Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin – Giải pháp hiệu quả cho Cải cách hành chính
Ngày cập nhật 16/10/2018

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bộ máy quản lý hành chính là một xu thế tất yếu. Dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND thị xã, UBND phường Hương Xuân đang tập trung phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính và xây dựng Chính quyền điện tử. Với sự chủ động, tích cực vào cuộc của mỗi một cán bộ, công chức cơ quan phường, việc ứng dụng CNTT đang có sự phát triển đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và hiệu quả công tác cải cách hành chính ở địa phương.

 

Trong  những năm trở lại gần đây, phường Hương Xuân đã luôn quan tâm ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và chỉ đạo điều hành, góp phần nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn. Hàng năm UBND phường đều cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ về ứng dụng CNTT, từng bước chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống sang ứng dụng CNTT trong công việc. Hiện nay, 100% máy tính trong cơ quan phường đều kết nối Internet để giao dịch và khai thác thông tin qua mạng (trừ máy phục phụ soạn thảo, lưu tữ văn bản mật), hầu hết cán bộ công chức phường có thể làm việc trên máy tính, trao đổi thông tin qua thư điện tử công vụ và khai thác hiệu quả Internet. Năm 2018 này, phường đã triển khai hệ thống một cửa điện tử hiện đại, đến nay đang từng bước cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3. Hiện nay, phường Hương Xuân đã triển khai sử dụng tốt các phần mềm dùng chung trong hệ thống ứng dụng được tích hợp SSO của tỉnh, đặc biệt là ứng dụng phầm mềm Dịch vụ công tập trung của tỉnh, cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân tại UBND phường, nhằm chuẩn hóa, thống nhất về quy trình, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ cũng như thống kê tình hình xử lý hồ sơ một cách thuận tiện, nhanh chóng, tránh tình trạng “ngâm”, thất lạc hồ sơ. Theo đó,  ngày 27/9/2018, UBND thị xã Hương Trà chính thức ký ban hành Quyết định số 846/QĐ-UBND về ban hành bộ tiêu chí và phương pháp đánh giá mức độ chính quyền điện tử các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thị xã và UBND các phường, xã trên địa bàn thị xã Hương Trà, đây chính là nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn thị xã nhằm hướng tới một hệ thống chính quyền điện tử toàn diện. Do đó, cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng về nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới thì hạ tầng CNTT cũng được chú trọng đầu tư, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu tin học hóa đối với cấp phường, xã, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cho cán bộ công chức. Việc mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại như máy chiếu, máy quét (scan) phục vụ cho công tác ứng dụng CNTT cũng được quan tâm. Tỷ lệ cán bộ công chức được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn tại cơ quan phường đạt cơ bản 100%. Song song với việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, địa phương đã đẩy mạnh việc triển khai nhiều phần mềm ứng dụng trong công tác chuyên môn và quản lý Nhà nước như: Phần mềm Đăng ký và quản lý hộ ; Phần mềm Kế toán; Phần mềm kê khai Bảo hiểm xã hội điện tử; Phần mềm Dịch vụ khai báo BHXH điện tử VNPT. Đối với phần mềm Dịch vụ công tập trung, đã sử dụng thành thạo và triển khai giao dịch 526 thủ tục hành chính mức độ 2, 3.

Ứng dụng CNTT, xây dựng Bộ phận TN&TKQ hiện đại phường để quản lý việc giải quyết thủ tục hành chính, làm cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Người có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, chờ đến khi hồ sơ được giải quyết xong (theo phiếu hẹn) thì đến nhận kết quả, không cần phải tiếp xúc với cán bộ giải quyết hồ sơ của mình.  Các bước giải quyết thủ tục hành chính được mô hình hóa bằng phần mềm, do đó được lưu giữ lại trong cơ sở dữ liệu. Từ đó kiểm soát được việc hồ sơ do ai giải quyết (theo từng công đoạn), việc giải quyết có chậm trễ ở người/công đoạn nào hay không? Còn hồ sơ được luân chuyển giữa các bộ phận bằng 2 hình thức là chuyển thủ công đối với hồ sơ giấy và chuyển qua mạng đối với hồ sơ điện tử. Việc tiếp nhận hồ sơ cũng có 2 con đường: Nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc nộp hồ sơ điện tử qua mạng đối với những thủ tục hành chính được chuyển thành dịch vụ hành chính công mức độ 2,3.

Việc triển khai đồng thời Bộ phận TN&TKQ hiện đại và Dịch vụ công trực tuyến của UBND tỉnh là một việc làm sáng tạo, vừa tăng được tính đồng bộ của các ứng dụng  giải quyết thủ tục hành chính, vừa giảm chi phí và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, để dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả, cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo cho người dân hiểu và biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cần làm cho người dân biết rằng, sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ có nhiều lợi ích như: Tiết kiệm thời gian, giấy tờ, chi phí đi lại; Có thể nộp hồ sơ bất kể giờ nào trong ngày, ngày nào trong tuần và tại bất cứ địa điểm nào, chỉ cần có thiết bị truy cập được vào Internet; Hồ sơ chắc chắn được giải quyết, không phải mất "tiêu cực phí". Đồng thời, để tăng nhanh số lượng hồ sơ trực tuyến, cần thiết phải có những biện pháp giúp đỡ người dân, ví dụ làm giúp hồ sơ, hướng dẫn sử dụng dịch vụ… Có thể phát động thành phong trào giúp dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh.

Đối với cán bộ, công chức, phải nghiêm túc thực hiện ứng dụng phần mềm chữ ký số; chữ ký số là chữ ký điện tử, người ký dùng một phần mềm để gắn nó vào văn bản điện tử thay cho chữ ký tay trên giấy (và có thể thay cho cả con dấu của tổ chức. Nhờ có chữ ký số mà tính pháp lý của văn bản điện tử có thể coi là tương đương văn bản giấy. Như vậy, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong  giao dịch với nhau, sử dụng  hoàn toàn bằng văn bản điện tử, trừ các văn bản mật theo quy định của pháp luật.

Để làm tốt việc xây dựng chính quyền điện tử, việc đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ, công chức phụ trách CNTT phường, xã là một nhiệm vụ không thể bỏ qua; để triển khai các ứng dụng, hướng dẫn sử dụng, khắc phục sự cố, đặt ra và tham gia giải quyết các bài toán về ứng dụng nghiệp vụ thì họ phải được nắm vững các kế hoạch CNTT, tham gia triển khai, đào tạo người dùng, học quản lý hệ thống thông tin riêng của cơ quan. Họ cũng cần được bồi dưỡng thường xuyên về công nghệ mới, các kiến thức về an toàn dữ liệu và an ninh mạng. Ngoài ra, cần có chế độ khuyến khích họ xây dựng hoặc đề xuất các ứng dụng nghiệp vụ cho cơ quan dựa trên Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh.

Trong những năm vừa qua, ứng dụng CNTT của phường đã khởi sắc, nhưng để thực hiện đạt mục tiêu xây dựng CQĐT gắn với cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả cao; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 trên phạm vi toàn phường hướng đến Mức độ đạt được của chính quyền điện tử cấp thị xã, tỉnh; ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao... cần tiếp tục có chiến lược đầu tư hiệu quả, có sự đoàn kết, nỗ lực, chung sức phấn đấu của cả hệ thống chính trị.

 

Diệu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 9.275.161
Truy câp hiện tại 10.645