Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn
Ngày cập nhật 14/02/2023

Năm 2023, thị xã Hương Trà trồng khoảng 600ha sắn, chủ yếu giống KM94. Hiện đã trồng được khoảng 170ha. Nguồn giống trồng chủ yếu tại địa phương, một phần nhỏ diện tích trồng bà con mua từ Gio Linh, Quảng Trị.

Những năm qua , bệnh Khảm lá đã gây hại thành dịch làm giảm năng suất và chất lượng một cách trầm trọng, gây thiệt hại kinh tế lớn cho bà con nông dân.

Đến nay, mặc dù sắn mới mọc mầm nhưng bệnh đã xuất hiện và gây hại trên khoảng 05ha ở hợp tác xã Văn Xá Tây và Tây Xuân. Trước nguy cơ bệnh bùng phát trở lại, chúng tôi xin giới thiệu và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh Khảm lá Sắn.

Bệnh do virus Sri Lanka Cassava Mosaic gây ra. Bọ phấn trắng là môi giới lây lan bệnh này.

Bọ trưởng thành rất nhỏ. Toàn thân và cánh được phủ bởi một lớp phấn màu trắng. Bọ non màu vàng nhạt, khi mới nở có chân, bò dưới mặt lá, rồi ở cố định một chỗ dưới mặt lá. Cả ấu trùng và thành trùng đều chích hút nhựa cây làm chết mô lá và tiết nước bọt làm lan truyền mầm bệnh khảm lá sắn.                   

Bọ phấn trắng gây hại trên lá sắn

Ấu trùng bọ phấn trắng

Triệu chứng và tác hại của bệnh khảm lá sắn

Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết là lá sắn khảm vàng loang lổ. Mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm.                                           

Cây sắn bị bệnh (sau trông 1 tháng)

Lá sắn bị bệnh khảm lá nặng

Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và không cho thu hoạch; khi cây sắn còn non bị nhiễm virus cũng không cho thu hoạch; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn biểu hiện bệnh nhưng nhẹ hơn, làm năng suất, chất lượng giảm.

Bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn, từ mới mọc mầm cho đến thu hoạch.

Cơ chế lan truyền bệnh: qua 2 con đường

Qua hom giống: Virus tồn tại trong thân, lá, củ sắn. Khi lấy thân làm giống cho vụ sau thì virus sẽ tiếp tục nhân lên trong hom giống và làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm.

Qua môi giới: Bọ phấn trắng chích hút trên cây sắn bị bệnh sẽ hút cả virus vào cơ thể, khi chích hút trên cây khỏe sẽ truyền virus sang làm cây bị bệnh.

Biện  pháp phòng trừ

Không lấy cây sắn trong vùng đã bị bệnh để trồng. Không trồng sắn gần các vùng trồng cây ký chủ của bọ phấn như cà chua, cà pháo, bầu bí, ớt, …

Diệt trừ bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh bằng các loại thuốc hóa học.

Tiêu hủy nguồn bệnh

Khi cây còn nhỏ, nếu tỷ lệ bệnh thấp, nhổ những cây bị bệnh để tiêu hủy và trồng dặm lại; Nếu tỷ lệ bệnh cao trên 50% nhổ hoàn toàn rồi tiêu hủy, chuyển sang trồng mè hoặc cây trồng khác phù hợp. Đối với sắn trồng xen lạc, nhổ sắn tiêu hủy, chăm sóc lạc. Biện pháp tiêu hủy cây sắn bị bệnh bằng cách thu gom để đốt hoặc đào hố chôn, xử lý vôi ở phía dưới và phía trên cây sắn bị bệnh trước khi chôn.

Khi cây sắn lớn đã cho củ, nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ còn thân lá phải đem tiêu hủy bằng cách đốt. Nếu có bọ phấn phải phun trừ bọ phấn trên ruộng sắn nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang nơi khác truyền bệnh. Phun trước khi tiêu hủy cây sắn từ 2-3 ngày để đảm bảo an toàn.

Bá Dũng - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 10.691