Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bác Hồ với phong trào tết trồng cây
Ngày cập nhật 28/02/2013

Lúc còn sinh thời, có hai điều mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất tâm huyết, đó là việc giáo dục thế hệ trẻ để kế thừa sự nghiệp vẻ vang của Đảng và việc trồng cây xanh để tạo cảnh quan môi trường.

“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây

Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”

 

Tư tưởng đó của Người đã nâng việc gõ đầu trẻ để kiếm cơm ăn của các thầy đồ và việc ưa thích trồng cây của người dân ngày xưa trở thành một sự nghiệp quan trọng, vẻ vang của đời người.

Cuối năm 1959, nhân có phong trào thi đua mừng xuân, mừng Đảng 30 tuổi, Bác Hồ đã dựa vào việc ưa thích trồng cây của nhân dân để hướng dẫn một cách thi đua thiết thực, có hiệu quả kinh tế. Người kêu gọi: Muốn làm nhà cửa tốt, phải ra sức trồng cây và Người phát động “Tết trồng cây”.

Bác Hồ cho rằng trồng cây là việc tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Người ước tính: Mỗi tết trồng được độ 15 triệu cây, trong mười năm nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn.

Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt. Người cũng nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”. Người đặc biệt lưu ý là phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước. Nhưng không nên lẫn lộn số cây “tết” với số cây của kế hoạch, phải xem trọng chất lượng, nghĩa là “trồng cây nào, chắc cây ấy”.

Sau đó, Người còn đưa ra nhiều ý kiến về Tết trồng cây: Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục). Tết trồng cây là một việc quan trọng… xây dựng nông thôn mới…”.

Nói chuyện với đồng bào thôn Lạc Trung (Vĩnh Phú) Bác Hồ lại nhấn mạnh: Muốn làm nhà thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải hăng hái trồng cây. Mọi người cố gắng trồng nhiều cây thì trong sáu, bảy năm nữa, cả làng sẽ có đủ cây để làm nhà mới… Nhưng cần phải có kế hoạch trồng cây và chăm sóc cây ở đường cái. Cần giáo dục các em thiếu nhi có ý thức bảo vệ cây, chớ để trâu bò phá hoại.

Nhiều lần Người đánh giá: Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó. Bác cũng nhắc lại kinh nghiệm trồng cây tốt của thôn Lạc Trung (Vĩnh Phú): Cử những cụ già hăng hái lập thành những tổ chuyên trách trồng cây, các xã viên đều tuỳ khả năng mà giúp sức, các em nhi đồng thì có những đội bảo vệ cây cối. Tết trồng cây cũng như mọi việc khác, các cấp uỷ đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì sẽ thành công. Bác nhắc nhở đồng bào, con cháu:

“Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân…”.

Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta. Người nhắc nhở: Kinh nghiệm cho thấy rằng mọi người đều nên tham gia trồng cây, nhưng lực lượng các cụ phụ lão có tổ chức là quan trọng và các cháu thiếu nhi là lực lượng góp phần đắc lực.

Ngày 16-2-1969 (mùng Một Tết Kỷ Dậu) Bác Hồ đã trồng cây trên đồi cây xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ). Cây đa Bác trồng năm xưa hiện đang toả bóng xanh tươi, râm mát cả một vùng. Nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm quan đã chụp ảnh lưu niệm dưới gốc cây đa này để tưởng nhớ Bác Hồ-người Việt Nam tiêu biểu quan tâm bảo vệ môi trường sống của đất nước và nhân dân. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn cho biết: Tháng 7-1969, khi còn đang nằm trên giường bệnh, Bác vẫn nhắc nhở Đảng bộ Nghệ An cần “có kế hoạch trồng cây bảo vệ rừng”.

Điều tâm huyết của Bác cũng chính là những điều tâm huyết của mỗi người Việt Nam yêu nước. Học và làm theo lời Bác dạy, chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả việc trồng cây để non sông, đất nước Việt Nam mãi mãi xanh tươi, trong lành như lúc sinh thời Bác hằng mong ước.

(Thanh Hương)

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 11.268