Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đền ơn, đáp nghĩa – một hoạt động thể hiện tính nhân văn cao cả và công tác đền ơn đáp nghĩa ở Hương Trà - Xuân Quý Tỵ 2013
Ngày cập nhật 05/02/2013

Đền ơn, đáp nghĩa thể hiện một phương thức sống nhân văn của những con người có văn hóa. Ở những thời đại, mỗi dân tộc, mỗi chủ thể khác nhau có quan niệm và phương thức thể hiện sự đền ơn, đáp nghĩa không hoàn toàn giống nhau.

Việc đền ơn, đáp nghĩa thể hiện sự ghi nhận công lao, sự quan tâm chăm sóc trở lại của người mang ơn đối với những người xứng đáng được đền ơn. Đó có thể là những vật phẩm để sử dụng trong đời sống hằng ngày, nhưng chúng tuyệt nhiên không phải chỉ là giá trị vật chất, mà quan trọng hơn, cái vật chất ấy là sự thể hiện những giá trị tinh thần cao cả, là cái để minh chứng cho sự hiện diện của “nghĩa nặng” bởi “ơn sâu”. Như vậy, đền ơn, đáp nghĩa là một quá trình nhận thức, đền đáp và phát huy công lao của người có công với nước từ tấm lòng chân thật của người chịu ơn; là giá trị làm người của con người; là nội lực phát triển của con người.

Đền ơn, đáp nghĩa là một đạo lý của dân tộc Việt Nam. Đối với người Việt Nam, cùng với những giá trị chung của nhân loại, việc đền ơn, đáp nghĩa còn do tính đặc thù trong sự phát triển của quốc gia, dân tộc, như là một phương thức sinh tồn của cộng đồng.

Từ buổi bình minh của lịch sử, các cư dân sống trên mảnh đất này phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và phải chiến đấu chống lại sự xâm lấn thường xuyên của các bộ lạc chung quanh. Để vượt qua thử thách mang tính tồn vong đầu tiên này, phải phát huy sức mạnh của cả cộng đồng, trong đó không ít cá nhân và nhóm người đã có những hy sinh, những mất mát lớn lao, kể cả cả mạng sống của mình.

Sau chiến thắng đầy cam go, những người lãnh đạo cộng đồng thường tiến hành việc tuyên dương công trạng để ghi nhận ơn sâu, ban thưởng bổng lộc để tỏ lòng thành kính, chăm sóc bản thân và gia đình những người có nhiều công lao; đồng thời, phát huy những giá trị của họ đã tạo ra cho cộng đồng.

Cuộc đấu tranh với thiên nhiên và chống ngoại xâm để giải quyết vấn đề tồn vong của quốc gia dân tộc ngày càng thường xuyên hơn, ác liệt hơn, với quy mô và thách thức ngày càng lớn hơn thì sự hy sinh của cộng đồng, của những cá nhân và tập thể càng lớn hơn, giá trị tạo ra càng cao hơn. Cùng với quá trình đó, ơn và nghĩa của con người Việt Nam ngày một thêm sâu nặng, việc đền ơn, đáp nghĩa của cộng đồng đối với những người có công với nước ngày càng được hoàn thiện hơn. Nó trở thành chuẩn tắc sinh hoạt cộng đồng của dân tộc và cũng được từng bước pháp lý hóa về mặt nhà nước.

Nói cách khác, đây là một hình thức đặc thù của lối sống có thuỷ có chung, có tình có nghĩa của dân tộc và sự thể hiện độc đáo của “nền chính trị nhân nghĩa”. Với đạo lý “có công thì thưởng” và phương thức kết hợp giữa “lễ” và “pháp”, việc thưởng công không chỉ là “lễ” mà còn là “luật” của những người cầm quyền tiến bộ Việt Nam. Nó được bắt nguồn từ tấm lòng cảm mến, từ sự thôi thúc của lương tâm, từ nghĩa nặng của ơn sâu, và từ luật pháp của nhà nước đối với những người con trung hiếu của đất nước.

Người Việt Nam luôn ý thức được đạo lý “có nước mới có nhà” và “mất nước thì nhà tan”, nên luôn mang ơn sâu, nghĩa nặng với những người đã hy sinh bản thân, lợi ích hay sức lực ...của mình vì đất nước, vì cuộc sống của cộng đồng và của những người lương thiện. Vì vậy, việc đáp đền ơn sâu bằng nghĩa nặng không chỉ như một trong những phương thức sinh tồn của dân tộc, mà còn là đạo lý làm người của con người Việt Nam chân chính. “Đền ơn ơn càng lớn”, “đáp nghĩa nghĩa thêm sâu” là bản sắc và nội dung cơ bản của việc đền ơn, đáp nghĩa ở mỗi người Việt Nam như là một trong những truyền thống quý báu và tốt đẹp nhất của dân tộc ta.

Trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta" để nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong cảnh đất nước hoà bình, ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ, những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh thân mình hoặc bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường.

"Uống nước nhớ nguồn" là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất.

Hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa dân tộc ta từng bước đi trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tự do, ấm no, hạnh phúc, chúng ta vô cùng biết ơn sự hy sinh của những anh hùng, liệt sĩ, công lao của những đồng chí, đồng bào, của các cộng đồng địa phương, các tập thể và cá nhân.

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã cùng các tổ chức kinh tế, xã hội, các tập thể và cá nhân dấy lên phong trào đền ơn, đáp nghĩa khá sâu rộng trong xã hội, làm cho những nội dung cơ bản của vấn đề đền ơn, đáp nghĩa đã, đang và sẽ được giải quyết tương ứng với từng đối tượng ngang tầm sự phát triển của đất nước. Việc làm này thể hiện sự kế thừa truyền thống tốt đẹp và phát huy bản sắc độc đáo của dân tộc trong điều kiện mới, bản chất ưu việt của chế độ ta. Nó đã góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, làm vơi đi phần nào đau thương, mất mát của bao cá nhân và gia đình, nuôi dưỡng và phát huy động lực của toàn dân tộc trên con đường phát triển đất nước.

Đối với Thị xã Hương Trà, nhân dịp tết nguyên đán Quý Tỵ 2013, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã đac tiếp nhận, trao tặng 2.675 suất quà của Chủ tịch nước đến những người có công cách mạng, với tổng số tiền là 545.200.000 đồng; 7.503 suất quà của Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho thân nhân của những người có công với cách mạng, cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, những hộ gia đình có 2 người tàn tật, với tổng số tiền là: 944.300.000 đồng; 10 suất quà của Lãnh đạo thị xã Hương Trà cho 10 đối tượng có công tiêu biểu, trị giá 2.000.000 đồng và 3.000.000 đồng hỗ trợ Trung tâm Điều dưỡng chăm sóc người có công nhân dịp tết đến xuân về.

Những món quà chúc tết của các cấp, các ngành dành cho những người có công với cách mạng và cho thân nhân của họ trong những ngày này là vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của xã hội dành cho những con người rất đặc biệt của xã hội. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ.

Một mùa Xuân nữa lại đến. Sắc xuân của đất trời đã hòa cùng niềm hạnh phúc của mỗi người. Và vì thế, Xuân của đất trời và Xuân của lòng người càng ý nghĩa hơn, đầm ấm hơn và đẹp hơn!

(Thanh Hương)

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 11.311