Tìm kiếm thông tin

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐIỆN ẢNH
Ngày cập nhật 21/02/2023

Ngày 15 tháng 6 năm 2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 (sau đây gọi là Luật Điện ảnh năm 2022), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

1. Bố cục

Luật Điện ảnh năm 2022 gồm 8 chương, 50 điều cụ thể như sau:

- Chương I. Những quy định chung, gồm 09 điều (từ Điều 1 đến Điều 9).

- Chương II. Sản xuất phim, gồm 05 điều (từ Điều 10 đến Điều 14).

- Chương III. Phát hành phim, gồm 03 điều (từ Điều 15 đến Điều 17).

- Chương IV. Phổ biến phim, gồm 15 điều (từ Điều 18 đến Điều 32).

- Chương V. Lưu chiểu, lưu trữ phim, gồm 04 điều (từ Điều 33 đến Điều 36).

- Chương VI. Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, gồm 10 điều, bao gồm 02 mục.  Mục 1 quy định về Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh gồm 05 điều (từ Điều 37 đến Điều 41), Mục 2 quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh gồm 03 điều (từ Điều 42 đến Điều 44).

- Chương VII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh, gồm 03 điều (từ Điều 45 đến Điều 47).

- Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 48 đến Điều 50).

2. Nội dung cơ bản

Luật Điện ảnh kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với trước, cụ thể là:

Chương I. Những quy định chung (Từ Điều 1 đến Điều 9)

- Kế thừa các quy định về Phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và Đối tượng áp dụng (Điều 2) của Luật Điện ảnh.

- Bỏ quy định về áp dụng pháp luật, bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu tác phẩm; khiếu nại, tố cáo do đã quy định tại Luật Điều ước quốc tế, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

- Sửa đổi 08 thuật ngữ[1] , bổ sung 07 thuật ngữ mới[2], lược bỏ 04 thuật ngữ[3] (Điều 3). Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung khái niệm “Phim” đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh điều chỉnh.

- Bổ sung quy định về nguyên tắc của hoạt động điện ảnh (Điều 4).

- Kế thừa, bổ sung các chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, bổ sung chính sách về công nghiệp điện ảnh (Điều 5). Luật Điện ảnh năm 2022 quy định việc Nhà nước đầu tư và hỗ trợ vào một khoản (khoản 2 Điều 5) nhằm tạo sự linh hoạt trong chính sách của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước đồng thời khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

- Bổ sung nội dung về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh (Điều 6).

- Bổ sung quy định về tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh tham gia xây dựng và phát triển điện ảnh (Điều 7).

- Bổ sung quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh (Điều 8) để đảm bảo tính tương thích với Luật Đầu tư và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

- Luật Điện ảnh kế thừa, bổ sung chi tiết hơn những nội dung bị cấm trong hoạt động điện ảnh, ngoài ra Luật còn bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh nhằm tạo thuận lợi cho việc tuân thủ Luật, ngăn ngừa và có cơ sở xử lý các vi phạm (Điều 9).

Chương II. Sản xuất phim (Từ Điều 10 đến Điều 14)

- Sửa đổi và bổ sung các quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim (Điều 10) để phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các luật có liên quan. Đáng chú ý là quy định nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim phải gửi văn bản cam kết không vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong trường hợp hợp tác sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, nhận tài trợ từ tổ chức, cá nhân nước ngoài để sản xuất phim.

- Sửa đổi và bổ sung quyền và nghĩa vụ của nhà sản xuất phim, biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên và thành viên khác trong đoàn làm phim (Điều 11).

- Bổ sung quy định về Hoạt động của trường quay (Điều 12).

- Sửa đổi, bổ sung quy định Hoạt động cung cấp dịch vụ dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam. Luật có sự thay đổi quan trọng khi quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ theo quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 (Điều 13).

- Sửa đổi quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện dưới ba hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, khác với Luật Điện ảnh năm 2006 chỉ quy định hình thức đấu thầu. Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng đối tượng chủ đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội

- nghề nghiệp ở trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 14).

Chương III. Phát hành phim (Từ Điều 15 đến Điều 17)

Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim.

- Bổ sung quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phát hành phim (Điều 15).

