Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ổn định cuộc sống bằng nghề phụ
Ngày cập nhật 26/04/2014
Chị Phan Thị Ry đang đứng hướng dẫn cho phụ nữ làm hương
Đó là chị Phan Thị Ry hiện nay đang ở tại thôn Thanh Phước, xã Hương Phong. Nghề làm hương đến với chị rất tình cờ. Không biết tự bao giờ phụ nữ Thanh Phước truyền nghề cho nhau một cách thật ngẫu nghiên. Không đi học từ trường lớp, các chị thường học “mót” nhau để rồi làm nên những nén hương thơm, cháy đượm tạo nên một loại hương đặc trưng nơi miền quê này.
Chị Ry kể: Thời con gái chị bắt chước mọi người làm hương bằng thủ công, các cây hương được xe bằng tay. Lận đận lắm, không phải lúc nào các cây hương làm ra đều ưng ý. Hương không cháy hay cháy không đều là điều thường gặp. Trăn trở, bàn bạc học hỏi chia sẻ kinh nghiệm với những chị em trong thôn để rồi bắt tay vào làm lại. Các lần làm sau thành công hơn lần trước. Mỗi ngày chị xe cả ngàn cây, mỏi tay lắm và cũng rất vất vả vì suốt ngày phải tiếp xúc với bụi, hóa chất tẩm vào bột làm hương. Theo chị để làm nên một cây hương thành phẩm thì qua rất nhiều công đoạn từ chọn bột mùn cưa, rây mịn để loại bỏ tạp chất đến nhào trộn. Công đoạn này đòi hỏi sự kiên trì, dẻo tay và thật chính xác trong tỷ lệ nước được hòa vào mùn cưa. Về cây tăm tre sau khi mua về phải để vào chổ râm mát để tre không bị đảo sau đó nấu một ít nước màu nhúng vào 1/3 que tăm để tạo cho sản phẩm đẹp mắt. Tiếp đến que tăm được lăn với bột mùn cưa đã nhào nặn cuối cùng lăn vào thứ bột xoa để các cây hương không dính lại với nhau. Lúc này các công đoạn đã hoàn thành và được đem phơi sau đó bó thành từng bó lớn, nhỏ để tiện cho việc tiêu thụ. Bây giờ làm hương có phần cải tiến hơn, chị đầu tư mua 02 máy ép bột để rồi mỗi ngày làm ra trên 2 vạn cây, trừ các khoản chi phí thu nhập bình quân 200.000 đồng/ ngày.
 
Hiện nay chị đang sản xuất hương trầm và hương thường. Đối với hương trầm thì việc pha chế bột trầm vào mùn cưa đòi hỏi phải tỉ mỉ hơn; nguyên liệu thì được mua từ các hộ làm trầm ở trong thôn. Tôi hỏi chị sao không mua các loại nước hoa rẻ tiền để pha chế vào mùn cưa thì chị cười và nói: Hương có mùi nước hoa chị không làm một phần vì sợ người tiêu thụ không chấp nhận, phần khác vì sợ mùi hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị cho biết nghề làm hương tuy là nghề phụ nhưng đã giúp cho gia đình rất nhiều trong việc đầu tư cho con ăn học. Ngoài thời gian đi học các con chị cũng giúp mẹ các công đoạn nhồi bột, phơi, bó. Người chồng canh tác, sản xuất trên 4 sào ruộng, hết vụ mùa lại đi làm thợ nề, thợ sơn lúc rãnh rổi lại phụ giúp chị trong việc đưa hàng cho các đầu mối. Vì vậy từ nguồn thu nhập này mà chị đã đầu tư cho cả 4 con theo học ở các trường Cao đẳng và Đại học sư phạm Huế, gia đình êm ấm hạnh phúc. Bên cạnh đó chị đã sẵn lòng nhiệt tình hướng dẫn cho các chị trong thôn có mong muốn học nghề. Hàng ngày có từ 01 đến 02 chị cùng làm chị trả công cho họ bằng khoán sản phẩm từ xe xong 10 kg bột mùn cưa được trả công 60.000 đồng. Chị khoe với tôi hương làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó; các quán hàng hay các Chùa đều đặt hàng trước bởi vì hương ở Thanh Phước có đặc trưng riêng, mùi thơm nhẹ, dễ chịu. Ở trong từng cây hương cái “tâm” của người làm hương đã gửi vào đó lòng thành kính theo người mua để thắp nén hương thơm ở chốn linh thiêng hay từng bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình.
 
Theo chị Phan Thị Gấm chi hội trưởng thôn Thanh Phước thì nghề làm hương trong thôn đã tạo việc làm cho trên 35 hội viên phụ nữ. Đây cũng là nghề phụ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em. Nguồn nguyên liệu dễ mua và đầu tư vốn liếng cũng không nhiều lắm, lao động thì người già hay trẻ nhỏ đều làm đươc.
 
Hy vọng nghề làm hương mãi được lưu truyền để rồi những phụ nữ nông thôn có thêm việc làm tăng thêm nguồn thu nhập chính đáng cho gia đình họ.
 
Thu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 7.821