Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Hướng dẫn sử dụng thuốc trừ cỏ hại lúa vụ Hè Thu 2024
Ngày cập nhật 13/05/2024

Cỏ dại là một đối tượng dịch hại rất nguy hại mang tính cạnh tranh và lấn át trực tiếp làm lúa chậm phát triển. Trên đồng ruộng lúc nào cũng có sự tồn tại của nhiều loại cỏ dại, nếu không có biện pháp quản lý phù hợp, kịp thời thì chúng sẽ phát triển nhanh gây áp lực về chi phí đầu tư. Theo các tài liệu chuyên môn nông nghiệp cho hay rằng khả năng thích ứng và tồn tại của cỏ dại luôn cao hơn cây lúa rất nhiều dù trong điều kiện thời tiết rét hay nắng nóng, phèn mặn,…. Nếu sử dụng thuốc trừ cỏ không đúng kỹ thuật thì cỏ sẽ không chết, hoặc gây ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa như vàng lá, xoắn lá,… hoặc có thể gây chết lúa.

Vụ Hè Thu 2024, kế hoạch gieo cấy toàn thị xã khoảng 1.620 ha lúa. Để phòng trừ cỏ dại cho ruộng lúa có hiệu quả, cần áp dụng các biện pháp quản lý cỏ dại tổng hợp tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế cỏ dại phát triển, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn một số biện pháp sau:

1. Biện pháp canh tác

- Trước khi cày lật đất cần tiến hành thu gom cỏ dại, nhất là bông cỏ đem tiêu hủy, làm đất kỹ, mặt ruộng phải bằng phẳng, thoát nước tốt, tránh để nước đọng cục bộ trong ruộng, trước khi gieo sạ cần bón phân lót đầy đủ để cây lúa sinh trưởng và phát triển khỏe, lấn át cỏ dại.

- Sử dụng giống lúa xác nhận, giống có chất lượng, có tỷ lệ mọc mầm cao để gieo sạ nhằm hạn chế khả năng lẫn tạp hạt cỏ từ nguồn giống. Trước khi ngâm ủ cần sàn sẩy để loại bỏ hoàn toàn hạt lép, lửng và hạt cỏ dại.

- Điều tiết nước hợp lý vừa tiết kiệm nước vừa để đủ cấp nước cho cây phát triển và hạn chế cỏ dại phát triển.

2. Biện pháp hóa học:

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc trừ cỏ, mỗi loại có tính năng tác dụng diệt cỏ, cách sử dụng khác nhau và được chia thành 2 nhóm chính: tiền nảy mầm và hậu nảy mầm.

a) Nhóm thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm:

- Các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm đều có chất an toàn đối với cây lúa: Sofit 300 EC, Prefit 300EC, Vifiso 300 EC, NewYorkFit-Usa 370EC, Buffalo 360EC, Weeder 300EC, Meco 60 EC,… 

- Đối tượng phòng trừ là các loại cỏ mọc từ hạt (hạt cỏ chưa nảy mầm) như cỏ lồng vực, đuôi phụng, nhóm cói lác và một số cỏ lá hẹp,...

b) Nhóm thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm:

- Thường không có chất an toàn nên khả năng an toàn đối với cây lúa không cao, sử dụng khi cỏ đã mọc mầm, gồm: Sunrice 15WDG, Sirius 10 WP, Comprise 60 OD, Pyanchor 3EC, Ankilla 40WP,…

- Đối tượng phòng trừ là các loại cỏ đã nảy mầm như cỏ lồng vực, đuôi phụng, cói lác và cỏ lá rộng (cỏ dừa, rau sam, rau bợ, cỏ me, ...).

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc BVTV:

- Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách. Đọc kỹ nhãn hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc, tránh sử dụng thuốc nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến cây lúa.

- Không được trộn chung thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm với hậu nảy mầm, không trộn với các loại thuốc bảo vệ thực vật khác (kể cả phân bón lá) khi sử dụng.

- Đối với thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm khi phun giữ ẩm trong ruộng lúa, không để ruộng khô nước, nứt nẻ, không để nước đọng cục bộ trên ruộng. Đối với thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm khi phun thuốc phải có một lớp nước mỏng 1-2cm, không để nước ngập ngọn cỏ để cỏ tiếp xúc với thuốc.

- Không phun thuốc khi thời tiết nắng nóng quá cao hoặc trời chuẩn bị mưa to, gió lớn, không phun chồng lối, nhất là đối với thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm không có chất an toàn ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây lúa, hiệu lực phòng trừ thấp.

- Sau khi sử dụng xong phải xử lý, thu gom bao gói thuốc trừ cỏ vào đúng nơi quy định, không đổ thuốc trừ cỏ dư thừa sau sử dụng vào nguồn nước sông, hồ, ao, suối, … Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc trừ cỏ để hạn chế sự hình thành tính kháng thuốc trừ cỏ.

Phước Lễ - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 2.634