Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Chủ động phòng, chống bão, lũ lụt, đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa mưa bão
Ngày cập nhật 17/10/2023

Hiện nay, thời tiết đã vào mùa mưa, bão; theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết trong thời gian tới có nhiều diễn biến phức tạp, có thể xảy ra nhiều đợt mưa bão, lũ lụt, rét đậm, rét hại kéo dài làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Để chủ động ứng phó, phòng chống bão, lũ lụt, đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân; Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan, người chăn nuôi thực hiện tốt các nội dung sau:

1. UBND các phường, xã

- Liên tục cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc ứng phó, phòng, chống bão, lũ, đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi.

- Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi gia cố chuồng trại, giảm đàn đối với các hộ chăn nuôi không chủ động đủ nguồn thức ăn dự trữ, các hộ trong vùng thấp trũng,… trước khi xảy ra bão, lũ. Đối với các hộ cố tình không chấp hành thực hiện các hướng dẫn, sẽ không được hưởng hỗ trợ khi bị thiệt hại do lũ lụt, đói rét và dịch bệnh.

- Hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn (rơm khô, rơm cuộn), đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh bột, vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi.

- Nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi thời tiết mưa lớn kèm nhiệt độ xuống thấp. Trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài và có rét đậm, rét hại phải đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát, giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, sử dụng các vật dụng sẵn có như: chăn, áo, bao tải gai đã cũ để mặc giữ kín, giữ ấm cho trâu bò.

 - Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp xảy ra ngập úng, di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn; khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.

2. Trạm Chăn nuôi và Thú y

- Phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND các xã, phường tổ chức triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện kịp thời, xử lý không để lây lan ra diện rộng, đặc biệt đối với các bệnh lở mồm long móng gia súc, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, tai xanh và dịch tả lợn Châu Phi.

- Tăng cường đốc thúc việc tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao.

- Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các cơ sở giết mổ, nơi tập trung mua bán động vật và sản phẩm động vật, các khu vực có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

- Dự phòng đủ các loại hoá chất tiêu độc khử trùng, vắc xin,... để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nếu có dịch bệnh xảy ra.

- Phổ biến kinh nghiệm phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng chống rét và phương án bảo vệ vật nuôi trong mùa mưa rét.

3. Người chăn nuôi: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của không khí lạnh, bão, lũ kịp thời, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để biết, không chủ quan và bị động trong việc ứng phó, phòng, chống.

Phòng Kinh tế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 21.286