Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chuyện kể của chị Tôn Nữ Thị Dành
Ngày cập nhật 27/08/2014

Khi tôi nói có ý định viết bài về hành trình vượt khó để đi đến đích thành công. Chị cười hóm hĩnh: “Em nhớ viết đúng tên của chị là Tôn Nữ Thị Dành hiện ở tại tổ dân phố 7 phường Hương Hồ kẻo nhầm với người khác nhé”!

Tôi gật đầu và lắng nghe tâm sự của chị: Năm 1987 chị kết hôn cùng Anh Phan A ở Thôn Trúc Lâm, phường Hương Long, thành phố Huế. Một năm sau sinh con trai đầu lòng. Đến năm 1991 khi cháu thứ hai vừa tròn 4 tháng tuổi, căn bệnh viêm phúc mạc dữ dội đột ngột đến với chị, thời gian điều trị kéo dài gần 5 tháng vừa trãi qua các cuộc phẫu thuật lại bị nhiễm trùng...trong tình trạng thập tử nhất sinh tưởng như cuộc đời chị đã chấm dứt. Một mình chồng loay hoay đủ các công việc chỉ có tiền mua sữa và thức ăn cho ba cha con, bản thân chị được nhà ngoại cưu mang đưa về chăm sóc. Hai năm sau sức khoẻ mới dần dần bình phục. Lúc này cả nhà chị tá túc ở nhờ nhà bà Cố để sinh sống và bắt đầu làm kinh tế. Khó khăn chồng chất khó khăn, chăn nuôi lợn và làm bánh tráng cầm chừng cho cuộc sống qua ngày. Đến năm 1999 cơn lũ lịch sử đã làm sập đổ nhà cửa và tất cả đồ đạc ngập chìm rồi bị cuốn trôi trong dòng nước. Tủi thân, bi quan và chán nản chị nghỉ quẫn “Đời mình coi như đã hết ốm đau bệnh tật, nhà không có ở, con còn dại e chết đi cho xong ...”. Đúng lúc này với trợ giúp của hai bên nội ngoại xúm vào mỗi người mỗi việc; Hội phụ nữ ở địa phương động viên, giúp đỡ tạo điều kiện cho chị được tiếp cận nguồn vốn kịp thời với số tiền 10 triệu đồng từ Ngân hàng người nghèo (nay là Ngân hàng chính sách xã hội) để làm lại kinh tế. Thấy vợ không được khỏe mọi việc lớn bé trong nhà Anh A không nề hà vừa làm vừa an ủi vợ vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống nuôi con trưởng thành. Năm 2001 được tổ chức Công nghiệp liên hợp quốc (UNIDO) chọn chị làm thành viên của tổ sản xuất bánh tráng Lựu Bảo; từ đây cơ hội đến với chị ngoài được tham gia các khóa tập huấn kiến thức về vệ sinh trong chế biến, cách bán hàng có hiệu quả rồi được hỗ trợ vốn để xây lò trấu sản xuất. Chị như khỏe hẳn ra, thức dậy từ lúc 4 h sáng và kết thúc các công đoạn từ xay bột, tráng bánh, phơi khô và đóng gói vào lúc 20 h mỗi ngày. Tính ra bình quân mỗi tháng thu nhập cũng từ 3 đến 4 triệu đồng. Chăn nuôi mỗi năm 02 lứa lợn trừ chi phí cũng thu trên 20 triệu đồng. Từ đó đến nay qua 3 lần được xét duyệt nguồn vốn vay ưu đãi trên 30 triệu đồng gia đình chị đã đầu tư có hiệu quả, hoàn trả đúng thời gian quy định.  Các công việc như đã định sẵn tiếp thêm niềm tin trong cuộc sống, sức mạnh trong sản xuất cho chị. Vì vậy, chị đã vượt qua những thăng trầm của cuộc sống cùng chồng nuôi dạy các con trưởng thành.

Nhìn hai người con cùng mẹ thu dọn các liếp bánh đã phơi khô ít ai biết rằng được sinh ra, lớn lên trong điều kiện khó khăn là vậy nhưng các cháu đã cùng ba mẹ chia sẻ những thiệt thòi, thiếu thốn, tự thân vận động của những tháng ngày sinh viên vừa đi học vừa làm thêm để trang trãi cuộc sống. Thành quả của chị có được như ngày hôm nay nhìn vào ai cũng thèm muốn đó là con trai đầu là Kỹ sư đang công tác tại Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế, cháu gái tốt nghiệp sư phạm Hoá đang công tác tại trường THPT Thuận An.

Hạnh phúc ngập tràn khi các con đã biết tự lập cùng góp sức với ba mẹ trong phát triển kinh tế, vươn lên học tập và trở thành người có ích chị hết bệnh tự lúc nào không nhớ nữa. Hiện nay với sự đồng tâm hiệp lực gia đình chị đã mua được đất, làm được nhà khang trang sạch đẹp. Phấn khởi, tự tin khi chị được chị em trong tổ bầu làm Chi hội trưởng, tổ trưởng vay vốn công việc nào chị cũng hoàn thành xuất sắc. Tấm gương về nghị lực vượt khó làm kinh tế giỏi nuôi dạy con tốt của chị Dành được mọi người nêu gương, học tập. Kết thúc tâm sự của chị bằng một câu nói làm tôi nhớ mãi “Bây giờ chị đã qua cơn bỉ cực đến ngày thái lai rồi em nghe, cái nghèo cái khổ không có cơ hội để đeo bám chị nữa”!

Thu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 6.613