Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Truyền thông tư vấn tại cộng đồng
Ngày cập nhật 19/09/2014

Nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng cho người cao tuổi trên địa bàn, bằng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh phân bổ năm 2014 cho đề án người cao tuổi, Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã phối hợp với Trạm y tế và hội người cao tuổi phường Hương An tổ chức buổi tư vấn cộng đồng cho đại diện hội người cao tuổi của các tổ dân phố trên toàn phường.

Về tham dự buổi tư vấn có BS Ngô Văn Vinh - Giám đốc trung tâm DS-KHHGĐ và chuyên viên phụ trách đề án, đồng chí Nguyễn Đăng Sâm, Phó chủ tịch UBND phường Hương An, Trạm Y tế phường, hội người cao tuổi phường và hơn 100 hội viên hội người cao tuổi các TDP.

Trong buổi tư vấn BS Ngô Văn Vinh giám đốc trung tâm DS-KHHGĐ đã tư vấn cho các hội viên các nội dung về đề án người cao tuổi:

Người cao tuổi là người từ 60 tuổi trở lên theo quy ước chung của  Liên hiệp quốc và theo Luật Người cao tuổi của nước ta (được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực từ ngày 1/7/2010).

Trong những năm gần đây, nhà nước đã sử dụng khái niệm “người  cao tuổi” thay cho “người già”. Tuy tuổi cao, nhưng nhiều người trên 60 tuổi vẫn tích cực hoạt động trên nhiều lĩnh vực xã hội và cuộc sống gia đình, vì vậy cụm từ “người cao tuổi” bao hàm sự kính trọng, động viên hơn so với cụm từ “người già”. Tuy nhiên về khía cạnh sinh học thì người già hay người cao tuổi đều được dùng với ý nghĩa như nhau về sự lão hóa.

Trong dân số học, nhóm từ 60 tuổi trở lên được gọi chung là nhóm dân số già, người ta thường chia nhóm này ra 3 loại: Nhóm rất già là từ 80 tuổi trở lên (tương đương nhóm đại  lão ở Việt Nam), Nhóm trung bình là từ 70 đến 80 tuổi (trung lão), Nhóm còn năng động là từ 60 đến 70 tuổi (sơ lão).

Xu hướng chung của thế giới là già hóa dân số ngày càng tăng lên. Do đó việc phát huy vai trò của người cao tuổi và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là rất quan trọng để tạo cho họ cuộc sống khỏe mạnh, sống vui, sống có ích. Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội.

Sức khỏe thể chất có nhiều thay đổi ở người cao tuổi. Theo thời gian, tế bào thần kinh bị chết dần mà không được thay thế, lượng máu nuôi dưỡng cho não giảm, sự suy nghĩ trở nên chậm chạp, nhầm lẫn. Thủy tinh thể của mắt dần dần bị cứng và đục, võng mạc kém nhạy cảm với ánh sáng, thị giác giảm khi nhìn sự vật ở gần hay trong bóng tối. Tai nghe nghễnh ngãng, khó bắt được các âm thanh có tần số cao và tiếng nói bình thường. Ăn uống kém ngon vì tế bào vị giác trên lưỡi ngày một ít đi, miệng khô vì tuyến nước bọt giảm tiết rõ rệt. Khứu giác kém, mũi kém phân biệt mùi của hóa chất, thực phẩm. Nhịp tim chậm, lượng máu đến cơ tim giảm, cơ tim xơ cứng, dễ bị suy tim, khiến người cao tuổi không cáng đáng được những công việc thường làm khi còn trẻ. Hơi thở ngắn, nhanh, lượng dưỡng khí trong máu giảm dẫn đến khó thở, dễ thấm mệt khi làm việc chân tay. Gan thu nhỏ lại, lượng máu lưu thông qua gan giảm, chức năng thanh lọc độc chất kém hữu hiệu. Thận cũng nhỏ lại. Máu đi qua thận giảm, khả năng bài tiết kém, nước tiểu loãng, bàng quang co bóp yếu gây chứng khó tiểu, kiểm soát tiểu tiện kém hoặc mất tự chủ, tuyến tiền liệt xơ hoá gây bí tiểu, đôi khi phải thông cho dễ chịu. Lớp mỡ dưới da mỏng hơn, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn bài tiết kém gây da khô, nhăn nheo, dễ bị tổn thương, kém chịu đựng được lạnh giá. Hệ thống miễn dịch yếu, sự sản xuất kháng thể bị suy yếu, cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn, bệnh tật sẽ trầm trọng hơn. Hoạt động tình dục suy giảm, tuy nhiên khả năng này vẫn có thể tồn tại tới tuổi 80- 90. Sức đề kháng của người cao tuổi kém đi, thường mắc nhiều bệnh tật là do các cơ quan, bộ phận của cơ thể bị già hóa, thực hiện chức năng không còn tốt nữa. Tốc độ già hóa của mỗi người là khác nhau và ở mỗi người thì tốc độ già hóa của các bộ phận cũng khác nhau. Vì vậy, biểu hiện bệnh tật của người cao tuổi thường không điển hình.

Để phòng ngừa hoặc để làm chậm tiến trình của bệnh tật, cách tốt nhất đối với mỗi người là tập luyện ngay từ khi còn trẻ tuổi. Người cao tuổi vận động và tập luyện đều đặn giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh và tử vong.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Chăm sóc về thể chất như nguyên nhân gây ra bệnh và cách phòng tránh các bệnh thường gặp ở người cao tuổi bệnh huyết áp cao, tai biến mạch máu, đái tháo đường, cơ xương khớp, đục thủy tinh thể...; chăm sóc sức khỏe sinh sản như dấu hiệu mãn kinh ở phụ nữ, mãn dục ở nam giới, nguyên nhân mắt bệnh và cách phòng tránh các bệnh lý ở đường sinh sản như ung thư buồng trứng, ung thư niêm mạc tử cung, ung thư dương vật...; chăm sóc dinh dưỡng như nhu cầu dinh dưỡng, thức ăn phù hợp, nguyên tắc ăn uống...; chăm sóc tinh thần như phòng tránh các stress trong cuộc sống hằng ngày, đảm bảo giấc ngủ, mối quan hệ, không khí trong gia đình...

Tại buổi tư vấn, các cụ đã không ngần ngại hỏi Bác sĩ Vinh những vấn đề mà mình còn thắc mắt, chưa hiểu rõ.

Đồng chí Nguyễn Đăng Sâm cũng hứa với tất cả hội viên là sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người cao tuổi trên địa bàn có được sức khỏe tốt, sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội.

Dương Thị Nữ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 1.089