Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Trung tâm DVNN: Tập huấn kỹ thuật 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa
Ngày cập nhật 30/05/2024

Từ ngày 28/5/2024 - 31/5/2024 thực hiện chương trình lúa nước của Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hương Trà triển khai tập huấn kỹ thuật cho 08 HTXNN trên địa bàn thị xã có tham gia thực hiện mô hình sản xuất lúa theo 3 giảm 3 tăng vụ Hè thu năm 2024.

Kỹ thuật sản xuất áp dụng  mô hình 3 giảm 3 tăng trên cây lúa

Mục tiêu áp dụng 3 giảm 3 tăng

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến tiến để chăm sóc cây trồng và quản lý dịch hại giúp giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả sản xuất.

Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc trồng lúa nhằm tăng thu nhập cho những nông dân trồng lúa và bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Bộ NN và PTNT đã quyết định thành lập và xây dựng chương trình 3 giảm - 3 tăng áp dụng cho canh tác lúa.

Để bà con nông dân hiểu rõ về chương trình này, chúng tôi sẽ thông tin một số khái niệm, mục tiêu và nội dung chương trình. Trước hết phải hiểu 3 giảm - 3 tăng là gì?

I. 3 giảm trong sản xuất lúa:

1. Giảm giống:

Người ta đã làm nhiều khảo nghiệm và thấy rằng nếu gieo dày cây lúa ít đẻ nhánh hoặc không đẻ nhánh, thậm chí các dảnh con còn chết dần cho đến khi lúa trổ. Gieo dày hạt lúa nhỏ, chất lượng thấp. Nhiều loại sâu bệnh sẽ phát triển mạnh trên ruộng gieo dày như: Rầy các loại, Nhện Gié, Bệnh khô vằn, bệnh lem lép hạt…Gieo càng dày bón phân càng nhiều.

Từ đó người ta đã rút ra lượng giống cần gieo cho 1 sào 500m2 là 3,5-4kg, giống phải dùng là giống xác nhận.

2.Giảm lượng phân bón (phân Đạm)

Bón phân cân đối và hợp lý dựa vào điều kiện đất đai, thời tiết và tình hình sinh trưởng để quyết định. (Trông trời, trông đất, trông cây)

Bón đủ lượng và cân đối các nguyên tố N, P, K theo nhu cầu dinh dưỡng từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Như chúng ta đã biết ruộng gieo thưa bón ít phân hơn ruộng gieo dày. Các nhà khoa học nông nghiệp đã tính, để đạt năng suất tối đa của cây lúa chỉ cần bón như sau: (tính trên mỗi sào): Phân lân: 15-25kg tùy theo đất, ure: 12-14kg tùy đất và giống lúa, kali: 3-6 kg tùy theo mùa vụ. Phân phải bón đúng thời điểm: cần nhất là bón lót, bón thúc kịp thời khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh và bón đúng thời điểm cây lúa có tượng khối sơ khởi. Mỗi lần bón phân ure nên bón 2,5-3kg/sào, 2 lần bón thúc cách nhau 7-10 ngày.

3. Giảm thuốc hóa học:

Thông thường ruộng thưa sẽ ít sâu bệnh hơn ruộng dày, ruộng có bón lót, bón phân đúng quy trình trên, một số đối tượng gây hại giai đoạn đầu như bọ trĩ, sâu keo, rầy lưng trắng…sẽ không thể gây hại nặng. Hơn nữa cây lúa có khả năng đền bù rất lớn, cho nên từ khi gieo đến 35-40 ngày ( tùy vụ), không cần phun thuốc trừ sâu bệnh. Sau giai đoạn trên, nếu có sâu bệnh cũng có ngưỡng để phun, ví dụ: sâu cuốn lá nhỏ nếu ruộng chưa có đòng 50con/m2, nếu có đòng 20c/m2, Rầy nâu trên 1000con/m2,… mới phun thuốc.

II. 3 tăng trong sản xuất lúa:

1. Tăng năng suất:

Qua khảo nghiệm người ta thấy nếu gieo thưa hay gieo dày cây lúa cũng chỉ cho tối đa 500 bông/m2, khả năng 1 hạt lúa khi mọc sẽ  cho trung bình khoảng 12 bông tùy mức độ gieo dày hay thưa, những bông lúa gieo thưa số hạt nhiều và to  hơn những bông lúa gieo dày…Do đó năng suất tăng.

2.Tăng chất lượng:

Gieo thưa hạt gạo to, ít gãy khi xay xác, tỷ lệ gạo xay cao. Ít phun thuốc hóa học, hạt gạo đảm bảo chất lượng hơn đối với con người. 

3.Tăng hiệu quả kinh tế:

Từ 3 giảm trên, nhưng ruộng không giảm năng suất và tăng chất lượng, nên hiệu quả kinh tế cao.

Quy trình kỹ thuật bón phân cho mô hình sản xuất lúa 3 giảm, 3 tăng

Tính cho 1 sào (500m2)

a)  Vôi bột: 20kg, bón trước lúc cày lần 1, muộn nhất là trước lúc gieo sạ 15 ngày.

b) Phân chuồng ( Nếu có): 200-400kg, bón trước lúc làm đất lần cuối. Hoặc thay thế phân hcvs 20-25kg/sào.  Phân lân 20kg

c) Phân hóa học: có thể bón phân đơn hoặc NPK kết hợp với phân đơn (tốt nhất là bón phân đơn để dễ cân đối, tiết kiệm chi phí và hạn chế một số phân không đảm bảo chất lượng).

+ Phân bón: nên dùng phân đơn, hiệu quả sẽ cao hơn.

- Lượng dùng: Phân lân: 20kg, Urê: 12kg, Kali: 6kg.

- Cách bón: Bón lót: Toàn bộ vôi, phân HCSH, phân lân + 3kg Urê + 3kg Kali.

Bón thúc l: khi cây lúa 3-4 lá, bón 3kg Urê.

Bón thúc 2: sau thúc lần 1 từ 10-12 ngày, 3kg Urê.

Bón thúc lần cuối: khi cây lúa có tượng khối sơ khởi (có đòng đất ): bón 3kg Urê và 3kg kali./.

Bá Phú - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 2.664