Qua điều tra theo dõi định kỳ, đối với những vườn cây đã cho quả, cây sinh trưởng khá tốt, đang giai đoạn phát triển quả; đối với những vườn cây mới trồng- chưa cho quả, do ảnh hưởng của lụt bão kết hợp với thời tiết nắng nóng diễn ra từ đầu tháng 5 đến nay nên cây sinh trưởng chậm, lá non ra ít, đặc biệt một số diện tích trồng mới trong năm 2021, trong đó có diện tích quýt mới trồng ở Hương Toàn. Về sâu bệnh, bệnh chảy gôm gây hại bệnh phổ biến 3-5%, nơi cao tỷ lệ 5- 10% số cây, một số vườn già cỗi chăm sóc kém tỷ lệ bệnh trên 10%; sâu đục thân, đục cành gây hại rải rác 1- 3%; các đối tượng khác như sâu vẽ bùa, bệnh đốm đen, bệnh loét, ghẻ, muội đen,… gây hại rải rác.
Thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, sự phát triển của quả làm giảm năng suất, chất lượng, đặc biệt các vườn cây mới trồng dễ bị chết nếu không tưới nước, bón phân đầy đủ, kịp thời. Mặt khác, thời tiết nắng nóng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch hại nói trên tiếp tục phát sinh phát triển gây hại trên diện rộng, nhất là các loài nhện, ruồi đục quả, bệnh ghẻ, loét, sâu vẽ bùa,… Để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sự lây lan và thiệt hại do sâu bệnh gây ra, chúng tôi xin hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại chính trong thời gian tới như sau:
I/ Công tác chăm sóc, vệ sinh vườn:
- Hiện nay thời tiết đang nắng nóng nên cần tưới đủ nước cho cả những vườn cây đã cho quả và vườn cây mới trồng để tạo điều kiện cho cây hấp thu dinh dưỡng, đồng thời hạn chế rụng trái và giảm thiệt hại do các loài nhện nhỏ gây ra. Lưu ý nên tưới lượng nước vừa đủ ướt gốc trong một lần tưới, sau 3- 5 ngày tưới lại lần 2.
- Cung cấp đủ phân bón để cây sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt những vườn cây đang cho quả rất cần dinh dưỡng để phát triển quả. Tùy thuộc vào tuổi cây, số lượng quả trên cây để bón đủ lượng phân, đây là thời điểm bón phân đợt 3 (trước thu hoạch), trung bình bón khoảng 0,3- 0,5kg ure + 0,4- 0,8kg kali/cây kết hợp với bón phân chuồng hoai mục có ủ chế phẩm Trichoderma.
- Làm sạch cỏ dại trong vườn, cắt tỉa các cành già, cành sâu bệnh; khơi thông mương rãnh thoát nước để không bị ngập úng nếu có mưa to.
II/ Biện pháp phòng trừ sâu bệnh:
1. Đối với bệnh Đốm đen: Đây là bệnh đã xuất hiện và gây hại cục bộ khá nặng trên bưởi, thanh trà đang thời kỳ thu hoạch ở Hương Vân năm 2020, đặc biệt ở những vườn đất ẩm thấp, tỷ lệ trái rám 30-50% và trái rụng rãi rác.
- Triệu chứng: Ban đầu là những chấm tròn có kích thước khoảng 1mm, xuất hiện trên vỏ của trái còn non, sau đó phát triển rộng dần ra, màu vàng nhạt, ở giữa có màu xám, nếu nặng nhiều vết hoà lẫn nhau tạo thành mảng lớn gây rám trái.
Nếu bệnh nặng, trên vết bệnh các u nổi lên và chảy ra các giọt dịch màu vàng nâu, rồi chuyển thành màu nâu dính trên vỏ trái làm cho vỏ bị chai sượng, cùi vỏ bị nứt, có màu tím đậm lỗ chỗ, vỏ trái chuyển dần sang màu vàng úa và bị rụng sớm, hoặc bị chín ép. Bệnh thường phát sinh, phát triển, lây lan và gây hại nhiều trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, chính vì thế thường thấy bệnh gây hại nhiều sau đợt nắng nóng mà có mưa hoặc các vườn tưới đẫm nước.
