Tìm kiếm thông tin
Đơn vị hỗ trợ
Một số biện pháp phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa vụ Hè Thu
Ngày cập nhật 20/05/2024

Vụ Hè Thu 2024, thị xã Hương Trà gieo sạ khoảng 1.620ha lúa, đến nay các hợp tác xã và các tổ chức khác đang tiến hành gieo sạ. Sau khi gieo sạ 5 - 7 ngày sẽ đưa nước vào ruộng là điều kiện để ốc bưu vàng (OBV) phát triển gây hại, đặc biệt các ruộng thấp trũng ốc sẽ gây hại nặng. Ốc bươu vàng hiện đang là đối tượng dịch hại nguy hiểm cho cây lúa vì phá hại và sinh sản rất nhanh. Việc phòng trừ ốc bươu vàng hiện đang là một vấn đề rất cấp bách trong sản xuất nông nghiệp bởi lúa giai đoạn mạ là giai đoạn mà ốc bươu vàng phá hoại mạnh nhất.

1. Đặc điểm sinh học và phát sinh gây hại của ốc bươu vàng

OBV là loài sinh vật ngoại lai xâm hại, là đối tượng ăn thực vật, thức ăn ưa thích là xà lách, mạ non, rau muống… đặc biệt là mạ dưới 3 tuần tuổi có thể bị ốc cắn ngang thân gây thiệt hại trên đồng ruộng, khi ốc bươu vàng phát triển ở mật độ cao có thể làm ruộng mất trắng. Các nghiên cứu cho thấy, 1con ốc bươu vàng (2 - 3 cm)/m2 gây hại trong giai đoạn lúa 3 – 20 ngày sau gieo sẽ làm giảm 15 - 20% năng suất lúa, nếu mật độ 6-10 con ốc /m2 thì ruộng lúa sạ sẽ mất trắng sau 1 ngày đêm.

OBV chỉ sống trong điều kiện nước ngọt. Ruộng chua, phèn, độ pH < 4 ốc không sống được. Ốc có thể sống tới 3 năm.

Trứng được đẻ thành từng ổ trên bẹ lá, thân cây lúa, trên bờ ruộng hoặc các thân cây, que cọc trên ruộng lúa, 1 ổ có khoảng 150 - 300 trứng. Trung bình 1 OBV cái có thể đẻ 500 - 1.000 trứng.

OBV sống và gây hại chủ yếu trong nước, tuy nhiên ốc cũng có thể sống trên cạn. Trong điều kiện bất lợi (khô hạn) ốc vùi mình xuống đất từ 5 - 30 cm, khi có điều kiện thuận lợi (ruộng có nước) ốc trồi lên cắn phá trở lại. OBV có thể gây hại suốt ngày đêm, tuy nhiên thường gây hại chủ yếu vào chiều - tối.

OBV hoạt động mạnh trong điều kiện nhiệt độ ấm, trời mát. Tuy nhiên nếu nhiệt độ xuống dưới 15oC và trên 38oC OBV vẫn sống bình thường.

2. Biện pháp phòng trừ

Biện pháp phòng trừ thủ công, canh tác:

Các ruộng sau khi thu hoạch, không đưa nước vào ruộng sớm, chỉ giữ ruộng đủ ẩm, để hạn chế OBV di chuyển và gây hại. Khi làm đất cần cày bừa kỹ, cày sâu để diệt OBV nằm vùi dưới ruộng. Sau khi thu hoạch, bà con cày lật ngay để hạn chế OBV lứa sau.

Thu bắt ốc, trứng ốc.

Có thể sử dụng thức ăn như lá khoai, rau muống... dẫn dụ ốc tập trung đến ăn để dễ thu gom.

Đánh rảnh thoát nước (25 x 5 cm) cách nhau 10 - 15m trên ruộng để ốc đến sống tập trung trong rảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom bằng tay.
        Đặt lưới, phên tre chặn mương nước vào ruộng, ngăn ốc xâm nhập và bắt ốc dễ dàng. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch.

Vét rãnh hoặc tạo các vũng nước trên ruộng để gom ốc xuống rãnh dễ thu gom.

Cho nước vào ruộng sớm (trước khi sạ) để nhử ốc trồi lên, sau đó tiến hành cày diệt ốc.

Làm đất kỹ bằng phẳng, tránh để những khu vực trũng nước trên ruộng.

Đối với những ruộng mới gieo sạ hay ruộng lúa đang đẻ nhánh bị OBV gây hại, nên giữ mực nước xăm xắp để hạn chế sự di chuyển và phát tán gây hại của OBV, đồng thời cần dặm bổ sung ngay kết hợp với tăng cường khâu chăm sóc, bón phân để thúc đẩy sự đẻ nhánh của cây lúa.

Biện pháp hóa học: Trong trường hợp mật độ OBV phát triển mạnh đặc biệt giai đoạn mạ - đẻ nhánh có thể dùng các loại thuốc hóa học sau để phòng trừ như: Bosago 12AB, Honeycin 6GR, Kill snail 10GR, Milax 100GB, … Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, tuân thủ hướng dẫn trên bao bì.

Nguyễn Thị Thương - Trung tâm DVNN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.668.671
Truy câp hiện tại 5.684