Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Hội thảo hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trên cây cao su tại Hương Bình.
Ngày cập nhật 10/03/2014

Được sự cho phép của Chi cục BVTV tỉnh, sáng ngày 04/3/2014 Trạm BVTV Hương Trà phối hợp với Công ty cổ phần thuốc sát trùng Việt Nam (VIPESCO) tổ chức hội thảo kỹ thuật giới thiệu tính năng tác dụng và cách sử dụng thuốc Vimonyl 72WP trừ bệnh loét sọc mặt cạo, thuốc Vixazol 275SC phòng trừ bệnh rụng lá Corynepora cho hơn 30 hộ nông trồng cao su tại xã Hương Bình.

Vimonyl 72WP là thuốc trừ nấm bệnh được phối hợp từ 2 hoạt chất Metalaxyl là hoạt chất trừ nấm thuộc nhóm alanine và Mancozeb là hoạt chất trừ nấm bệnh phổ rộng thuộc nhóm Dithiocarbamate nên có bản chất và cơ chế tác động khác nhau như nội hấp (lưu dẫn), tiếp xúc nhưng chúng hỗ trợ nhau gia tăng hiệu lực và mở rộng phổ diệt trừ nấm bệnh, làm chậm lại khả năng hình thành tính kháng thuốc của nấm bệnh. Đối với bệnh loét sọc mặt cạo, hòa 30g thuốc cho 1 lít nước và quét lên mặt cạo sau khi đã vệ sinh sạch sẽ, nếu bệnh nặng quét 2 lần cách nhau 10- 15 ngày. Sau khi quét để khô thuốc rồi bôi Vazelin hoặc thuốc liền sẹo lên bên ngoài để chống rửa trôi, nước mưa hoặc nấm bệnh xâm nhập.

Vixazol 275SC là hỗn hợp thuốc trừ bệnh cây phổ rộng với hai hoạt chất Carbendazim và Hexaconazole, có tác động tiếp xúc và nội hấp nên khả năng thuốc di động mạnh trong cây, di chuyển đến các tế bào đặc biệt ở lá và ngọn, giúp bảo vệ bộ phận lá trước sự tấn công xâm nhiễm của nấm bệnh. Vixazol 275SC với hai cơ chế tác động lên nấm bệnh nên vừa có tác dụng phòng bệnh và trị bệnh. Đối với bệnh rụng lá Corynespora, liều lượng và nồng độ phun tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, phổ biến là 0,25- 0,5% (0,5- 1 lít thuốc pha với 200 lít nước), phun ướt toàn bộ lá, chồi non và phun tới ngọn. Phun khi bệnh mới xuất hiện hoặc phun phòng khi cây ra chồi, lá non gặp các đợt không khí lạnh.

Trước đó, từ ngày 20- 26/2/2014, Trạm BVTV phối hợp Phòng Kinh tế, Trạm KNKL thị xã kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cây cao su tại các xã Hương Bình, Hương Thọ, Bình Điền và Hồng Tiến. Tình hình bệnh hại phổ biến nhất hiện nay là loét sọc miệng cạo, tác nhân gây bệnh là nấm Phytophthora palmivora gây ra. Bệnh thường phát sinh trong mùa mưa, đặc biệt ở các tháng mưa nhiều. Bệnh được lan truyền bằng động bào tử của nấm qua nước mưa, gió, qua dao cạo mủ... Bệnh thích hợp trong điều kiện các vườn cao su rậm rạp, có ẩm độ cao nhưng lại thiếu các biện pháp phòng ngừa như bôi thuốc, bôi vaseline chống ướt trong mùa mưa. Chế độ cạo quá dày, cạo phạm vào gỗ, cạo khi cây còn ướt, cạo sát đất trong mùa mưa,… cũng là một trong các điều kiện thuận lợi để bệnh xâm nhập. Bệnh xâm nhập vào miệng cạo và lớp vỏ tái sinh tiếp giáp với miệng cạo. Triệu chứng ban đầu là những sọc nhỏ, hơi lõm, màu nâu nhạt ngay trên đường cạo và chạy dọc song song với thân cây. Sau đó, bệnh lan dần dọc theo mạch dẫn trên vỏ tái sinh, tạo thành các sọc nâu đen theo chiều thẳng đứng, sau đó các vết bệnh liên kết lại thành những mảng lớn. Khi bị nặng, từ lớp vỏ tái sinh, mủ rỉ ra bị biến vàng và có mùi hôi thối, để lộ gỗ. Một phần hay toàn bộ phần vỏ tái sinh của mặt cạo biến màu nâu đen và thối loét./.

 

Phước Lễ

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 11.019