- Nguyên nhân: Bệnh do nấm Diaporthecitri gây ra.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Không nên trồng quá dày, thường xuyên tỉa bỏ những cành, lá không cần thiết để tạo cho vườn luôn thông thoáng, khô ráo.
+ Thường xuyên kiểm tra vườn để kịp thời phát hiện và thu gom những trái bị bệnh đưa ra khỏi vườn chôn hoặc tiêu huỷ để giảm bớt nguồn bệnh trong vườn.
+ Khi cây đã bị bệnh nên giảm phân đạm, tăng cường thêm phân kali và phân lân. Thường xuyên kiểm tra vườn để kịp thời phát hiện bệnh, khi thấy bệnh chớm xuất hiện có thể sử dụng một trong những loại thuốc như Zincopper 50WP, Vizincop 50WP, Score 250EC… để phòng trừ.
2. Đối với sâu đục thân, đục cành: Khi phát hiện trên thân hoặc cành cây bị các lỗ đục khoét tạo thành những đường hầm, để lại những mạc gỗ rơi xuống đất cần tiến hành các biện pháp như sau:
+ Cắt bỏ những cành bị sâu đục, hoặc dùng dây thép nhỏ cho vào lỗ ngoáy và kéo sâu ra, đồng thời quét vôi vào thân và cành cây.
+ Có thể dùng bông thấm thuốc Ammate 150SC, Dylan 2EC,... nhét vào lỗ và bên ngoài trát đất để diệt sâu non.
3. Nhện nhỏ (nhện trắng, nhện vàng, nhện đỏ): Đây là loài nhện rất nhỏ mắt thường khó nhìn thấy. Khi phát hiện vỏ trái bị rám (nám), trái bị méo mó và bị rụng (hại nặng) có thể dùng vòi cao áp phun vào trái để rửa nhện, sau đó dùng một trong các loại thuốc để phun trừ như Comite 73EC, Danitol 10EC, Nissorun 5EC,... Lưu ý nên phun ướt đều trai, tán lá và đảm bảo thời gian cách li.
4. Ruồi đục trái: Ruồi thường phát sinh gây hại vào cuối vụ giai đoạn quả sắp chín, ngoài biện pháp bao quả cần theo dõi để phòng trừ bằng cách đặt thuốc dẫn dụ ruồi đục trái như thuốc Vizubon-D để hạn chế mật độ khả năng gây hại.
5. Bệnh chảy gôm: Cây bị bệnh trên cành và thân có nhựa chảy ra, phần thân và rễ dưới mặt đất bị bệnh sẽ khô và thối, cây bị bệnh nhẹ sẽ giảm năng suất, nếu bệnh nặng cành khô và cây chết.
Thường xuyên kiểm tra vườn, khi phát hiện cây bị bệnh dùng dao cạo sạch vết bệnh đến phần gỗ và dùng một trong các thuốc như Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP,... hòa nước để bôi vào vết bệnh, bôi 3- 4 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7 ngày. Hoặc dùng Agrifos 400 pha nồng độ 1 lít thuốc/1 lít nước tiêm vào thân cây. Dùng khoan với mũi khoan có đường kính 6mm, khoan trên thân ở độ sâu 2- 3cm, độ cao cách mặt đất từ 40- 50cm (đường kính thân > 10cm). Liều lượng tiêm 30ml dung dịch thuốc đã pha/xilanh, tiêm 2 lần cách nhau 30 ngày.
6. Sâu vẽ bùa: Sâu thường gây hại vào các đợt cây ra lộc non, hại nặng các vườn cây mới trồng chăm sóc kém. Cần theo dõi chặt chẽ các đợt lộc non xuất hiện, chú ý các đợt lộc sau khi mưa và sau khi tưới nước. Sử dụng một số loại thuốc như Ajuni 50WP, Trigard 100SL, Newgard 75WP,... để phòng trừ sớm khi lộc non dài 1- 2cm hoặc thấy triệu chứng gây hại đầu tiên của sâu.
Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả có múi giai đoạn phình to quả. Mong bà con tham khảo thực hiện để có một vụ thanh trà sai trái, đẹp mã.