Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chị Mai mẫu mực
Ngày cập nhật 21/03/2014

Hồ Thị Mai người phụ nữ dân tộc Pa Cô được sinh ra và lớn lên tại Đakrông Quảng Trị.

Năm 2006 tròn 18 tuổi chị về làm dâu tại bản Khe trái thuộc xã Hương Vân (trước đây) nay là phường Hương Vân. Miệt mài lao động, tạo dựng cuộc sống mới hai vợ chồng luôn bảo ban nhau tích cực làm thuê, cuốc mướn, vào rừng bứt lá nón đem về xuôi bán, vất vả lắm nhưng mỗi ngày chỉ thu được 50.000 đồng. Sau 03 năm lập gia đình 02 con cả trai lẫn gái lần lượt ra đời gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè nặng lên vai đôi vợ chồng trẻ. Hai vợ chồng lại càng vất vả hơn, làm thuê đủ thứ nghề ai cần gì thì làm nấy.

Đến năm 2009 khi công trình thủy điện Hương Điền được xây dựng chị cùng bà con dân bản về tái định cư tại thôn 5 xã Hồng Tiến. Chưa ổn định cuộc sống nơi ở mới Bố Mẹ chị lần lượt qua đời để lại cho chị 02 đứa em đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhớ lời căn dặn của Ba Mẹ khi lâm chung: “Cố gắng cùng Anh con nuôi các em ăn học nên người”. Lời trăng trối đó như lời nguyền đã ghi dấu vào tiềm thức của chị. Chị bàn bạc với Anh trai của mình (Nay đang làm thôn trưởng thôn 5) hai anh em cần có trách nhiệm với hai em, nuôi cho em ăn học đến nơi đến chốn. Được Anh đồng ý chị bàn với chồng gửi hai em vào trường dân tộc nội trú ở Huế để có điều kiện hơn trên con đường học hành. Hiện nay hai em đang theo học Đại học Y khoa và Đại học Kinh tế Huế. Sự thành đạt của Hai em hôm nay là cả một quá trình khắc phục khó khăn của chị.

Dùng số tiền được bồi thường khi tái định cư chị mua ngay 02 ha Cao su của bà con thôn 02 gần đến kỳ thu hoạch. Qua 02 năm chăm sóc đến nay cho thu nhập mỗi tháng được 05 triệu đồng. Được Nhà nước phân cho 01 ha đất canh tác chị trồng ngay loại sắn KM 94 mỗi năm thu gần 10 triệu đồng. Khi  được hỏi sao chị không trồng cây khác mà lại đi trồng cây sắn? chị mộc mạc: "phải lấy ngắn nuôi dài thôi, trồng cây sắn ít tốn công chăm sóc hơn mà lại dễ bán". Xong công việc chị lại vào rừng bứt lá nón, làm công cho các chủ buôn ở các bãi khai thác rừng mỗi ngày cũng được 200.000 đồng.

Chị Mai kể: “ Đã chấp nhận nuôi em là phải tạo điều kiện cho chúng cả về vật chất và tinh thần. Có nhiều lúc trong nhà không còn tiền mà lại đến ngày gửi cho hai em vợ chồng chị lo đến mất ăn mất ngũ. Phải chạy ngược chạy xuôi để mượn tiền lo cho em chị thấy nhiều lúc quá mệt mỏi, chưa khi nào chị có được giấc ngũ ngon nhưng cũng vui vì hai em được học cao biết rộng hơn mình, sau này nó không khổ có điều kiện để giúp lại mình”; đối với các con cũng vậy chị luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các con yên tâm học tập, các cháu ngoan và biết giúp đỡ ba mẹ những công việc nhà.

Chị Hồ Thị Xê Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Tiến nhận xét: “ Mai là số 01, đẹp người, tốt tính không những lo toan cho anh em trong gia đình mà cả với cộng đồng cũng rứa, đã giúp ai việc gì thì có trách nhiệm đến cùng việc ấy, gia đình thuận hoà êm ấm”. Chị em trong thôn yêu quý, tin tưởng bầu chị làm Chi hội trưởng phụ nữ. Không có lương hay phụ cấp gì hàng tháng nhưng chị luôn tích cực trong tất cả các buổi sinh hoạt, hội họp của thôn. Chị đã cùng với Anh trai mình cũng cố, vận động người dân ổn định cuộc sống với nơi ở mới khó khăn mấy cũng không trở lại nơi bản cũ để không xãy ra nguy hiểm đến tính mạng vì lòng hồ nay đã ngập nước. Được Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội tỉnh hỗ trợ cho chị em phụ nữ trong thôn 15 triệu đồng để tái sản xuất chị đã lên Kế hoạch kết nạp 14 chị vào nhóm người “phát triển sinh kế” nguồn tiền này hàng năm xét cho 03 chị phụ nữ nghèo vay lãi suất 1%/ tháng, số lãi thu được dùng vào việc thăm hỏi nhau khi gặp ốm đau, hoạn nạn. Mặc dù đồng vốn không nhiều nhưng chị em biết nhường nhịn nhau, đoàn kết trong khâu xét chọn., đồng vốn được đầu tư đúng mục đích đạt hiệu quả. Mọi người thường nghĩ công việc làm rừng chỉ giành cho nam giới vì họ có sức khoẻ nhưng đối với chị Mai làm rừng là chuyện nhỏ mặc dù vóc dáng nhỏ nhắn nhưng sức dai thì không ai địch nổi chị. Vì vậy 02 ha cao su dưới bàn tay chăm sóc của chị luôn xanh tốt cho trữ lượng mũ cao.

Người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ, dù gian khổ vượt núi băng rừng… Những ca từ bài hát Người con gái Pa Cô của nhạc sỹ Huy Thục như khẳng định thêm một lần nữa sự chịu thương chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất không trông chờ ỷ lại Nhà nước đối với người dân tái định cư. Chị Mai thực sự là người phụ nữ mẫu mực của cộng đồng người đồng bào núi rừng Thôn 5 xã Hồng Tiến.

 

Thu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 7.967