Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Người nông dân hơn 20 năm tìm mộ liệt sĩ (Theo Báo Nhân dân , ngày 27/7/2012)
Ngày cập nhật 31/07/2012
Ông Ngọc cùng các ban, ngành tiến hành cất bốc mộ liệt sĩ tại vùng đồi đầu nguồn sông Bồ.  

Hẹn mãi cuối cùng tôi cũng gặp được ông. Người đàn ông với vóc dáng nhỏ bé, ốm yếu nhưng có thâm niên hơn 20 năm đi rừng để đem hơn 300 bộ hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại các nghĩa trang. Điều đặc biệt hơn, chỉ với chiếc gậy sắt tự chế ông đã khai lộ những hài cốt nằm sâu từ dưới lòng đất. Ông là Trần Công Ngọc, ở Lại Bằng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế).

Hơn hai mươi năm trước, một lần đi tìm mộ của người bác và anh họ hy sinh trên rừng, ông Ngọc đã nghĩ ngay đến chuyện phải trở lại nơi đây khi có quá nhiều đồng đội của ông đang nằm lại. Ông đã bộc bạch: 'Ngày xưa, tôi là bộ đội địa phương, đã chứng kiến nhiều người ngã xuống ngay trước mặt mình nên tôi quay quắt không yên”.

Gia đình ông làm nông, với hơn 3.000m2 đất được cấp từ ngày xưa đến bây giờ cũng chỉ làm ruộng, trồng thanh trà, chuối… Thu nhập cũng đủ đắp đổi qua ngày, trong khi các con ông đang tuổi ăn, tuổi lớn. Một bận, ông nói dối vợ, để tui lên núi kiếm củi độ chừng nửa tháng, cho thuyền chở về, nhà mình tha hồ có tiền. Vợ ông nghe nói cũng phải, chuẩn bị gạo và một cái nồi (soong) để ông đem vào rừng. Chừng 10 ngày, chị nghe trong làng nói lao xao, rằng ông Ngọc rủ thêm nhiều người bạn thuê đò lên đoạn đầu nguồn sông Bồ để tìm mộ. Vợ ông nghe cũng sợ thiệt nhưng rồi chị nghĩ lại, thời gian ông bị bệnh ung thư, bệnh viện đã trả về, đau đớn quằn quại đến thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra khi ông thoát khỏi lưỡi hái tử thần, mà chỉ uống một loại rễ cây nào đó trên rừng. Thôi thì, ông làm việc nghĩa để trả ơn cuộc đời kể cũng phải. Từ ngày đó, bao việc đồng áng, chăm con, người phụ nữ mới ngoài tuổi 40 đều một tay quán xuyến.

Suốt ngày đầu óc ông cứ luẩn quẩn, nghĩ đến các liệt sĩ đang nằm rải rác ở chốn rừng thiêng nước độc. Lắm lúc không có tiền để đi, ông chạy qua mượn hàng xóm vài trăm nghìn đồng thuê đò để lên rừng từ đầu nguồn sông Bồ tìm kiếm mộ liệt sĩ. Nhiều lúc vào rừng, phát hiện được mộ của đồng đội là ông hét to lên như bắt được vàng. Ông lấy những vật dụng của các anh gói ghém cẩn thận về giao cho xã. Thoạt đầu, khi tìm kiếm và cất bốc được bộ hài cốt liệt sĩ nào ông đều ghi chép cẩn thận, nhưng sau này đi rừng dài ngày, lại đi liên tục, mà mỗi lần đi đều có các ban, ngành liên quan lưu lại hồ sơ nên ông không ghi chép nửa. Ông áng chừng, đến nay ông cất bốc khoảng hơn 300 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó con em ở địa phương Hương Trà gần 170 người.

Thường mùa nắng ở Huế, ông Ngọc lại đi khắp các cánh rừng Trường Sơn, đoạn đầu nguồn sông Bồ, hay qua đến rừng khu vực biên giới thuộc huyện Tù Muội, Salavan của nước bạn Lào. Mỗi chuyến đi rừng, ông và những đồng sự thường mất từ 5 đến 7 ngày, có khi nửa tháng trời. Sau khi phát hiện hài cốt liệt sĩ, ông cùng các đoàn của phường Hương Vân, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban chỉ huy Quân sự thị xã Hương Trà, Đội 192 của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành cất bốc về an táng tại các Nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương.

