Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm.
Ngày cập nhật 21/03/2014

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/21011 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chủ đề học tập của năm 2014 được xác định là “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”.

Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Người đã nêu lên hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Người đề cập đến đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, chuẩn mực đạo đức chung của mọi người và chuẩn mực đạo đức riêng của cán bộ. Trong đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, có vấn đề về tinh thần trách nhiệm.

Theo Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị - xã hội,… Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có hành động và nhận thức như thế được gọi là có tinh thần trách nhiệm cao.

Khi nói về tinh thần trách nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn nhiều đến đạo đức cách mạng, đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng. Bởi vì cán bộ, đảng viên là những người tiên tiến trong xã hội, là những người tiên phong, gương mẫu để mọi người noi theo. Khi nói về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, Người đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ giữa Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, đây chính là những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức cần có của một cán bộ, đảng viên, công chức. Cán bộ của từng lĩnh vực khác nhau lại có những yêu cầu khác nhau về chuẩn mực đạo đức, thậm chí cấp bậc, chức vụ khác nhau cũng phải có những chuẩn mực đạo đức khác nhau…

Đối với đảng viên, người nhấn mạnh: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức đối với Tổ quốc, đối với nhân dân bắt nguồn từ nguyên lý: “Nước lấy dân làm gốc”, “sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành”,nhân dân là người làm ra lịch sử”…Người khẳng định: không có nhân dân, Đảng, Chính phủ không đủ lực lượng. Sức mạnh nhân dân là vô địch. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Có dân là có tất cả. Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong…Để tập hợp và phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân, Đảng, Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, vận động nhân dân, giảng giải lý luận, chiến lược, sách lược cho dân, làm cho dân nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng. Đảng lãnh đạo quần chúng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, giành thắng lợi trong mỗi giai đoạn cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.

Cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân đều phải có bổn phận đối với đất nước. Trong xã hội ta, nước là nước của dân; dân là chủ và dân làm chủ, có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nước độc lập thì ai cũng được tự do; nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Trong chế độ mới, cán bộ, công chức là người phụ trách trước đồng bào; thực hiện bổn phận trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, tổ chức, lôi cuốn nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải là những người đi trước để nhân dân noi theo.

Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh tựu trung lại là “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.

Để làm được điều đó, thiết nghĩ trước hết phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tập trung vào những khâu quan trọng như đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và luân chuyển cán bộ. Thực hiện nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng, trong cơ quan nhà nước, không né tránh, nể nang, đồng thời lắng nghe ý kiến của nhân dân để có thể đánh giá và lựa chọn đúng những cán bộ có tinh thần tiên phong, gương mẫu, kiên định mục tiêu, lý tưởng, có đạo đức trong sáng, có kiến thức mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tác phong và lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân, bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, được nhân dân tin yêu./.

 

Kim Ngân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 8.112