Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tâm sự của chị
Ngày cập nhật 18/04/2014

Đi từ xa đã nghe tiếng búa đập, tiếng lò thổi lửa phát ra từ nhà chị Trần Thị Thúy hội viên phụ nữ thôn Bao Vinh xã Hương Vinh.

Được thừa hưởng nghề truyền thống làm rèn của gia đình để lại chị bắt tay vào công việc từ năm 1987 khi mới lập gia đình. Bước đầu gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ. Chị kể mỗi ngày đạp xe trên cả chục cây số để tìm mua phế liệu từ các đống sắt vụn; đi dò hỏi từng hộ gia đình xem họ có nhu cầu về dụng cụ sản xuất nào? Mở sổ ghi chép sau đó về tổng hợp lại để gia công. Bắt tay vào làm các loại dụng cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như cuốc, cào với số lượng 30 chiếc mở hàng để thăm dò thị trường. Chị lại tất tưởi đạp xe ra các chợ vùng ven thành phố để bán. Hai ngày sau hàng bán hết chị phấn khởi lắm. Chị nghĩ người dân rất cần các dụng cụ được làm thủ công nhỏ, gọn, phù hợp với công việc đồng áng; khai hoang, sản xuất ở những vùng đất sỏi đá.

Ngoài gia công các loại cuốc, cào chị rèn thêm xẻng, dao rựa theo nhu cầu đặt hàng của khách. Bếp than ngày nào cũng đỏ rực, tiếng búa chát chúa vang lên đề đặn. Các sản phẩm làm đến đâu bán hết đến đó. Cứ thế năm tháng trôi qua chị gắn bó với cái nghề tưởng chừng như chỉ có nam giới mới làm được. Không tin nổi trước mắt mình là người phụ nữ nhỏ nhắn, có nước da trắng trẻo thế mà làm nghề rèn! Như đọc được ý nghĩ của tôi chị thủ thỉ “Chị chọn nghề này là nghề gia truyền đó em, chồng chị không làm được chỉ tham gia công tác xã hội là giỏi thôi. Trước đây 2 con còn nhỏ không giúp gì cho mẹ nhưng bây giờ các cháu lớn vì quý cái nghề mà chị truyền lại cho con bây giờ tay nghề các cháu vững lắm , chị chuyển qua phụ rồi”. Thuận lợi của việc sản xuất bây giờ là có nguồn nguyên liệu dồi dào; sắt được bán mới nguyên tấm, nguyên cây giá cả có cao hơn sắt phế liệu nhưng hàng được làm nhanh hơn, đảm bảo về chất lượng cũng như mẫu mã. Thị trường tiêu thụ được mở rộng tận Đông Hà hay vào Đà Nẵng. Mỗi tháng chị sản xuất và tiêu thụ trên cả trăm sản phẩm, ngày công lao động bảo đảm từ 150 đến 200 ngàn đồng.

Theo anh Trương Thái trưởng thôn Bao Vinh thì toàn thôn có 493 hộ trong đó có 20 hộ làm nghề rèn, sản xuất đa dạng mặt hàng như dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phục vụ cho xây dựng…;1/3 trong số này do phụ nữ đảm trách từ khâu tìm đầu vào, sản xuất đến tiêu thụ; số còn lại chỉ đảm nhiệm 01 hoặc 02 công đoạn mà thôi. Tuy nghề rèn rất vất vả, thu nhập không cao nhưng nguồn thu nhập lại ổn định mọi thành viên trong gia đình đều làm được. Điều day dứt của gia đình chị Thúy cũng như các hộ làm nghề rèn ở thôn Bao Vinh là có được nơi sản xuất tập trung để tránh đi ô nhiễm của khói bụi và tiếng ồn ở khu dân cư. Mặc dù hiện nay cũng có nhiều gia đình đã chuyển công đoạn làm nóng bằng lò than sang mua dụng cụ bằng điện nhưng sản phẩm làm ra không đẹp, người tiêu dùng không ưa ý bằng sản phẩm làm bằng thủ công. Dưới đôi bàn tay tài hoa của chị các tấm sắt được đo kẻ, cắt xén theo từng loại mặt hàng chính xác đến từng chi tiết. Tôi đùa với chị chỉ có công đoạn này là sướng thôi, cực nhất là công đoạn thổi lửa vì tiếng nổ lách tách từ than đã “tạo dáng” cho bộ áo quần chị mặc thêm những lỗ thủng chằng chịt như các bông hoa bị cháy.

Chia tay chị Thúy tôi thầm ao ước một ngày không xa thị xã Hương Trà sẽ quy hoạch làng rèn Bao Vinh vào một khu tập trung để lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.

 

Thu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 7.683