- Sửa đổi và rút gọn quy định về trao đổi, bán, cho thuê phim (Điều 16).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về xuất khẩu phim, nhập khẩu phim (Điều 17); bỏ quy định doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp để tham gia phổ biến phim; quy định tổ chức, cá nhân chỉ được xuất khẩu phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng; Điểm đáng chú ý là Luật bổ sung nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim phải cam kết bằng văn bản về nội dung phim không vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Điện ảnh gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, người đứng đầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung phim nhập khẩu để phổ biến phim (Điều 17).

- Bỏ quy định về hộ gia đình in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim, thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Chương IV. Phổ biến phim (Từ Điều 18 đến Điều 32)

- Bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim (Điều 18), trong đó có nghĩa vụ thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và dừng việc phổ biến phim khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Bổ sung, quy định cụ thể điều kiện kinh doanh phổ biến phim, quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim (Điều 19). Trong đó cơ sở điện ảnh phổ biến phim trong rạp chiếu phim có quyền từ chối phục vụ người xem trong trường hợp người xem sử dụng chất cấm, chất kích thích; mang vũ khí, vật liệu gây cháy, nổ, chất phóng xạ, chất độc hại, chất cấm, chất kích thích vào rạp chiếu phim; gây rối, mất trật tự tại rạp chiếu phim và ngăn chặn việc sao chép, ghi âm, ghi hình, truyền phát phim trái quy định của pháp luật. Ngoài thực hiện những nghĩa vụ như Luật Điện ảnh năm 2006 về bảo đảm tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam, thời lượng; Bảo đảm người xem phim đúng độ tuổi theo phân loại phim và khung giờ chiếu phim cho trẻ em hoặc miễn giảm giá vé xem phim cho một số đối tượng, Luật bổ sung thêm nghĩa vụ: Thực hiện kết nối dữ liệu, chế độ báo cáo tình hình hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phổ biến phim trên hệ thống truyền hình (Điều 20) trong đó lưu ý quy định có Quyết định phát sóng để phổ biến phim trên hệ thống truyền hình Việt Nam hoặc phổ biến phim trên gói dịch vụ truyền hình theo yêu cầu, trên dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng.

- Quy định cụ thể về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21). Luật đã quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định thêm về các yêu cầu, điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng như đáp ứng điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ, thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng, thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi, cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ.

- Bổ sung quy định về việc phổ biến phim tại địa điểm công cộng (Điều 22). Tổ chức phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng phải thông báo bằng văn bản về nội dung, chương trình chiếu phim cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số và vùng nông thôn (Điều 23).

- Bổ sung quy định về phổ biến phim tại trụ sở của cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam (Điều 24).

- Kế thừa quy định quảng cáo về phim (Điều 25).

- Bổ sung quy định quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim (Điều 26).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về cấp Giấy phép phân loại phim (Điều 27), Luật quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nội dung về phân cấp không hoàn toàn là nội dung mới trong luật, tuy nhiên quy định mới mang tính khả thi đáp ứng điều kiện thực tế hơn so với quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006.

- Bổ sung quy định về việc thay đổi nội dung phim và tên phim trong Giấy phép phân loại phim (Điều 28).

- Bổ sung quy định về thu hồi Giấy phép phân loại phim (Điều 29).

- Bổ sung quy định dừng phổ biến phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 30).

- Kế thừa và bổ sung quy định về Hội đồng thẩm định, phân loại phim (Điều 31).

- Bổ sung quy định về phân loại phim (Điều 32). Trên thực tế, phim Việt Nam chiếu tại rạp đã thực hiện phân loại theo độ tuổi từ năm 2017. Tuy nhiên, quy định này chỉ mới áp dụng đối với phim chiếu tại rạp và được điều chỉnh bằng Thông tư. Luật Điện ảnh năm 2022 quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim áp dụng chung cho các phim chiếu trên mọi hình thức phổ biến.