Sau này, thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh phía Bắc viết thư vào, ông lại lặn lội đi thẩm tra, nếu đúng mới hồi âm. Có người vào gặp ông đưa giấy báo tử, có giấy giới thiệu của tỉnh, của huyện, ông lại lên đường. Nhất là thời điểm khu rừng đầu nguồn sông Bồ chuẩn bị thi công nhà máy thủy điện Hương Điền. Nếu không kịp thời tổ chức tìm kiếm thì đến khi đắp đập, nước dâng làm ngập cả khu rừng sẽ không thể tìm được hài cốt các anh.

Vào những năm 2002 đến 2006, ông cùng các đoàn của tỉnh ăn ở trong rừng cả tháng trời. Đã ngoài 50 tuổi nhưng trông ông khỏe hơn cánh thanh niên, ông vừa chỉ, vừa đào đất và nhảy xuống cất bốc, thậm chí gùi lương thực sau chiếc ba lô to đùng cho cả đoàn. Có những vùng ông cùng Đội quy tập mộ xuống cất bốc khoảng 60 đến 70 hài cốt liệt sĩ. Có những mộ nằm sâu dưới lòng đất từ 2 - 3m.

Ở các bản Khe Trăn, Khe Lu, nhất là múi đường Sê Cút 71, nơi đây ngày trước từng là binh trạm của bộ đội Trường Sơn nên đa số chiến sĩ hy sinh đều đem ra phía sau triền núi chôn cất. Đặc biệt, vào những năm ác liệt, nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh đều được chôn cất ven sông Bồ, trong khi hàng năm lũ, lụt thường xuyên ập đến khiến ông và những đồng đội hôm nay rất khó tìm từ con sông “bên lở, bên bồi” này.

Thượng tá Nguyễn Nhật Mạnh, Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự thị xã Hương Trà cho biết: “Nhờ anh Ngọc, các cơ quan ban ngành đã cùng với Thị đội Hương Trà và các địa phương đã tìm kiếm, cất bốc hàng trăm bộ hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại các nghĩa trang và gia đình. Anh là người nhiệt tình, có tâm nên đã làm được nhiều việc có ý nghĩa, đưa nhiều liệt sĩ về yên nghỉ tại các nghĩa trang quê nhà”.

Nhiều gia đình ở các tỉnh phía Bắc đến tìm ông Ngọc trong hoàn cảnh rất khó khăn. Thế nên, để đỡ tốn kinh phí của thân nhân các gia đình liệt sĩ, ông ít cúng bái mà chọn phương pháp tìm mộ theo khoa học và kinh nghiệm. Cái hay ở người nông dân này là có trí nhớ khá tốt. Những năm tháng chiến đấu ở địa phương khiến ông nắm rất vững địa hình, địa vật, thậm chí nhớ các trận đấu ở các đồi, có bao nhiêu người đã hy sinh, trung đoàn nào đóng ở đồi nào…

Ông tìm mộ theo nhiều cách, dựa vào những nhân chứng, chỉ cần họ nhớ đã chôn cất đồng đội bằng tăng, bạt hay võng là ông có thể phát hiện ra ngay. Nếu chôn bằng tăng, bạt thì chính lớp nylon đã cách ly dinh dưỡng khiến khu đất đó cỏ không mọc được. Còn nếu chôn bằng võng thì khu đất ấy cỏ mọc um tùm. Hay nhìn đất, ông cũng có thể phát hiện chất phốt pho (chỉ có ở trong hài cốt) đang nằm ở đâu. Nắm được nguyên tắc, đất ở những nơi có hài cốt thường rất mềm (vì đã có đào xới) nên ông Ngọc đã dùng chiếc gậy sắt (hay gọi thuống) dài cỡ 2m, to cỡ đốt tay cái để đâm sâu vào đất. Nếu gặp hài cốt liệt sĩ thì mũi khoan dùng dằng vì đâm trúng các thứ bao bọc xung quanh như: võng, tăng, nylon… Sau đó, ông áp tai vào đầu gậy còn lại sẽ nghe âm thanh vọng lên từ lòng đất rất rõ. Nghe có vẻ đơn giản, song âm thanh đánh lên những tiếng 'tách' của hài cốt, của đá cứng, của cây rễ nằm sâu trong đất hàng chục năm trời thì chỉ ông Ngọc mới nghe được. Bây giờ, ông là thành viên của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con nguời (Hà Nội). Những chuyến đi xa ở các tỉnh phía Nam ngày mỗi nhiều hơn. Mỗi lần đi, ông không quên đem theo “bảo bối” mà mọi người ví von là “cây gậy thần kỳ”.

