Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Thông báo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại lúa từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2022 - 2023
Ngày cập nhật 20/04/2023

Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, toàn thị xã gieo cấy khoảng 1.700ha lúa, đến nay đã trổ cơ bản xong, còn khoảng 60ha sẽ tiếp tục trổ trong 3-5 ngày tới (Đông Toàn, Tây Toàn và rải rác ở Văn Xá Đông). Nhìn chung thời tiết thuận lợi nên lúa sinh trưởng phát triển khá tốt. Các đối tượng sinh vật gây hại trên đồng ruộng như: Bệnh lem lép hạt bắt đầu gây hại trên trà đầu, diện tích nhiễm khoảng 120ha, trong đó nhẹ 100ha, trung bình 20ha; bệnh khô vằn gây hại gia tăng, diện tích nhiễm khoảng 700ha, trong đó nhẹ 500ha, trung bình 200ha; bệnh đạo ôn cổ bông gây hại rải rác trên trà đầu; rầy nâu bắt đầu phát sinh gây hại, mật độ phổ biến thấp, cục bộ nơi cao khoảng 1.500 con - 3.000 con/m2, rầy tuổi 1- 3, tập trung ở Hương Toàn, Hương Văn; sâu cuốn lá nhỏ lứa gối tiếp tục nở. Các đối tượng sinh vật khác như bệnh đốm nâu, sâu cắn gié, chuột,... gây hại rải rác, mật độ và tỷ lệ hại thấp.

Theo dự báo Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên Huế, trong tháng 4/2023 chịu ảnh hưởng của 1-2 đợt không khí lạnh tăng cường với cường độ yếu, xen kẽ có các đợt nắng nóng, chiều và tối có mưa dông, tạo điều kiện nóng ẩm thuận lợi cho các đối tượng sinh vật hại tích lũy, gia tăng mật độ, tỷ lệ hại như: rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt,… trên cây lúa nếu không tích cực chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng trừ.

Thực hiện Công văn số 137/TTBVTV-BVTV ngày 14/04/2023 của Chi Cục Trồng trọt và BVTV Thừa Thiên Huế về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lúa từ nay đến cuối vụ Đông Xuân 2022-2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đề nghị UBND các xã, phường, các HTXNN tập trung chỉ đạo một số nội dung như sau:

1. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính như:

- Rầy các loại sẽ tiếp tục nở và gia tăng mật độ trên đồng ruộng, nhất là trên các giống nhiễm, các vùng bị rầy gây hại nặng hàng năm, cần chủ động phun trừ nơi có mật độ cao (> 1.500 con/m2) bằng các loại thuốc như Chess 50WG, Cheestar 50WG, Sagometro 50WG,...

-  Bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt lúa sẽ tiếp tục gây hại, theo dõi và phun phòng trên diện tích trà muộn chuẩn bị trổ, hoặc những diện tích đã phun nhưng gặp mưa những ngày vừa qua bằng các loại thuốc như Beam 75WP, Vibimzol 75WP, Trizole 75WG/400SC,… kết hợp với thuốc phòng bệnh lem lép hạt như TiltSuper 300EC, Sagograin 300EC, Anvil 5SC, AmistarTop 325SC,...

- Bệnh khô vằn: Phun trừ khi bệnh mới chớm phát sinh gây hại, đặc biệt các chân ruộng gieo cấy dày, thấp trũng, tù đọng nước,... bằng các loại thuốc như  Validacin 5L, Vivadamy 5WP, Saizole 5SL, Vivil 5SC, Nevo 330EC, … kết hợp vệ sinh bờ ruộng sạch sẽ hạn chế bệnh lây lan.

- Ngoài ra, cần theo dõi để phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa gối trên diện tích lúa trà muộn đang chuẩn bị trổ, nơi có mật độ cao (>20 con/m2) bằng các loại thuốc như Dylan 2EC, Virtako 300SC, Comda gold 5WG, Map Winner 5WG,…

Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”; thu gom bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng và để đúng nơi quy định góp phần bảo vệ môi trường.

2. Chuẩn bị phương án chống hạn cuối vụ, nhất là vùng cao, vùng không chủ động nước. Hướng dẫn nông dân điều tiết nước hợp lý để cây lúa phát triển tốt, khuyến cáo nông dân chỉ rút nước trước khi thu hoạch 7-10 ngày.

Trên đây là một số đối tượng sâu bệnh chính gây hại trên cây lúa từ nay đến cuối vụ Đông Xuân, đề nghị UBND các phường, xã, các HTXNN tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả./.

Phước Lễ - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 19.817