Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Phát triển cây ăn quả đặc sản bưởi thanh trà, quýt ở thị xã Hương Trà
Ngày cập nhật 12/10/2015

Thị xã Hương Trà có vị trí địa lý nằm ở giữa sông Hương và sông Bồ, hằng năm có lượng phù sa bồi đắp tạo nên đất đai màu mỡ rất thích hợp để phát triển cây ăn quả bưởi thanh trà, cam, quýt nói chung và cây thanh trà, quýt đã trở thành cây ăn quả đặc sản nói riêng của địa phương.

Toàn thị xã có hơn 1.000 ha đất vườn, chiếm 13,3% diện tích đất nông nghiệp, trong đó 344,7 ha cây ăn quả đặc sản bưởi thanh trà, quýt (tính đến tháng 12 năm 2014). Năm 2000 Huyện ủy (nay là Thị ủy) Hương Trà đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây đặc sản bưởi thanh tra, quýt. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết về chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chương trình phát triển cây đặc sản, việc phát triển vùng cây ăn quả đặc sản đã có những bước chuyển biến rõ rệt, đây là một chương trình được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, không chỉ phát triển ở vùng có truyền thống như Hương Vân, Hương Hồ, Hương Thọ, Hương Toàn mà đã mở rộng ra một số xã, phường khác có điều kiện như Hương An, Hương Văn, Tứ Hạ và một số xã vùng núi như Hương Bình, Bình Điền…Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn gặp một số khó khăn và tồn tại đó là: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền vận động thực hiện chương trình phát triển cây ăn quả đặc sản; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của ngưòi dân. Công tác xây dựng kế hoạch để phát triển cây ăn quả đặc sản cho từng giai đoạn còn chậm. Việc thực hiện các chính sách chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất cụ thể là cây ăn quả đặc sản thiếu đồng bộ, trồng chủ yếu là mang tính tự phát, diện tích manh mún, phân tán, chủng loại thì đa dạng và không ổn định, chất lượng không đồng đều, chưa tạo ra bước đột phá để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Việc trồng và chăm sóc, người dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cây phát triển chậm, cho sản phẩm không cao, tỷ lệ cây chết hằng năm cao nhưng chưa có các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp một cách có hiệu quả và kịp thời. Do vậy, phong trào phát triển cây ăn quả đặc sản chững lại. Điều đáng lưu tâm là cho đến nay sản phẩm bưởi thanh trà, quýt của Hương Trà chưa có nhãn hiệu hàng hóa nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển sản xuất. Chưa thành lập được các tổ chức hoặc nhóm hộ đứng ra thu mua hoặc bao tiêu sản phẩm. Bưởi, thanh trà thường bị tư thương ép giá làm cho giá trị thương phẩm của cây đặc sản giảm, ảnh hưởng đến uy tín chất lượng cũng như thu nhập của người dân.

Trước tình hình và thách thức đó, Thị ủy, Ban Thường vụ Thị ủy đã chỉ đạo quyết liệt và giao cho Ủy ban nhân dân thị xã xây dựng kế hoạch cụ thể tiếp tục thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển cây đặc sản trên địa bàn; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 cũng đã đưa ra giải pháp phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả đặc sản thanh trà, quýt của địa phương là 410 ha trong thời gian tới đó là: Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục tham gia chương trình phát triển cây ăn quả đặc sản ở những vùng có điều kiện; tiến hành quy hoạch, rà soát các điều kiện đất đai cụ thể để bố trí từng loại cây ăn quả đặc sản thích hợp; tập trung trồng mở rộng cây thanh trà ở phường Hương Vân; các giống bưởi trồng ở phường Hương Hồ, xã Hương Thọ và một số xã miền núi có điều kiện đất đai phù hợp; quýt ở Giáp Kiền xã Hương Toàn; tăng cường quản lý chất lượng giống, quản lý chặt chẽ cả ba khâu đúng giống, chọn giống từ cây mẹ tốt, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; thường xuyên làm công tác tuyển chọn và bảo tồn cây đầu dòng, hướng dẫn nông dân kỹ thuật nhân giống, chủ lực là cành chiết nhằm để hạn chế giống bị thoái hóa, giảm chất lượng sản phẩm; huy động nguồn vốn trong dân là chính, hàng năm bố trí một phần ngân sách thị xã từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ cho nông dân cải tạo vườn tạp và phát triển trồng mới cây ăn quả đặc sản mới; thường xuyên tổ chức tập huấn cho người nông dân về kỹ thuật làm vườn và các biện pháp kỹ thuật mới như phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân hợp lý, mật độ trồng thích hợp, kỹ thuật tạo tán, tỉa cành, kỹ thuật bao trái ... để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Với những giải pháp nêu trên hy vọng trong thời gian tới cây ăn quả đặc sản bưởi thanh trà, quýt của Hương Trà sẽ có vị thế và nhãn hiệu trên thị trường với chất lượng tốt và thu nhập của người dân trồng cây ăn quả đặc sản của Hương Trà sẽ cao hơn, góp phần xây dựng quê hương Hương Trà ngày càng giàu, đẹp.

Mai Thanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.117.578
Truy câp hiện tại 9.717