Mỗi chuyến lên rừng của ông đều rình rập những nguy hiểm, vất vả, có những chuyện rất kỳ lạ mà ông Ngọc không thể lý giải được, đôi khi thoát nạn chỉ trong gang tấc. Có năm ông cùng đoàn đang chuẩn bị đưa các anh về địa phương tổ chức truy điệu thì lũ rừng đột ngột đổ về dẫu trước đó trời đang khô hạn. Ông vừa dẫn đường để anh em đi trốn lũ, vừa ôm khư bọc hài cốt để nước lũ không cuốn trôi. Ông kể: “Tui bị lũ bao vây giữa rừng vài ngày trời không ăn, không ngủ là chuyện thường. Mình biết mô được trời đang nắng ráo rứa bỗng dưng lũ kéo về, lúc đó tìm được chỗ cao mà thoát thân là đã tốt lắm rồi”.

Chuyện lũ xem như ông có thể đối phó được khi quen thuộc với địa hình rừng núi, còn khiếp đảm nhất đối với ông là gặp phải thú dữ… Có năm, vừa tránh lũ xong, chưa kịp hoàn hồn thì ông thấy xuất hiện một con hổ cứ đi chung quanh ông suốt mấy giờ liền. Thấy nguy quá, ông van xin: “Tui đi tìm hài cốt các liệt sĩ đang thất lạc giữa rừng. Ông đi chỗ khác cho tui đem hài cốt về bình yên”. Ông vừa nói dứt lời, con hổ đi ngay. Một lần khác, đoàn phát hiện một ngôi mộ ở Khe Rờn (Hương Vân - Hương Trà), sau khi đào lên độ chừng 2m, như mọi lần ông nhảy xuống để cất bốc hài cốt lên. Vừa cắt túi bao nylon bọc hài cốt các anh thì có 6 con rắn hổ chúa, một con nặng hơn 1kg tấn công. Rất may, những con hổ chúa này cũng tán loạn như ông. Khi mọi người đưa ông lên miệng hố thì ông đã bất tỉnh nhân sự…

Gian khó là vậy nhưng cứ nghĩ đến mỗi chuyến đi của mình là niềm kỳ vọng của rất nhiều gia đình vẫn chưa tìm được thân nhân đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh và vẫn đang nằm lại ở núi rừng là ông quên hết. Không ít gia đình có con em liệt sĩ được ông tìm thấy hài cốt đã khóc nức nở, thường xuyên trở lại thăm hỏi gia đình ông. Nhưng người đàn ông kỳ lạ này chưa bao giờ nhận của ai cái gì cả. Theo cách nghĩ của ông, “tui không quan tâm đến gia đình liệt sĩ giàu hay nghèo, tui chỉ nghĩ đến chuyện làm răng để đem các chú, các anh về mà gia đình đỡ tốn kém. Thăm nom tui làm chi, các liệt sĩ về được với gia đình là tui vui rồi”.

Căn nhà cấp bốn của gia đình ông Ngọc đang ở cũng tàm tạm, đủ để che mưa, che nắng. Người đàn ông trụ cột trong gia đình này đã hơn nửa đời người mải mê làm việc nghĩa. Ông nói: “Chú ơi, tui không sân si chi hết. Nhà cửa rứa cũng được rồi, gạo hết tui cũng không làm chi được nhưng hễ biết các anh còn nằm trên rừng là tui còn đi…”. Trong căn nhà của ông có nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành về thành tích tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ và đó là 'chút gì' ông nhận cho mình.

Bài, ảnh: NGUYỄN CÔNG HẬU

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 1.885