Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Đi lên từ làm nấm Sò
Ngày cập nhật 04/10/2013

Đến tổ dân phố 2 phường Hương Chữ hỏi chị Hoàng Thị Mai làm nấm Sò không ai mà không biết.

Xuất thân từ gia đình công nhân viên chức chị được gia đình cho đi học lớp Trung cấp Kế toán tại Cộn (Quảng Bình). Năm 1987 chị ra Trường và lập gia đình tại Gio Linh, Quảng Trị. Chị được nhận về làm Kế toán cho Ban Kinh tế mới Bình Trị Thiên. Chồng chị công tác tại Công ty Cao su Quảng trị. Gia đình thật êm ấm hạnh phúc, ba con hai gái, một trai ra đời. Không ngờ biến cố đột ngột đến với chị; chồng bị tai nạn và qua đời. Cuộc sống chị lúc này chuyển qua một bước ngoặc, khó khăn chồng chất khó khăn. Con nhỏ, sống đất khách quê người chị như con thuyền chồng chành chưa biết về đâu. Ra thăm con Bố chị không cầm được nước mắt, nhìn thấy cảnh mấy mẹ con quá vất vả; vậy là một quyết định được đưa ra ngay trong đêm, gia đình theo ngoại về quê. Chị xin nghỉ việc cộng với số tiền tích cóp được cùng với sự hổ trợ của anh em, bà con hàng xóm ngôi nhà nhỏ được dựng lên để có chổ cho 3 mẹ con sinh sống.

Chị tâm sự: “Sau khi quyết định trở về quê là quyết định quá táo bạo từ người đang có công ăn việc làm trở thành thất nhiệp, suốt cả tháng trời chị chỉ biết khóc, cứ day dứt suy nghĩ bây giờ phải làm gì đây? Đi xin việc thì lớn tuổi rồi họ sẽ không nhận, buôn bán thì không quen. Bố mẹ anh em cưu mang thì có hạn. Một tối trên ti vi phát sóng chương trình “ Bạn nhà nông” hướng dẫn quy trình làm Nấm chị như người chết đuối vớ được cái cọc; hay trời đã cho cho chị cơ hội rồi đây! chị viết vội địa chỉ và vào tận nơi để học cách về làm. Chị nói: Sau 3 ngày đi về chị học được cách làm lán trại, cách chăm sóc và thu hoạch nấm, riêng phần giống thì phải mua tận Trại giống Phú Đa, Phú Vang. Khi đem chuyện làm Nấm kể cho mọi người trong gia đình ai cũng ủng hộ chị. Kế hoạch được triển khai ngay. Từ nguồn vốn ban đầu 10 triệu đồng chị đầu tư cho làm lán trại và mua giống sau 3 tháng chăm sóc thu hái trừ chi phí chị lãi được 12 triệu đồng. Thấy việc trồng Nấm cũng không tốn nhiều công sức mà lãi cũng cao chị đầu tư tiếp lứa thứ hai. Vậy là 3 tháng sau chị lãi được 14 triệu đồng. Chị tính cứ bình quân một xe giống 3.000 túi sau 3 tháng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật chị lãi ròng trên 20 triệu đồng. Từ hiệu quả rõ rệt của việc triển khai nghề trồng nấm, hiện nay tâm lý của chị rất hào hứng với mô hình phát triển ngành nghề kinh tế mới này. Nấm Sò hiện nay có giá giao động từ 20.000 - 40.000đ/kg.

Theo chị khí hậu ở Huế  được chia làm hai mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 2 năm sau, mùa mưa thường trùng với mùa lũ. Mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8 trùng với mùa nắng hạn vì vậy rất phù hợp cho việc làm Nấm các loại. Việc làm Nấm không khó, người tham gia nắm vững kỹ thuật trồng và có thể hướng dẫn lại cho người khác. Đây là nghề giúp người dân tận dụng những phế liệu của nông nghiệp là rơm rạ để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị kinh tế cao, giải quyết được việc làm và cải thiện đời sống, giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ bừa bãi gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Nấm là sản phẩm dễ tiêu thụ, chi phí thấp, thu nhập rất cao.

Việc chọn đầu tư vào trồng Nấm đã giải quyết được những khó khăn đang vướng mắc của chị Mai, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp cho các hội viên phụ nữ trên địa bàn, đây là nguồn thu nhập chính để chị đầu tư cho 03 con ăn học. Khi được hỏi đến các cháu mắt chị sáng lên niềm tự hào hạnh phúc. Gia đình khó khăn là vậy, không có Bố nhưng các cháu rất ngoan tự bảo ban nhau học tập, nhà nghèo không có tiền đi học thêm 03 chị em tự giúp nhau trong học tập cũng như giúp mẹ những việc nhẹ nhàng trong sinh hoạt hàng ngày. Đến nay cháu đầu đã học xong Đại học sư phạm Toán, cháu thứ hai Đại học sư phạm Lý, cháu thứ ba vừa thi đỗ Đại học Sư phạm tiểu học. Khi hỏi đến động lực nào để giúp các cháu vươn lên đạt được thành tích trong học tập như vậy cả 03 chị em nhìn nhau và đồng thanh trả lời: “Tụi cháu học được nghị lực từ mẹ đó”. Nguyện vọng của chị là các cháu được phân công công tác, chị được chia sẻ kinh nghiệm cho những ai ở địa bàn muốn học nghề làm Nấm từ chị để nhân rộng mô hình nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho quê hương Hương Chữ. Khi được mời chụp bức ảnh chị bên mô hình trồng nấm, chị bẽn lẽn thôi em cứ chụp hình ảnh đừng chụp chị vì chị không ăn ảnh đâu, lớn tuổi rồi không được như xưa sẻ có người xót cho chị đó!

                                                          Thu Hương

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.117.578
Truy câp hiện tại 9.991