Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Xuân về, nhớ bài học quý báu Bác dạy cán bộ tuyên truyền
Ngày cập nhật 27/01/2014

Văn hoá nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Đó là luận điểm Bác đã nêu từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều phương pháp tuyên truyền khác nhau. Nhưng cho dù Bác có sử dụng phương pháp nào đi nữa thì TÍNH DỄ HIỂU nổi cũng lên như một đặc trưng riêng, cơ bản nhất của nhà chính trị lỗi lạc Hồ Chí Minh.

Người thường quan niệm: Tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm.

DÂN HIỂU là mục đích đầu tiên và quan trọng bậc nhất trong tuyên truyền. Chỉ khi nào dân hiểu được vấn đề mình tuyên truyền thì khi đó dân mới tin tưởng và làm theo.

Bác đã là người đầu tiên thực hiện thành công phương pháp tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ và thường xuyên chỉ dẫn cho cán bộ tuyên truyền làm theo:

Một, học cách nói và sử dụng ngôn từ của quần chúng nhân dân. Bác giải thích là: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng phải học cách nói của quần chúng mới nói lọt tai quần chúng. Vì cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại đơn giản”. Và theo Bác, muốn học được cách nói của nhân dân phải hiểu, phải tin nhân dân; phải tôn trọng và quý mến nhân dân; phải ghi tạc vào đầu cái chân lý: dân rất tốt, lúc họ đã hiểu thì việc gì khó mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ.

Cán bộ làm công tác tuyên truyền phải đi sâu vào đời sống của quần chúng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, sở thích, trình độ văn hoá, lứa tuổi, nghề nghiệp, thói quen sử dụng từ ngữ của các tầng lớp khác nhau trong nhân dân.

Chính vì vậy, trong văn phong của mình, Bác đặc biệt chú ý sử dụng những từ ngữ mộc mạc, giản dị như lời nói thường ngày của người lao động, như: chặt nhào, chém phứa, giặt đói, giặt dốt, hủ gạo tiết kiệm, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào,...

Bác cũng thường sử dụng ngôn từ trong dân gian nhưng nâng nó lên tầm cao mới, nội dung mới. Chẳng hạn như Bác nói là:

Nhiễu điều phủ lấy giá gươm

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Hay như:

Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Vì thế, khi nghe Bác nói, khi đọc các bài viết của Bác, nhân dân có cảm xúc như Bác đang sống giữa đời thường, sống cuộc sống của nhân dân, không còn đâu là khoảng cách giữa lãnh tụ và nhân dân, là vì Bác nói tiếng nói của nhân dân, nên họ dễ dàng tiếp thu nội dung tuyên truyền.

Hai, kế thừa và phát triển cách nói có vần, điệu như ca dao, dân ca, hò, vè....của dân tộc để chuyển tải nội dung tuyên truyền. Trong quá trình tìm tòi, lựa chọn phương pháp tuyên truyền, Bác chỉ cho chúng ta thấy rằng, nhân dân không chỉ là người sáng tạo ra của cải vật chất, mà còn là người sáng tạo ra kho tàng văn hoá dân gian của ca dao, dân ca, hò vè từ trong lao động sản xuất. Đó không chỉ là sản phẩm mà còn là công cụ nhận thức của quần chúng nhân dân.

Bác chủ trương: văn nghệ sỹ phải là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Từ đó, Bác đã liên tục sáng tác thơ ca tuyên truyền cách mạng. Ca dân cày, Ca công nhân, Ca binh lính,...đã lần lượt ra đời trong thời kỳ Việt Minh; Khuyên thanh niên, Gửi nông dân, Mừng chiến thắng Điện Biên Phủ,...trong thời kỳ kháng chiến chông Pháp; Trồng cây, Gửi các cháu miền Nam, Khen 11 cháu dân quân gái thành phố Huế,... thời kỳ xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước.

Mùa xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Bác đã khéo léo vận dụng thủ thuật tuyên truyền này chủ yếu giúp cho quần chúng dễ nhớ, dễ truyền miệng với nhau những nội dung chính trị.

Ba, sử dụng cách nói ví von rất giàu hình ảnh của quần chúng.

Dân gian ta thường diễn đạt ngôn ngữ bằng cách dùng phép so sánh, đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác, từ đó làm cho những vấn đề trừu tượng trở nên dễ hiểu hơn.

Chẳng hạn như: Công cha như núi Thái sơn

                 Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Hay như:            Một cây làm chẳng nên non

                      Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Vì thế, Bác thường căn dặn cán bộ tuyên truyền: “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh...Phải đem cách nhân dân so sánh xem xét, giải quyết các vấn đề mà hoá nó thành cách chỉ đạo nhân dân”. Chẳng hạn, khi diễn đạt bản chất ăn bám, bóc lột của bọn thực dân đế quốc, Bác đã dùng hình ảnh con đỉa hai vòi. Và Bác nói là: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản. Con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bụ cắt sẽ lại mọc ra”. (Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG (lần thứ 2), HN, 2000, tập 1, tr.298).

Với cách so sánh điển hình này, Bác đã diễn đạt một cách đơn giản, dễ hiểu sự bóc lột nhân dân chính quốc và nhân dân các nước thuộc địa của bọn tư bản. Đồng thời, chỉ ra mối quan hệ cảu cuộc cách mạng ở chính quốc với cuộc cách mạng ở thuộc địa. Như thế, thì bất kỳ người Việt Nam nào cũng dễ hình dung và dễ dàng hiểu được nội dung tuyên truyền của Bác.

Bốn, sử dụng sáng tạo tục ngữ, thành ngữ trong phương pháp tuyên truyền. Kho tàng tục ngữ, thành ngữ của dân tộc Việt Nam ta rất súc tích, rất giàu sức biểu cảm, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Đó cũng là một đặc trưng của tư duy người Việt ta, ngôn từ gắn liền với khẩu ngữ. Bác của chúng ta cũng đã kế thừa một cách sáng tạo vốn di sản quý báu này trong tuyên truyền. Thành ngữ Việt Nam ta có câu: “Có chí thì nên”, trong bài Khuyên thanh niên, Bác vận dụng thành bài thơ:

                        Không có việc gì khó

                        Chỉ sợ lòng không bền

                        Đào núi và lấp biển

                        Quyết chí ắt làm nên.

Với nghệ thuật khai thác kho tàng văn hoá dân gian nói chung và văn học dân gian nói riêng, Bác đã biến các cách diễn đạt ngôn từ của quần chúng thành một phương tiện, một công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Đây là những bài học quý báu để cán bộ tuyên truyền học tập trong công tác tuyên truyền hiện nay./.

                                                                                                           Thanh Hương

(Trung tâm bồi dưỡng chính trị Hương Trà)

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 13.750