Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Kế hoạch thu gom, xử lý bao gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 28/06/2024

Ngày 10/6/2024, UBND thị xã đã ban hành Kế hoạch số 1945/KH-UBND về việc thu gom, xử lý bao gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Hương Trà.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sinh thái nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về thu gom chất thải nguy hại đối với bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; UBND thị xã Hương Trà xây dựng kế hoạch triển khai công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu.

1. Mục đích.

- Thu gom xử lý đúng quy định bao gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã;

- Bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng Nông thôn mới;

- Nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV, thu gom xử lý bao gói và chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng;

- Nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói và chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trên địa bàn.

2. Yêu cầu.

- Thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, doanh nghiệp và người sử dụng thuốc BVTV.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và cơ quan truyền thông trong công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói và chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng đến các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, thu gom, xử lý bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng.

- Huy động các nguồn lực để thực hiện công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói và chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn đảm bảo kịp thời, có hiệu quả.

- Vận động nông dân tích cực tham gia thu gom bao gói và chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào bể chứa đúng nơi quy định.

II. Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng:

Các loại bao bì, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật thải bỏ trong quá trình hoạt động sản xuất nông nghiệp là chất thải nguy hại, do đó cần được thu gom, xử lý riêng với chất thải thông thường.

Bao gói và chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng phải được thu gom về các bể chứa. Bể chứa thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải đảm bảo yêu cầu:

- Đặt tại các vị trí thích hợp, dễ nhận biết ven đường, trục giao thông nội đồng, bờ ruộng lớn; không bị ngập lụt, gần điểm pha chế thuốc trước khi phun để thuận tiện cho việc thu gom bao gói và chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng; không làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, khu dân cư, giao thông và mỹ quan nông thôn.

- Bể chứa làm bằng vật liệu bền chắc, có khả năng chống ăn mòn, không bị rò rỉ, không phản ứng hóa học với chất thải chứa bên trong; chống thấm, không thẩm thấu chất thải ra bên ngoài; đảm bảo không bị gió, nước làm xê dịch.

- Bể chứa có hình ống hoặc hình chữ nhật phù hợp với địa điểm đặt bể chứa, thuận tiện cho việc di chuyển. Dung tích bể chứa khoảng 0,5 - 01 m3, có nắp đậy kín. Nắp bể chứa chắc chắn, không bị gió, mưa làm xê dịch và rộng hơn thành bể tối thiểu 05 cm để tránh nước mưa chảy vào; bên thành đứng của bể chứa có ô cửa nhỏ gần nắp đậy có thể đóng mở dễ dàng; bể có chiều cao thích hợp để phòng ngừa nước lũ tràn vào bên trong.

- Bên ngoài bể chứa có ghi dòng chữ “Bể chứa bao gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về Chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo.

- Tùy thuộc vào đặc điểm cây trồng và mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, số lượng bể chứa phải đảm bảo chứa đựng hết bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong vùng đất canh tác. Nhưng tối thiểu phải có 01 bể chứa trên diện tích 03 ha đất canh tác cây trồng hàng năm hoặc 10 ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

III. Về xây dựng bể chứa, thiết bị thu gom:

UBND các xã, phường tiến hành khảo sát, chọn địa điểm, vị trí phù hợp để triển khai xây dựng, lắp đặt các bể chứa, thiết bị thu gom bao gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bảo đảm yêu cầu tại mục III Kế hoạch này.

IV. Vận chuyển, xử lý bao gói và chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng

1. Bao gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom từ bể chứa hoặc khu vực lưu chứa được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

2. Bao gói và chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ở bể chứa hoặc khu vực lưu chứa phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và phải được chuyển đi xử lý trong vòng 12 tháng.

3. Định kỳ sau mỗi vụ Đông Xuân và Hè Thu, hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.

Tập tin đính kèm:
Thu Phương - Phòng TNMT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 1.552