Theo Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, tập trung vào 04 vấn đề lớn, cụ thể như sau:
* Thứ nhất:
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung tên gọi, bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xuất phát từ việc hiện nay một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Chính vì vậy, cơ cấu, tổ chức, tên gọi của một số cơ quan, đơn vị cũng như các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã có sự thay đổi, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số chức danh mới có thẩm quyền xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như bãi bỏ một số chức danh đã được quy định trong Luật nhưng hiện nay không còn thẩm quyền xử phạt, cụ thể:
- Luật đã bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành như: Tổng cục trưởng Tổng cục Dữ trữ nhà nước; Cục trưởng Cục Dự trữ khu vực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Trưởng ban thi đua khen thưởng Trung ương, một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân do thay đổi cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ.
- Luật bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như Kiểm ngư viên, Trạm trưởng trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng, một số chức danh trong lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng và Quản lý thị trường.
Ngoài ra, Luật cũng đã bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thi hành án dân sự, Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự.
* Thứ hai:
Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:
- Tăng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Giám đốc Công an cấp tỉnh từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng.
- Bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cho một số chức danh thuộc Bộ đội Biên phòng để bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo đó, ngoài thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 40 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Luật số 67/QH14 bổ sung Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Sửa đổi thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh từ Điều 38 đến Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng:
+ Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh chỉ giới hạn đối với tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá mức tiền phạt. Quy định này của Luật Xử lý vi phạm hành chính bộc lộ nhiều bất cập, làm phát sinh quá nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới và bị dồn lên cơ quan cấp trên do trong hầu hết các vụ vi phạm, giá trị của các tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đều vượt quá mức phạt tiền thuộc thẩm quyền xử phạt quy định đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở.
+ Luật số 67/QH14 sửa đổi quy định các chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện. Các chức danh khác ở cấp cơ sở có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền. Quy định này nhằm khắc phục vướng mắc liên quan đến cách quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
* Thứ ba:
Điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định về vấn đề liên quan đến việc thay đổi tên gọi của chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật này có sự thay đổi về tên gọi thì chức danh đó có thẩm quyền xử phạt.
Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một chức danh trong một số trường hợp như: có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Vì vậy, Luật số 67/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 53 quy định cụ thể về những trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt có sự thay đổi về tên gọi, đồng thời với thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc không có sự thay đổi về tên gọi nhưng có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cụ thể:
- Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật này có sự thay đổi về tên gọi nhưng không có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó được giữ nguyên.
- Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
* Thứ tư:
Liên quan đến vấn đề giao quyền xử phạt vi phạm hành chính:
- Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định vấn đề giao quyền xử phạt cho cấp phó tại Điều 54; giao quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 87; giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính tại khoản 2 Điều 123. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định cụ thể về việc giao cho cấp phó có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính cũng như các quyết định khác trong xử lý vi phạm hành chính. Đây là vấn đề tương đối phức tạp và áp dụng nhiều trong thực tiễn.
- Trong quá trình triển khai, áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về vấn đề này, đã có những cách hiểu và áp dụng khác nhau. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, Luật số 67/QH14 đã sửa đổi, bổ sung Điều 54 theo hướng quy định về việc cấp trưởng giao quyền cho cấp phó áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Luật cũng quy định rõ văn bản giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định.