tốt, nên tưới theo rãnh, không tưới lên mặt luống, hạn chế để ruộng quá ẩm. Không để chế độ nước thay đổi đột ngột dễ làm đứt rễ. Tránh để nước từ vườn khác chảy tràn vào ruộng lạc.

Trường hợp ruộng bị bệnh, bà con cần sớm phát hiện và nhổ bỏ cây bệnh, rồi tưới nước vôi bột 4% vào đất nơi gốc cây bệnh nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh; thu gom đốt cây bệnh còn lại trên ruộng hoặc đào hố vùi sâu.

Về biện pháp hóa học, bà con cần phun và tưới gốc phòng ngừa bằng một trong các loại thuốc Anvil5SC, Monceren 250SC, Vilaxyl 35WP, Mataxyl 500WP, Ridomil gold 68WG, Vimonyl 72WP,… đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng. Phun lại lần 2 sau 5-7 ngày nếu bệnh đã nặng. Chú ý do tác nhân gây bệnh ở trong đất nên cần phun kỹ ướt đẫm lá và gốc cây.

Thị Kỳ - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 17.580