Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2012 (tiếp theo)
Ngày cập nhật 15/10/2012

Những văn bản có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2012 với các nội dung:  Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề; Năm 2015, 70% huyện đảo được hỗ trợ cơ sở vật chất ứng phó dịch bệnh ; Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình ra toàn cầu; Đầu tư 1.730 tỷ đồng đưa thông tin về cơ sở miền núi; Điều kiện kinh doanh tạm nhập tái xuất rượu, bia; Năm 2013, hoàn thành Luật sửa đổi Luật Đầu tư 2005; Giảm 2% thuế nhập khẩu dầu nhiên liệu; Năm 2020, 65% lao động ngành xây dựng đã qua đào tạo; Bãi bỏ 28 thủ tục hành chính lĩnh vực luật sư; Sẽ bổ sung chế độ bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới; Danh mục 20 trang thiết bị thiết yếu trên xe ôtô cứu thương; Bãi bỏ 4 thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn lao động; Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá bán điện

Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề

Đây là mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 02/09/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 – 2015.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặt biệt nghiêm trọng qua việc điều ra, đánh giá, xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm, xây dựng phương án xử lý và cải thiện môi trưởng, cụ thể: Đối với các làng nghề phải xử lý theo hướng vẫn duy trì hoạt động cần xem xét, hỗ trợ một phần cho viêc xử lý chất thải; Đối với các làng nghề có những công đoạn sản xuất cần phải di dời vào những khu sản xuất vào khu tập trung, cần hoàn thiện quy hoạch, hỗ trợ chuyển đổi sang ngành nghề không gây ô nhiễm…

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu phải cải thiện và phục hồi môi trường đối với 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặt biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra; triển khai, thực hiện 100% các dự án thu gom, xử lý nước thải từ đô thị loại II trở lên, xả  trực tiếp ra 03 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai.

Cũng theo Quyết định này, Chương trình sẽ dành tổng mức vốn là 5.863 tỷ đồng được huy động từ Ngân sách Trung ương, địa phương, vốn vay ODA và vốn vay các tổ chức kinh tế - xã hội khác nhằm thực hiện 03 dự án tương ứng với từng nhiệm vụ trên.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Năm 2015, 70% huyện đảo được hỗ trợ cơ sở vật chất ứng phó dịch bệnh

Ngày 04/09/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 - 2015.

Chương trình bao gồm 05 dự án về phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng; tiêm chủng mở rộng; chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; quân dân y kết hợp, với mục đích sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp, phấn đấu đến năm 2015, có 70% các huyện đảo được hỗ trợ về kỹ thuật và cơ sở vật chất; 100% cơ sở y tế khu vực biên giới, hải đảo được sửa chữa, nâng cấp; 70% bác sĩ được đào tạo khám, chuẩn đoán và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản ở các tỉnh tham gia dự án…

Cơ chế quản lý và điều hành Chương trình này được thực hiện theo quy định về quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định hiện hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, đồng thời có giải pháp về cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. 

Mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình ra toàn cầu

Đây là một trong những mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Quyết định số 1209/QĐ-TTg ngày 04/09/2012 phê duyệt Quy hoạch phát thanh, truyền hình đối ngoại đến năm 2020.

Ngoài mục tiêu đến năm 2020, mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình ra toàn cầu; kết hợp có hiệu quả các phương thức truyền dẫn, phát sóng và tận dụng mọi thiết bị đầu cuối theo xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ để bảo đảm tính kinh tế, hợp lý, tiết kiệm trong đầu tư phát triển phát thanh, truyền hình đối ngoại, Thủ tướng còn đặt ra một số chỉ tiêu phát triển đối với hoạt động phát thanh, truyền hình đối ngoại. Cụ thể, bảo đảm 01 kênh phát thanh đối ngoại quốc gia với thời lượng tự sản xuất đạt 24 giờ/ngày; bảo đảm các kênh chương trình phát thanh, truyền hình đối ngoại được chuyển tải trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng của các nhà cung cấp bản địa tại khoảng 25 - 30 quốc gia ở các địa bàn trọng điểm về thông tin đối ngoại…

