Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Chỉ thị tăng cường quản lý công tác tổ chức bộ máy và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh
Ngày cập nhật 04/09/2018

Ngày 25/8/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc tăng cường quản lý công tác tổ chức bộ máy và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh, nội dung Chỉ thị như sau:

 

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện khá nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý tổ chức bộ máy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tổ chức bộ máy bên trong của một số sở, ban, ngành từng bước được sắp xếp tinh gọn, phù hợp; khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp giữa các cơ quan, đơn vị; công tác tổ chức, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Nhận thức chính trị, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức bộ máy, việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tổ chức bộ máy của một số cơ quan vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, mối quan hệ phối hợp của một số cơ quan, tổ chức chưa thật sự rõ ràng; việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, số đơn vị sự nghiệp chuyển sang cơ chế tự chủ kinh phí hoạt động chưa nhiều. Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan hành chính chưa nghiêm; tiến độ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm và xử lý chưa kịp thời, còn tình trạng nể nang, bao che. Tác phong, lề lối làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự nghiêm túc, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm giờ giấc làm việc, còn xảy ra tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực thi công vụ… Những tồn tại, hạn chế trên đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kỷ luật, kỷ cương nền hành chính của tỉnh. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Tổ chức quán triệt ngay các nội dung, yêu cầu của Chỉ thị tới các cơ quan, đơn vị, bộ phận trực thuộc; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; các kế hoạch của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết nêu trên gắn với việc thực hiện tinh giản đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế so với biên chế được giao năm 2015.

c) Xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 60-KH/TU ngày 13/3/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 và Kế hoạch số 69-KH/TU ngày 24/4/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); Chương trình hành động số 99/CTr-UBND ngày 28/5/2018 và số 100/CTr-UBND ngày 28/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

d) Thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm tối đa đầu mối bên trong của các sở, ban, ngành; hợp nhất, sáp nhập các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc có mối liên hệ chặt chẽ, bảo đảm quy mô hợp lý; giải thể các tổ chức hoạt động không hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc quy định tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và quy định về số lượng cấp phó. Tiếp tục phân cấp, ủy quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng một việc chỉ giao cho một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm.

đ) Tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ, Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 20/7/2016 của Tỉnh ủy và Quyết định số 639/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định rõ nhiệm vụ cải cách hành chính trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với lộ trình cải cách hành chính của tỉnh và điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ, đảm bảo 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa, không để xảy ra tình trạng trễ hạn hoặc hồ sơ phải bổ sung nhiều lần gây phiền hà, mất lòng tin của nhân dân. Quan tâm đầu tư nguồn lực cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

e) Khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế để tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tính chất nghiêm trọng; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các vấn đề xã hội quan tâm.

g) Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; đôn đốc, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; thực hiện nghiêm túc việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà, vi phạm quy tắc ứng xử trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục cấp các loại giấy phép đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, đăng ký hộ khẩu, cấp lý lịch tư pháp, tuyển dụng, công chứng, chứng thực, khám chữa bệnh, lao động - thương binh và xã hội....

- Thực hiện nghiêm túc có trách nhiệm việc tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan lĩnh vực của ngành, địa phương phụ trách.

- Bố trí thành viên tham gia đầy đủ, đúng thành phần, đúng giờ các cuộc họp do lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì. Khi tham dự các cuộc họp, phải chủ động chuẩn bị các nội dung để tham gia góp ý kiến về các vấn đề để được thảo luận tại cuộc họp.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban tuần theo Quy chế làm việc của đơn vị mình.

- Thực hiện Quy định đi công tác ngoài địa phương, đi công tác nước ngoài. Sau hội thảo, hội nghị có báo cáo đề xuất kiến nghị cho Chủ tịch UBND tỉnh về các giải pháp, nội dung cần tập trung chỉ đạo các địa phương liên quan nội dung hội thảo, hội nghị.  

h) Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc và phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh; xây dựng và tổ chức triển khai đánh giá, xếp loại hàng quý, năm trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị. Loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức không đủ phẩm chất, năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm; nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

i) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả gám sát từ nhân dân; về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

- Thực hiện việc kiểm tra, thanh tra dưới hình thức đột xuất, không báo trước, mỗi cơ quan, đơn vị kiểm tra ít 01 lần/tháng.

- Triển khai hệ thống camera giám sát hoạt động bộ phận 01 cửa trên phạm vi toàn tỉnh; hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của công dân, tổ chức. Xem đây là những giải pháp quan trọng để giám sát, đánh giá cán bộ, công chức khi tham gia giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức.

2. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

a) Chấp hành nghiêm túc Chỉ thị này và Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính tổ chức, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền. Thực hiện nghiêm túc công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công.

c) Thực hiện nghiêm nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy định trong văn hóa hội họp. Nghiêm cấm sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không được đánh bạc dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật và không xem xét các hình thức thi đua, khen thưởng có cán bộ, công chức vi phạm.

3. Sở Nội vụ

a) Là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi tình hình và kết quả triển khai Chỉ thị này tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy tổ chức thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định. Báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương chưa thực hiện các văn bản của Trung ương và của tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

c) Triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ Công tác về kiểm tra công vụ do Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ trưởng kiểm tra về công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, tổ chức và doanh nghiệp; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

4. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

a) Triển khai các Hệ thống thông tin nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; trách nhiệm tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức; thực hiện chương trình công tác của UBND tỉnh.

b) Triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ Công tác của Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, do Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Tổ trưởng kiểm tra các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kết luận, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và Báo Thừa Thiên Huế

Đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động các gương “Điển hình tiên tiến”, “Người tốt, việc tốt”, các sáng kiến, giải pháp, cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong công việc của các cá nhân, tổ chức, đơn vị; phát hiện, phản ánh và đưa tin kịp thời những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

Nguồn (thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.275.161
Truy câp hiện tại 11.874