Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
69 năm Ngày truyền thống ngành Thể dục Thể thao Việt Nam 27/3 (1946-2015)
Ngày cập nhật 01/04/2015

1. Lịch sử ra đời ngành Thể dục Thể thao Việt Nam

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đất nước vừa giành được độc lập, dân tộc đã gặp phải biết bao khó khăn, trở ngại bởi thù trong giặc ngoài, cộng thêm với nền kinh tế do chế độ cũ để lại rất nghèo nàn lạc hậu, nhân dân nhiều nơi đói rét, dịch bệnh hoành hành, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, thất học và mù chữ nặng nề. Trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đề ra nhiều chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời nhằm đẩy lùi những khó khăn trở ngại và Người kêu gọi đồng bào cả nước chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Đồng thời do nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vai trò sức khỏe con người, sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm ký Sắc lệnh thành lập ngành Y tế và ngành Thể dục Thể thao của nước Việt Nam mới.

Vào ngày 31 tháng Giêng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, tiền thân của ngành Thể dục Thể thao ngày nay. Ngành Thể dục Thể thao mới ra đời có nhiệm vụ liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Để tăng cường và mở rộng các hoạt động Thể dục Thể thao và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27/3/1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.

Ngành Thể dục Thể thao mới, là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Đây là cơ quan quản lý, điều hành công tác Thể dục Thể thao trong phạm vi cả nước. Ngành Thể dục Thể thao mới là cơ quan đặc trách công tác Thể dục Thể thao vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Điều đó chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám.

Bác Hồ, tấm gương sáng trong việc rèn luyện thân thể

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền Thể dục Thể thao mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Để đáp ứng điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Người như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền Thể dục Thể thao mới của nước Việt Nam mới.

Cuối tháng 3 năm 1946, Hồ Chủ tịch viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” do Bác Hồ tự tay viết với văn phong bình dị, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được. Người viết:

“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.

Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.

Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.

Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.

Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.

Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.

Tự tôi ngày nào cũng tập”.

“Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ với ý tưởng cao đẹp của Người có ảnh hưởng sâu sắc tới tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của vị lãnh tụ kính yêu. Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27/3/1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào “Khỏe vì nước” sôi nổi. Phong trào “Khỏe vì nước” thực chất là bước đầu của nền Thể dục Thể thao mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.

Với những việc làm như: Ra Sắc lệnh thành lập ngành Thể dục Thể thao, viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, đích thân phát động phong trào Khỏe vì nước phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền Thể dục Thể thao mới của nước Việt Nam mới.

Với các tên: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban Thể dục thể thao Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban Thể dục Thể thao (1960), Ủy ban Thể dục thể thao đã giữ được vị trí Thể dục Thể thao trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau, lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và tham gia phong trào quốc tế.

Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất coi trọng công tác đối ngoại của Thể dục Thể thao. Người cho rằng đó là một phương tiện quan trọng để giao lưu, đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng quốc tế. Vì vậy, mọi hoạt động đối ngoại ở trong nước hay quốc tế cũng đều phải đặt mục tiêu đoàn kết, hữu nghị lên hàng đầu.

2. Ngày Thể thao Việt Nam 27/3

Cách đây tròn 24 năm, ngày 29/01/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. “Ngày Thể thao Việt Nam” bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử buổi ban đầu của nền Thể dục Thể thao cách mạng.Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Bác cũng là người khai sinh nền Thể dục Thể thao của chế độ mới.

Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao TW có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.

Gần hai tháng sau, căn cứ theo Quyết định của Quốc dân Đại hội Việt Nam (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2/3/1946 định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục TW. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc Gia giáo dục, Phòng Thể dục Trung ương đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục TW cũ.

Cũng trong ngày 27/3/1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”.

Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền Thể dục Thể thao cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về Thể dục Thể thao .

Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào Khoẻ vì nước rầm rộ trong năm 1946. Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27/3 được Nhà nước ta lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm.

3. Hoạt động thể thao ở thị xã Hương Trà

Trong những năm qua thực hiện Nghị quyết Đảng bộ thị xã Hương Trà về việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đã được các cấp ủy đảng chính quyền từ thị xã đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo quần chúng nhân dân.

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng dòng họ và các dân cư trên địa bàn, đến nay đã có 29.530 người/ 119.070 người tập luyện thể thao thường xuyên đạt tỷ lệ 24,8%. Số gia đình tập luyện thường xuyên 4.048 hộ/24.238 hộ đạt tỷ lệ 16,7% . Có 100% số trường học thực hiện giáo dục thể chất có nề nếp. Với 92 câu lạc bộ duy trì và hoạt động thường xuyên, hiệu quả tiêu biểu như câu lạc bộ cầu lông tại trung tâm thị xã, tại nhà thi đấu đa năng Trường THPT Đặng Huy Trứ, CLB bóng đá phường Hương Văn, CLB tennis khối liên cơ quan, các Câu lạc bộ Dưỡng sinh Kinh lạc thao của Hội người cao tuổi tại các làng, thôn, xã, phường,... Sự nghiệp thể dục thể thao được phát triển mạnh mẽ, thiết chế thể thao như sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu, được quan tâm đầu tư xây dựng. Công tác xã hội hóa trong hoạt động thể dục thể thao từng bước được đẩy mạnh và được đa số nhân dân đồng tình ủng hộ.

Hưởng ứng các hoạt động thể thao nhân dịp chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường trong cuộc tiến công giải phóng Thừa Thiên Huế đồng thời để nâng cao tinh thần thể thao, rèn luyện sức khỏe, Hương Trà đã tham gia giải Việt dã, giải Tenic, giải đua ghe truyền thống với kết quả chung cuộc đã giành giải nhất độ đua nam nữ phối hợp.

Mỹ Lệ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 6.487