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề ra một số giải pháp cụ thể như: Thúc đẩy số hóa và đổi mới công nghệ từ khâu sản xuất, dựng, truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đối ngoại để có chất lượng đạt chuẩn khu vực và quốc tế; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư đổi mới và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, xây dựng nội dung chương trình đối ngoại, cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng cho các cơ quan chuyên trách làm công tác phát thanh, truyền hình đối ngoại; khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị, địa phương, huy động các nguồn lực của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước để phát triển một số hoạt động phát thanh, truyền hình đối ngoại…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Đầu tư 1.730 tỷ đồng đưa thông tin về cơ sở miền núi

Ngày 05/09/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1212/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015.

Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được thực hiện trên phạm vi địa bàn 62 huyện nghèo và 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định cho huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới; xã an toàn khu và các huyện, xã miền núi, vùng cao khác từ năm 2012 đến hết năm 2015, với tổng kinh phí ước tính là 1.730 tỷ đồng được đảm bảo từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Chương trình bao gồm 03 dự án về tăng cường cán bộ; cơ sở vật chất và nội dung thông tin và truyền thông cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cụ thể như: Hỗ trợ thiết lập khoảng 12 cụm thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế, cụm đảo và biên giới; nâng cấp ít nhất 340 đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát thanh, truyền hình để xóa vùng trắng, vùng lõm sóng phát thanh, truyền hình và đảm bảo chất lượng tín hiệu sóng phát thanh, truyền hình; tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho ít nhất 11.400 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều kiện kinh doanh tạm nhập tái xuất rượu, bia

Ngày 07/09/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, quy định thương nhân phải hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc TNTX hàng hóa tối thiểu là 02 năm kể từ ngày thành lập mới được kinh doanh TNTX, chuyển khẩu mặt hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuộc lá điếu, xì gà.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng công bố một số quy định đối với hoạt động kinh doanh TNTX, chuyển khẩu hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt (rượu, bia, thuốc lá điếu, xì gà) và hàng hóa kinh doanh TNTX theo giấy phép của Bộ Công Thương. Cụ thể, Thương nhân phải thông báo kế hoạch giao hàng, nhận hàng và các chi tiết liên quan đến lô hàng tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu cho cơ quan cấp phép, hải quan và cảng vụ tối thiểu là 07 ngày trước khi hàng về đến cảng Việt Nam; phải ký quỹ đặt cọc tối thiểu 05 tỷ đồng để xử lý môi trường và tiêu hủy hàng tồn đọng không tái xuất được, hàng tạm nhập không đúng với khai báo thuộc diện bị xử lý tiêu hủy.

Cũng theo Chỉ thị này, thời gian hàng hóa tạm nhập được lưu tại Việt Nam không quá 45 ngày và chỉ được gia hạn 01 lần tối đa 15 ngày. Hết thời hạn này thương nhân buộc phải tái xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày qua cửa khẩu tạm nhập, không cho phép qua các cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập. Trường hợp không tái xuất được thì tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật.

Năm 2013, hoàn thành Luật sửa đổi Luật Đầu tư 2005

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa giai đoạn 2011 - 2015.

Tại Quyết định này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2013, hoàn thành các Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2005 theo hướng không phân biệt thành phần kinh tế, đảm bảo tách bạch các quy định về hoạt động đầu tư với các hoạt động về thành lập, tổ chức quản lý DN và Luật DN năm 2005 theo hướng cải thiện các quy định pháp lý về thủ tục hành chính liên quan tới đăng ký DN, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi Luật DN năm 2005 theo lộ trình phù hợp với cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như: Áp dụng luật chuyên ngành trong trường hợp đặc thù, định giá tài sản góp vốn, đăng ký tăng giảm vốn điều lệ với công ty cổ phần…; bổ sung các quy định liên quan đến khâu cấp phép quản lý, kiểm soát vốn điều lệ nhằm tăng cường công tác quản lý đối với các DN nhỏ và vừa…

Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu đến năm 2015, tỷ trọng kinh ngạch xuất khẩu của khu vực DN nhỏ và vừa chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và tạo thêm khoảng 3,5 - 04 triệu chỗ làm việc mới cho người lao động, Thủ tướng cũng đề ra một số nhiệm vụ chủ yếu cho các cơ quan, ban ngành có liên quan. Cụ thể như: Tạo bước đột phá để DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay cho DN nhỏ và vừa; cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, tăng cường bảo vệ môi trường thông qua việc lập và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Giảm 2% thuế nhập khẩu dầu nhiên liệu

Ngày 11/09/2012, Bộ Tài chính đã ra Thông tư số 148/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Theo đó, nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh giảm 2% mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 ban hành tại Thông tư số 109/2012/TT-BTC ngày 03/07/2012, cụ thể: Mức thuế suất đối với nhiên liệu diesel dành cho ôtô và các loại diesel khác giảm còn 8%; các loại dầu nhiên liệu, bao gồm dầu hỏa và dầu madút, nhiên liệu động cơ máy bay (nhiên liệu phản lực) và các kerosine khác sẽ được áp mức thuế mới là 10%. Riêng các mặt hàng xăng động cơ (từ RON 90 đến RON 97), thuế nhập khẩu vẫn áp dụng ở mức 12% .

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/09/2012 và thay thế Thông tư số 109/2012/TT-BTC ngày 03/07/2012.

Năm 2020, 65% lao động ngành xây dựng đã qua đào tạo

Đây là một trong những mục tiêu Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đề ra tại Quyết định số 838/QĐ-BXD ngày 13/09/2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành xây dựng giai đoạn 2011 - 2020.

Cụ thể, đến năm 2020, lao động ngành xây dựng đạt mức 65% đã qua đào tạo, trong đó có 0,07% có trình độ sau đại học, 2,64% có trình độ đại học, 1,63% có trình độ cao đẳng, 17,73% có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, 43,33% đã qua đào tạo nghề và khoảng 50 - 50% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân lực đã qua đào tạo được bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc…

Để hoàn thành tốt những mục tiêu nêu trên, Thủ tướng đã chỉ ra những giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành xây dựng giai đoạn 2011 - 2020, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo pháp luật về phát triển nhân lực; đổi mới phương pháp quản lý, cải tiến và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, tạo sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thống nhất trong việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân lực ngành xây dựng; mở thêm các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại các địa phương, doanh nghiệp; nâng cấp các trường cao đẳng thành các trường đại học khu vực, ưu tiên phát triển 02 trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thành các trung tâm đào tạo cán bộ đại học và sau đại học ngang tầm khu vực và quốc tế…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bãi bỏ 28 thủ tục hành chính lĩnh vực luật sư

Ngày 14/09/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 2536/QĐ-BTP công bố thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật và bán đấu giá tài sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.

Ngoài việc bãi bỏ 28 TTHC trong lĩnh vực luật sư (Thủ tục công nhận Giấy chứng nhận đào tạo nghề luật sư do cơ quan, tổ chức ở nước ngoài cấp; thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp không còn thường trú tại Việt Nam, trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong Quân đội nhân dân…), Thông tư cũng bãi bỏ 05 TTHC khác, trong đó có 04 TTHC thuộc lĩnh vực tư vấn pháp luật và 01 TTHC lĩnh vực bán đấu giá tài sản, như: Thủ tục đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật; đăng ký hoạt động của Chi nhánh Trung tâm tư vấn pháp luật; thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh Trung tâm pháp luật; cấp thẻ tư vấn viên pháp luật và thủ tục cấp thẻ đấu giá viên.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng ban hành 46 TTHC mới ban hành, sửa đổi và bổ sung trong lĩnh vực luật sư, tư vấn, pháp luật, bán đấu giá tài sản, trong đó có 23 TTHC cấp tỉnh và 23 TTHC cấp Trung ương. Cụ thể như: Thủ tục giải thể Liên đoàn luật sư Việt Nam; hợp nhất và sáp nhập công ty luật nước ngoài; cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Sẽ bổ sung chế độ bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới

