Theo Kế hoạch, UBND thị xã giao trách nhiệm cho Phòng Lao động-TB&XH thị xã: Tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát cho các xã, phường; kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả điều tra, rà soát; báo cáo UBND thị xã và Sở Lao động – TB&XH tỉnh kết quả điều tra, rà soát. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định “5K” của Bộ Y tế, Phòng Lao động-TB&XH thị xã phân chia thành 03 lớp tập huấn trong tổng số 119 đại biểu tham dự lần này, gồm cán bộ LĐ-TB&XH, đại diện tổ trưởng tổ dân phố/thôn trưởng địa bàn có đông người khuyết tật cư trú.
Mục đích của việc điều tra, rà soát về người khuyết tật để hình thành dữ liệu, làm cơ sở xây dựng các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người khuyết tật theo quy định. Công tác điều tra, rà soát phải được tiến hành từ thôn, tổ dân phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường trực tiếp chỉ đạo triển khai và thực hiện, Điều tra viên trực tiếp đến hộ gia đình có người khuyết tật để quan sát, phỏng vấn, thu thập thông tin của người khuyết tật gồm: Thông tin về nhân, tình trạng người khuyết tật; giáo dục, dạy nghề, việc làm và thu nhập; điều kiện nhà ở và sịnh hoạt; tâm lý xã hội và hòa nhập cộng đồng; các nhu cầu cần hỗ trợ, trợ giúp xã hội.
Việc tiến hành điều tra, rà soát người khuyết tật căn cứ theo các tiêu chí đó: Luật Người khuyết tật, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật cụ thể:
Về Người khuyết tật: Là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Về dạng khuyết tật: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác.
Về mức độ khuyết tật (có 03 mức độ):
Người khuyết tật Đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn;
Người khuyết tật Nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc;
Người khuyết tật Nhẹ là người khuyết tật không thuộc 02 trường hợp quy định trên.
Sau buổi tập huấn, Chủ tịch UBND các xã, phường chủ động, triển khai điều tra, rà soát và tổng hợp kết quả báo cáo về UBND thị xã qua Phòng Lao động-TB&XH thị xã để tổng hợp chung toàn thị xã báo cáo UBND tỉnh hình hành dữ liệu toàn tỉnh, thực hiện một số chính sách đảm bảo An sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.