Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Hiệu quả bước đầu từ mô hình làm phân vi sinh
Ngày cập nhật 28/10/2013

Vừa qua, tại nhà sinh hoạt  Cộng đồng TDP4 phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Ban Thường vụ Thị Đoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) đã tiến hành Hội thảo đánh giá tổng kết dự án “Giới thiệu việc sản xuất phân vi sinh như một giải pháp cung cấp việc làm, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện độ phì nhiêu của đất và sản lượng cây trồng ở phường Hương Chữ - thị xã Hương Trà”. 

Hội thảo đã nêu lên những kết quả cũng như những đánh giá của chính quyền và người dân về việc hỗ trợ phương pháp làm phân bón vi sinh. Nhìn chung,  dự án đã mang lại hiệu quả về bảo vệ môi trường và cải thiện kinh tế cho bà con trong việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc hướng đến một vùng chuyên canh cây rau màu sạch cung cấp cho địa bàn thị xã, tỉnh.

Với nguồn vốn được hỗ trợ từ dự án, Ban Thường vụ Thị Đoàn đã hỗ trợ cho 65 hộ gia đình trên địa bàn phường Hương Chữ, kết quả bước đầu của dự án cho thấy tính khả thi trong việc tạo ra phân vi sinh thay thế cho loại phân bón vô cơ mà bà con vẫn dùng trong quá trình sản xuất từ xưa đến nay. Sau khi dùng thử nghiệm loại phân bón vi sinh được các kỹ thuật viên hướng dẫn ủ phân tại nhà, sản lượng rau màu tăng đáng kể, thu nhập của bà con cũng tăng từ 10 triệu đồng/sào lên tới 12 - 15 triệu đồng/sào, đặc biệt là cây chủ lực mướp đắng trên địa bàn phường cho trái sai hơn và thời gian thu hoạch cũng dài hơn. Trao đổi vơi chúng tôi, đồng chí Cao Thọ Thành - Phó chủ tịch UBND phường Hương Chữ cho biết: Phân vi sinh rất tốt đối với cây trồng tuy nhiên với chỉ 80/700 hộ làm nông áp dụng sử dụng loại phân bón này ở địa phương thì vẫn còn rất nhỏ. Vì vậy, làm thế nào để đạt được 2/3 hộ gia đình làm nông nghiệp đều sử dụng phân vi sinh thì quá tốt, tăng vụ, tăng năng suất cho bà con. Nhiều ý kiến của người dân tại hội thảo cũng mong muốn được thực hiện mô hình này, nhiều gia đình không có tên trong diện hỗ trợ của dự án mong muốn được biết và được sử dụng loại phân bón vi sinh này vì đã được nghe nhiều đến tính hiệu quả cao mà giá thành sản xuất phân lại rẻ của nó.  

 Đánh giá kết quả của dự án đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND thị xã cũng chỉ ra một số khó khăn và thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án, bên cạnh  việc 65 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án đã có thêm 15 hộ gia đình được sử dụng phân vi sinh cho hoạt động sản xuất rau màu, người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt là dự án đã huy động hơn 300 lượt đoàn viên, thanh niên tổ chức nhiều đợt ra quân bảo vệ môi trường thu gom rác thải làm phân bón từ đó nâng cao nhận thức hơn cho lớp trẻ. Thông qua dự án người dân cũng biết nhiều hơn tác dụng của việc bón phân vi sinh cho cây trồng cũng như tác hại của phân bón vô cơ mà bà con ở đây gọi là con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, việc áp dụng phân bón vi sinh vẫn chưa được nhân rộng do việc thu gom nguyên liệu để ủ phân vẫn còn nhiều khó khăn về phương tiện, đa số người dân vẫn phải tự mình làm dẫn đến việc kéo dài thời gian thay vì chỉ mua phân vô cơ về rồi sử dụng ngay. Phân vi sinh cũng chỉ bón cho rau màu mà chưa được sử dụng nhiều cho cây lúa do số lương thành phẩm còn hạn chế.

 Theo công ty Quế Lâm - nhà cung cấp chính men vi sinh để ủ phân cho biết giá thành của 1 kg men vi sinh là 45.000đ/kg và với 1kg men vi sinh ta có thể ủ với 5-5,5 tạ phế phẩm và khi hoàn thành sẽ cho từ 3-3,5 tạ sản phẩm rất tiết kiệm chi phí so với việc người nông dân mua phân bón vô cơ. Điểm mạnh của loại phân vi sinh này là có thể sử dụng các phế phẩm nông nghiệp sau vụ mùa hay các loại rác thải sinh hoạt, bèo tây,… và nếu dùng cây lạc thì sản phẩm phân vi sinh sau khi hoàn thành sẽ có độ dinh dưỡng cho cây trồng cao hơn rất nhiều. Vì vậy, sau khi dự án kết thúc, hiện nay Ban Thường vụ Thị Đoàn đang chỉ đạo Đoàn phường Hương Chữ đảm nhận khâu trung gian phân phối chế phẩm vi sinh để bà con nhân dân tiếp tục thực hiện mô hình này trên địa bàn phường Hương Chữ.

Xuân An

 

 

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 8.307