Chương V. Lưu chiểu, lưu trữ (Từ Điều 33 đến Điều 36)

- Sửa đổi quy định về Lưu chiểu phim (Điều 33). Định dạng kỹ thuật của phim thay đổi từ chất liệu phim nhựa sang phim phim kỹ thuật số nên Luật sửa đổi, bổ sung quy định mới nhằm phù hợp với công nghệ điện ảnh như thời hạn lưu chiểu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam. Phim Việt Nam sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước phải chuyển bản phim lưu chiểu không khóa mã, kịch bản và tài liệu đi kèm cho cơ sở lưu trữ phim; Trả lại bản phim lưu chiểu cho cơ sở nộp lưu chiểu khi hết thời hạn lưu chiểu.

- Kế thừa, sửa đổi và bổ sung quy định về lưu trữ phim (Điều 34). - Kế thừa, sửa đổi và bổ sung quy định quyền và trách nhiệm của cơ sở lưu trữ phim (Điều 35).

- Bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phim trong hoạt động lưu chiểu, lưu trữ (Điều 36). Chủ sở hữu phim phải mở khóa mã phim để đối chiếu, kiểm tra khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chương VI. Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Từ Điều 37 đến Điều 44)

Đây là chương mới so với Luật Điện ảnh năm 2006 với 8 điều, 02 mục:

Mục 1 từ Điều 37 đến Điều 41: Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh

- Bổ sung nội dung quảng bá, xúc tiến điện ảnh (Điều 37).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về Liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam (Điều 38). So với Luật điện ảnh năm 2006, Luật Điện ảnh năm 2022 đã mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia quảng bá, tôn vinh điện ảnh trong nước. Cụ thể các Bộ, ban, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp được tự tổ chức liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức Việt Nam không thuộc đối tượng nêu trên được phép tổ chức liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ. Tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài, cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài khi tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức Chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài (Điều 39) trong đó yêu cầu cơ quan, tổ chức khác (ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài thông báo bằng văn bản cho cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại hoạc địa bàn kiêm nhiệm về nội dung, kế hoạch tổ chức ít nhất 20 ngày trước ngày tổ chức.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về phim tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại Việt Nam và nước ngoài (Điều 40) là phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.

- Bổ sung quy định về ưu đãi thuế đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam (Điều 41). Đây là nội dung hoàn toàn mới được quy định tại Luật nhằm góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan. Kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng áp dụng chính sách ưu đãi này để tạo sức hấp dẫn đối với các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim. Tuy nhiên, để có thể thực thi Luật cẩn tiếp tục đề xuất sửa đổi bổ sung luật chuyên ngành nhằm đồng bộ các quy định của pháp luật.

Mục 2 từ Điều 42 đến Điều 44: Quỹ hỗ trợ và phát triển Điện ảnh

- Sửa đổi quy định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (Điều 42) nhằm nâng cao tính khả thi.

- Kế thừa, bổ sung quy định về mục đích của Quỹ tại Luật Điện ảnh (Điều 43).

- Bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Quỹ (Điều 44).

Chương VII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh (Từ Điều 45 đến Điều 47)

Bổ sung Chương quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh trong đó kế thừa và quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Điều 45), của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (Điều 46) và của Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 47).

Chương VIII. Điều khoản thi hành (Từ Điều 48 đến Điều 50)

Bổ sung quy định Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14 và Luật số 03/2022/QH15 (Điều 48), quy định Hiệu lực thi hành (Điều 49). Điều khoản chuyển tiếp (Điều 50) quy định về thời hạn hiệu lực của các loại Giấy phép phổ biến phim, Quyết định phát sóng, Giấy phép hợp tác liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp theo quy định của Luật Điện ảnh năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 và Luật Đầu tư năm 2020.

 


[1] Các từ ngữ: Điện ảnh; Phim; Hoạt động điện ảnh; Cơ sở điện ảnh; Sản xuất phim, Phát hành phim; Phổ biến phim; Chủ sở hữu phim.

[2] Các từ ngữ: Công nghiệp điện ảnh; Phân loại phim; Kịch bản phim; Phim Việt Nam; Cung cấp dịch vụ sản xuất phim; Trường quay; Địa điểm chiếu phim công cộng.

[3] Các từ ngữ: Tác phẩm điện ảnh; Kịch bản văn học; Kịch bản phân cảnh; Cơ sở dịch vụ sản xuất phim.

 

Trọng Quốc - Phòng Tư pháp
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 8.734.238
Truy câp hiện tại 7.922