Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Gương điển hình về làm kinh tế giỏi
Ngày cập nhật 10/01/2013

Nhân chuyến công tác về xã Hương Bình ghé thăm gia đình Chị Nguyễn Thị Thúy tại Thôn Hương Sơn tôi thật sự ngỡ ngàng về sự đổi thay đến kinh ngạc. Trước mắt tôi là ngôi nhà xây trị giá cả mấy trăm triệu đồng cộng với các tiện nghi hiện đại.

Trò chuyện cùng tôi chị chậm rãi kể: Lập gia đình và định cư tại Hương Sơ lúc bấy giờ khổ không kể xiết. Cơm không đủ ăn, gia đình hai bên nội ngọai đều nghèo. 05 đứa con lần lượt ra đời trong sự thiếu thốn đó. Năm 1979 có chủ trương của Nhà nước lên xây dựng vùng kinh tế mới chị đăng ký đi ngay đợt đầu. Mới lên cũng vất vả như ở quê nhưng vấn đề lương thực các tháng đầu không phải lo vì đã có sự hổ trợ. Cả hai vợ chồng chỉ nghĩ đến phải khai hoang thật nhiều đất, trồng thật nhiều cây, thả cá trên ao rộng chừng 2000 m2 để may ra sau này đỡ khổ. Được Hội phụ nữ xét cho vay nguồn vốn 5 triệu đồng vào năm 1996 chị đầu tư vào mua cây và thả cá. Hàng ngày ngoài đi học các con chị thay nhau cắt cỏ, kiếm lá về cho cá ăn. Thu hoạch năm đầu tiên chị lãi trên 03 triệu đồng. Mua tiếp giống cá thả lứa thứ hai còn lại được gần 01 triệu chị mua các thứ hàng thiết yếu về bán cho các hộ ở trong thôn. Cần mẫn chịu khó sau 7 năm chị thu hoạch trên cả trăm triệu bạc từ rừng cây. Lúc này đã qua rồi cái thời khốn khó, chị đầu tư tiền bạc và động viên các con cố gắng tham gia học tập, kiên quyết không cho con nghĩ học giữa chừng. Nhờ mạnh dạn đầu tư, đồng lòng đồng sức của cả hai vợ chồng mà trời cũng không phụ công chị. Khai hoang, nhận đất xã giao, mua thêm đất rừng từ người khác đến nay chị đã có 16 ha rừng thương mại, 06 ha cây cao su. Bán mủ cao su mỗi ngày gần 2 triệu đồng.

Đến nay sau trên 30 năm lên vùng kinh tế mới thu nhập hàng năm mang lại cho gia đình chị trên 150 triệu đồng. Niềm vui lớn nhất của chị là các con nay đã trưởng thành, được học lên Đại học, cao đẳng, được làm cán bộ xã Hương Bình. Ngồi chơi với chị chưa đầy 30 phút mà có đến gần chục người đến mua hàng, bán mủ cao su cho chị. Nhìn chị thoăn thoắt đưa hàng, trả tiền cho khách tôi đã thốt lên “ Chị chuyên nghiệp quá, lại kiêm thêm việc mua mủ nữa à!”. Chị trả lời “Cái khó đã dạy cho chị bài học từ lòng quyết tâm chưa đủ mà phải bạo dạn, nhanh nhẹn, cởi mở may ra mới làm ăn được”. 

Không những là người làm kinh tế giỏi mà chị là hội viên tích cực trong việc vận động bà con nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí của xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ những hội viên gặp khó khăn để vươn lên thoát nghèo. Trồng rừng, khai thác rừng nhưng phải giữ gìn bảo vệ môi trường. Tranh thủ thời gian chị tham gia tất cả các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ của KHKT về trồng trọt và chăn nuôi, chính vì vậy mà sản xuất của gia đình chị ít gặp rủi ro và dịch bệnh. Từ những kinh nghiệm và hiệu quả đạt  được chị trao đổi, chia sẻ cho các chị trong thôn, xã khi có hội thảo nói chuyện chuyên đề. Nhìn những đàn cá đang thi nhau ăn cỏ trong ao báo hiệu cho chị một mùa thu hoạch bội thu nữa.

Chia tay chị ra về tôi được nhận lời nhắn nhủ “Nhớ ghé nhà chị để ăn lẩu cá nhé”. Tôi thầm nhủ với lòng mình sau chuyến  công tác này về tôi sẻ nhân rộng điển hình này với những hội viên, phụ nữ đang có ý nguyện lập mô hình VAR (vườn ao rừng) để phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho gia đình.

Lê Thị Thu Hương

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 11.166