Ngày 18/09/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2330/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp thị trường bảo hiểm Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã xác định một số nhiệm vụ chủ đạo làm căn cứ triển khai thực hiện cho giai đoạn 2011 - 2015. Cụ thể, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ bảo hiểm bắt buộc về trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới và cháy, nổ cho phù hợp hơn với điều kiện và thực tiễn phát triển kinh tế; xây dựng và ban hành quy tắc, điều khoản, biểu phí về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm nghề nghiệp môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật; xóa bỏ hiện tượng khép kín, chia cắt thị trường bảo hiểm thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm vốn có của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp bảo hiểm khác; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm…

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung công việc nêu trên phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản như: Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp thực hiện đã được xác định; tập trung giải quyết các vấn đề cần ưu tiên thực hiện trước trong giai đoạn 2011-2015, củng cố nền tảng sẵn có và xây dựng tiền đề mới tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Danh mục 20 trang thiết bị thiết yếu trên xe ôtô cứu thương

Ngày 18/09/2012, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 3385/QĐ-BYT ban hành Danh mục Vali thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu, thuốc thiết yếu và trang thiết bị thiết yếu trang bị cho 01 kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ôtô cứu thương.

20 trang thiết bị thiết yếu trang bị trên xe ôtô cứu thương cho 01 kíp cấp cứu ngoại viện bao gồm: 04 thiết bị thông khí và dụng cụ hỗ trợ hô hấp; 03 thiết bị cấp cứu tim mạch; 03 dụng cụ cố định; 02 trang thiết bị dùng để kiểm soát nhiễm khuẩn và 08 thiết bị, dụng cụ khác như: Bơm tiêm tự động; chăn ủ ấm cho bệnh nhân; cáng gấp; máy đo đường máu mao mạch…

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành Danh mục Vali thuốc cấp cứu, Vali dụng cụ cấp cứu và danh mục 92 thuốc, vật tư y tế thiết yếu trang bị trên xe ôtô cứu thương cho 01 kíp cấp cứu ngoại viện, trong đó có 03 loại thuốc dùng ngoài sát trùng; 02 loại thuốc nhỏ mắt; 07 dịch truyền…

Các Sở Y tế tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện có giường trực thuộc Bộ Y tế, bênh viện các Bộ/ngành có trách nhiệm trang bị đủ Danh mục Vali cấp cứu, Vali dụng cụ cấp cứu, danh mục thuốc thiết yếu và trang thiết bị thiết yếu trang bị trên xe ôtô cứu thương cho 01 kíp cấp cứu ngoại viện để phục vụ các sự kiện đúng mục đích, hiệu quả và đúng quy định hiện hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bãi bỏ 4 thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn lao động

Ngày 20/09/2012, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1297/QĐ-LĐTBXH công bố thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành, bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

04 TTHC bị bãi bỏ thuộc lĩnh vực an toàn lao động, bao gồm 03 TTHC cấp Trung ương về đăng ký thực hiện chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động đang làm các công việc có tính thời vụ và gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng; giải quyết chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố độc hại, nguy hiểm; đăng ký kiểm định các máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và 01 TTHC cấp tỉnh về thủ tục cấp thẻ an toàn lao động.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng ban hành mới Danh mục 02 TTHC cấp tỉnh thuộc lĩnh vực an toàn lao động, cụ thể như: Thủ tục gửi biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đến thanh tra Sở Lao động - Thương binh và xã hội, cơ quan bảo hiểm tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của cơ sở (nếu có); Thủ tục gửi báo cáo tổng hợp tình hình lao động.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá bán điện

Ngày 26/09/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.

Nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Tài chính và Công Thương tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 như: Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới; điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện thực hiện theo hướng bảo đảm giá thành toàn bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành than, bảo đảo ổn định việc làm và đời sống người lao động…

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát giá như: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục, giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá…; điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, quản lý tỷ giá, vàng; tích cực tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn; thực hiện rà soát các định mức kinh tế - kỹ thuật, đổi mới công nghệ và tiết giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành, giảm áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ…

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 11.688