Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Một số biện pháp cho bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa
Ngày cập nhật 11/02/2014

Vụ Đông xuân 2013- 2014 toàn thị xã Hương Trà đã hoàn thành việc gieo cầy, lúa trà đầu đang giai đoạn đẻ nhánh, lúa đại trà đang giai đoạn 2- 3 lá. Thời tiết những ngày giáp tết Nguyên đán đến nay nắng ấm, sáng sớm sương mù thuận lợi cho công tác chăm sóc, bón phân, tỉa dặm nên lúa sinh trưởng phát triển khá tốt.

Qua kiểm tra của cán bộ Phòng Kinh tế, Trạm BVTV đã phát hiện ốc bươu vàng xuất hiện và phát triển với mật độ phổ biến 10- 15con/m2, cục bộ nơi cao 20- 50 con/m2 (Hương Hồ 1, 2, Hương An,…). Bệnh đạo ôn bắt đầu xuất hiện và gây hại trên nếp trà đầu xanh tốt, tỷ lệ 1- 3% (Thanh Phước). Các đối tượng sâu bệnh hại khác như dòi đục nõn, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,… rải rác, mật độ thấp.

Để chủ động trong công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa trong thời gian tới, Phòng Kinh tế phối hợp với trạm Bảo vệ Thực vật hướng dẫn bà con một số biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh như sau:

- Chăm sóc, tỉa dặm và bón phân thúc để lúa sinh trưởng phát triển tốt, nhất là trên diện tích lúa dài ngày bị ảnh hưởng do rét đậm đầu vụ. Chú ý bón phân cân đối giữa đạm- lân- kali, không bón nhiều phân đạm dễ phát sinh bệnh đạo ôn và các sâu bệnh khác. Các chân ruộng thường hay nhiễm chua- mặn ở Hải Dương, Thuận Hòa, Vân An,… cần bón bổ sung vôi (20- 30kg/sào) hoặc lân nung chảy (15- 20kg/sào) và giữ nước trong ruộng, không để ruộng khô nước chua- mặn  bốc lên bề mặt làm cho lúa chết vào các thời điểm nắng nóng.

- Tổ chức diệt trừ ốc bươu vàng bằng các biện pháp thích hợp như bắt ốc trưởng thành, thu trứng ốc trên bờ ruộng, bờ mương, que cọc cắm trên ruộng; cắm que cọc làm giá thể để ốc leo lên đẻ trứng sau đó thu trứng; dùng phên, lưới có mắt nhỏ chắn những nơi lấy nước để ngăn cản sự di chuyển của ốc đồng thời dễ dàng thu bắt. Điều chỉnh mực nước hợp lý (khoảng 2- 3cm) để hạn chế sự di chuyển của ốc sang nơi khác. Những ruộng có mật độ ốc cao, nên sử dụng các loại thuốc như Viniclo, Pazol hoặc Tungsai để phun trừ. Lưu ý không sử dụng thuốc này cho những ruộng có nuôi cá, tốt nhất là xa khu dân cư, nguồn nước sinh hoạt. Khi phun thuốc nên tháo cạn nước để ốc tập trung xuống rãnh dễ phun trừ, tiết kiệm công phun,…

- Hiện nay thời tiết  mưa lạnh, kết hợp với công tác chăm sóc sau đợt rét đậm kéo dài là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát sinh phát triển mạnh trên các giống nhiễm như nếp, Xi23, 13/2, X21,…Cần theo dõi và phun phòng trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc như Beam, Vibimzol,… Chú ý phun kỹ, đủ lượng nước trên đơn vị diện tích; khi ruộng bị bệnh không nên bón phân đạm hoặc các loại phân bón lá đến khi hết bệnh (không xuất hiện vết bệnh mới) mới tiến hành chăm sóc, bón phân trở lại.

- Tổ chức công tác diệt chuột bằng các biện pháp thủ công: đào bắt, đặt bẫy bán nguyệt hoặc sử dụng thuốc hóa học như Racumin, Storm, Kaletox,…

- Các đối tượng khác như sâu cuốn lá nhỏ, dòi đục nõn, bọ trĩ, bệnh đốm nâu gây hại với mật độ và tỷ lệ thấp cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để chủ động phòng trừ, không phun thuốc tùy tiện khi mật độ sâu còn thấp làm mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường.

                                                                                                                        Thanh Vân

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 12.740